Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ba nền kinh tế lớn ứng phó làn sóng thuế quan từ Mỹ

Kinhtedothi - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới vào ngày 2/4/2025, với mức thuế từ 10 - 50% đối với đa số hàng nhập khẩu, đã tạo ra một cú sốc trên phạm vi toàn cầu. Thay vì chỉ dừng lại ở các phản ứng ngoại giao, nhiều nền kinh tế lớn đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế tác động lan rộng lên tăng trưởng, việc làm và ổn định thị trường. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore là những ví dụ tiêu biểu với cách tiếp cận linh hoạt, kết hợp giữa điều hành nội bộ và thúc đẩy đối thoại chiến lược với Mỹ.

Singapore: thành lập lực lượng đặc nhiệm, ứng phó sớm với biến động thương mại toàn cầu

Ngay sau khi Mỹ công bố áp mức thuế phổ thông 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu, Chính phủ Singapore đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó cấp quốc gia. Ngày 8/4, Thủ tướng Lawrence Wong tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc gia nhằm hỗ trợ DN và người lao động thích nghi với môi trường thương mại đầy biến động.

Lực lượng này do Phó Thủ tướng Gan Kim Yong phụ trách, gồm đại diện các cơ quan điều hành kinh tế, Liên đoàn DN Singapore, Liên đoàn Chủ sử dụng lao động và Công đoàn Quốc gia. Trọng tâm là xây dựng kịch bản hỗ trợ phù hợp với từng nhóm ngành, từ xuất khẩu sản xuất đến các lĩnh vực dịch vụ, đồng thời bảo đảm an sinh lao động nếu thị trường co hẹp.

Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Lawrence Wong cho biết, các ngành có độ mở cao như sản xuất và thương mại sỉ sẽ chịu tác động trực tiếp khi nhu cầu bên ngoài giảm sút. Các ngành tài chính, bảo hiểm và logistics cũng có thể tăng trưởng chậm lại do tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng. Bộ Thương mại và Công nghiệp đang rà soát lại dự báo tăng trưởng năm 2025 (hiện ở mức 1 - 3%) và có thể điều chỉnh giảm.

Nhà máy sản xuất thép mạ kẽm liên tục đầu tiên tại châu Á của Madhav KRG Group, đặt tại Punjab, Ấn Độ. Ảnh: INZ

Singapore cũng bày tỏ thất vọng trước chính sách thuế của Mỹ, cho rằng mức thuế 10% đối với một quốc gia có thâm hụt thương mại như Singapore là thiếu công bằng. “Đây không phải là cách đối xử với một người bạn” - ông Lawrence Wong nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo rằng làn sóng bảo hộ nếu lan rộng sẽ làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu: “Khi rào cản thương mại đã dựng lên, việc gỡ bỏ là rất khó khăn, kể cả khi lý do ban đầu không còn. Điều còn lại là sự thiếu tin cậy và những hệ lụy lâu dài”.

Thay vì trả đũa, Singapore lựa chọn kiên định với nguyên tắc tự do thương mại. Chính phủ nước này cho rằng đợt áp thuế lần này có thể là khởi đầu cho một làn sóng tăng thuế mang tính hệ thống từ các nền kinh tế lớn, đe dọa trật tự toàn cầu và niềm tin thị trường. Trong bối cảnh đó, việc duy trì môi trường kinh doanh ổn định và bảo vệ năng lực cạnh tranh được xác định là ưu tiên hàng đầu.

Ấn Độ: ổn định kinh tế vĩ mô là trọng tâm, đối thoại là chiến lược

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ, với mức thuế lên đến 26% đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu, Ấn Độ đang đối mặt với sức ép lớn, đặc biệt trong các ngành có thế mạnh truyền thống như kim cương, dệt may, nông sản và thiết bị y tế. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ lựa chọn một chiến lược ứng phó toàn diện, kết hợp giữa duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ ngành xuất khẩu và thúc đẩy đàm phán song phương.

Dù các tổ chức tài chính như Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ xuống 6,1% cho năm tài chính 2025/26, chính phủ nước này vẫn giữ nguyên mục tiêu ở mức 6,3 - 6,8%, với điều kiện giá dầu duy trì dưới 70 USD/thùng và các chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả ngay từ đầu năm.

