Vào 15/10, Ba Lan sẽ tiến hành cuộc bầu cử quốc hội mà lãnh đạo phe đối lập Donald Tusk gọi đó là sự kiện quan trọng bậc nhất kể từ năm 1989.
Cuộc bầu cử này đang vô cùng căng thẳng khi hai phe chính là: Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) và phe đối lập do cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk dẫn đầu đang ganh đua sít sao. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy tỷ lệ ủng hộ gần như ngang nhau, với 37% cử tri sẽ bỏ phiếu cho PiS và 30% theo liên minh đối lập.
Do không có một đảng phái nào nắm ưu thế hoàn toàn, mọi sự chú ý dồn vào những đảng nhỏ hơn khi họ có thể bắt tay với những các đảng lớn để lập nên liên minh cầm quyền. Trong đó, việc đảng cực hữu Konfederacja được cho là sẽ bắt tay với PiS đang dấy lên lo ngại rằng đảng này sẽ thúc đẩy chính phủ Ba Lan rút khỏi Liên minh châu Âu – hay còn gọi là Polexit.
Theo một cuộc thăm dò của IBRiS, hơn một nửa số người ủng hộ phe đối lập lo ngại rằng nếu PiS tiếp tục nắm quyền, họ sẽ quyết tâm rời khỏi EU.
Mâu thuẫn với EU
Vào năm 2019, Lãnh đạo Konfederacja Sławomir Mentzen đã từng tuyên bố rằng phương châm của đảng này là chống lại EU. Kể từ đó đến giờ, Konfederacja vẫn kiến quyết phản đối đến cùng việc Ba Lan duy trì tư cách thành viên của EU.
Mặc dù PiS đã phủ nhận kế hoạch Polexit, phe đối lập vẫn khẳng định rằng tương lai của Warsaw ở EU vẫn rất bấp bênh. Lãnh đạo Donald Tusk cho biết: “Tôi tin chắc rằng Ba Lan sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu khi PiS chiến thắng trong bầu cử”.
Những lo lắng của ông Tusk là hoàn toàn có cơ sở với việc Ba Lan luôn có mối quan hệ căng thẳng với EU kể từ khi PiS lên nắm quyền vào năm 2015.
Vào năm 2016, việc Warsaw thông qua đạo luật cho phép Bộ trưởng Tài chính có quyền thuê và sa thải quản lý cấp cao của các cơ quan truyền hình, phát thanh và báo chí trên toàn đất nước đã khiến Liên hiệp Phát sóng châu Âu tỏ ra lo ngại và yêu cầu tổng thống Ba Lan khi đó là Andrzej Duda không được ký thành luật. Không chỉ châu Âu, phần đông Warsaw cũng phản đối đạo luật này khi một nghiên cứu gần đây cho thấy kể từ năm 2014, niềm tin của người Ba Lan vào các phương tiện truyền thống đã giảm 14%.
Lo ngại về việc Ba Lan rút khỏi EU một lần nữa ập đến khi vào năm 2020, chính phủ nước này đe dọa phủ quyết ngân sách EU do các nước thành viên khác bỏ phiếu từ chối viện trợ quốc gia bị phát hiện vi phạm luật.
Năm 2023, Ba Lan và EU một lần nữa phát sinh tranh chấp khi Ba Lan, Slovakia và Hungary vi phạm nguyên tắc thị trường chung của Liên minh châu Âu. Các quan chức EU cũng cáo buộc rằng PiS đang tìm kiếm tầm ảnh hưởng trong các chiến dịch tranh cử hơn là hợp tác thiện chí.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Vấn đề không còn nằm trong phạm vi kinh tế nữa mà liên quan đến các động cơ chính trị. Mặc dù chúng tôi biết rõ điều này từ lâu nhưng bây giờ nó mới trở nên rõ ràng hơn cả”.
Phần đông vẫn ủng hộ EU
Nhìn chung, người dân Ba Lan vẫn luôn dành sự ủng hộ cho EU. Vào năm 2022, một cuộc khảo sát cho thấy rằng hơn 80% người dân Ba Lan tin rằng EU đang khiến cho Warsaw trở nên dân chủ và thịnh vượng hơn.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng hưởng được rất nhiều lợi ích kể từ khi gia nhập EU vào năm 2004, gồm: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cho phép người lao động Ba Lan tìm kiếm thị trường lao động tốt hơn ở nước ngoài.
Cựu nghị sĩ Ba Lan Witold Gamodmski cho biết: “Hàng triệu người dân Warsaw, kể cả cử tri PiS, đã quen với việc du lịch, kinh doanh và du học trên trên khắp khu vực EU. Do vậy, rời khỏi Liên minh châu Âu đồng nghĩa với việc Ba Lan mất rất nhiều quyền lợi”.
Bên cạnh đó, vị trí của Ba Lan trong liên minh các nước phương Tây ủng hộ Ukraine chống Nga nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi quốc gia này rời khỏi EU.