Bộ Tài chính đã nhận được nhiều đề xuất từ Bộ Thương mại nhằm hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng, bao gồm việc gia hạn và mở rộng chương trình hoàn thuế xuất khẩu RoDTEP, hỗ trợ lãi suất tín dụng, mở rộng hạn mức tín dụng ưu đãi cho DN vừa và nhỏ, và tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông và Trung Á.

Ngành kim cương được xác định là lĩnh vực dễ tổn thương nhất, do hơn 35% lượng xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Tại các trung tâm chế tác như Surat, nguy cơ mất đơn hàng có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn việc làm. Chính phủ đang phối hợp với hiệp hội ngành nghề để đánh giá thiệt hại và chuẩn bị các gói trợ cấp duy trì lao động nếu cần thiết.

Ở chiều đối ngoại, Ấn Độ tiếp tục theo đuổi tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ, vốn đã kéo dài nhiều năm. Ngoại trưởng S. Jaishankar và Bộ trưởng Thương mại Piyush Goyal đã có các cuộc trao đổi với phía Washington ngay sau khi chính sách thuế quan được công bố. Mỹ mong muốn Ấn Độ mở cửa mạnh hơn với nông sản và sản phẩm sữa, trong khi New Delhi tìm kiếm miễn thuế cho hàng công nghiệp nhẹ, dược phẩm và linh kiện điện tử.

“Chúng tôi không tìm cách leo thang, nhưng chắc chắn không thể đứng yên” - một quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết. Ông tiết lộ các phương án như đàm phán theo giai đoạn, điều chỉnh thuế linh hoạt và thậm chí là hoãn áp dụng đang được cân nhắc.

Mặc dù chưa đưa vấn đề ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều chuyên gia trong nước cho rằng đây vẫn là một công cụ cần thiết nếu đàm phán song phương không đạt kết quả trong quý II năm nay. Ấn Độ đang nỗ lực cân bằng giữa bảo vệ lợi ích kinh tế trong ngắn hạn và duy trì thế chủ động trong quan hệ thương mại lâu dài với Mỹ.

Hàn Quốc: đàm phán kết hợp hỗ trợ khẩn cấp, bảo vệ các ngành trụ cột

Trước sức ép từ mức thuế 25% mà Mỹ áp lên ô tô và linh kiện nhập khẩu, Hàn Quốc nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp chủ lực như ô tô và thép - vốn đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng xuất khẩu của nước này.

Chính phủ Hàn Quốc đã cử ông Cheong In-kyo, nhà đàm phán thương mại hàng đầu, tới Washington để làm việc trực tiếp với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Trước chuyến đi, ông Cheong cho biết Hàn Quốc đang cân nhắc gia tăng nhập khẩu từ Mỹ như một biện pháp cân bằng thương mại và mở rộng dư địa đàm phán.

Tại Seoul, quyền Tổng thống Han Duck-soo đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ trưởng để ban hành chính sách “ứng phó kép”. Ngay sau đó, Bộ Tài chính công bố gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 10,18 tỷ USD cho ngành ô tô, bao gồm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 5% xuống 3,5% đến tháng 6/2025, mở rộng hỗ trợ tài chính và tăng trợ cấp cho xe điện.

Bộ Thương mại cũng đẩy nhanh kế hoạch chuyển hướng thị trường sang Trung Đông và châu Âu thông qua các hiệp định sẵn có. Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun cảnh báo rằng chính sách thuế mới của Mỹ “sẽ gây tác động rất tiêu cực” đến xuất khẩu Hàn Quốc, nhất là trong ngành ô tô. Theo bộ phận phân tích kinh tế, thuế quan lần này có thể khiến xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 50% và kéo giảm 2,5% GDP của Hàn Quốc.

Khi thị trường Mỹ chiếm tới 14% tổng kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ Hàn Quốc xác định phản ứng nhanh, mạnh và có hệ thống là yếu tố then chốt để giữ vững chuỗi cung ứng trong nước và ổn định nền kinh tế trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Tạm hoãn áp thuế đối ứng: thời gian vàng để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Tạm hoãn áp thuế đối ứng: thời gian vàng để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Tâm thế mới của doanh nghiệp với mức thuế quan của Mỹ

Tâm thế mới của doanh nghiệp với mức thuế quan của Mỹ

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc VITM Hanoi 2025: Chùm tour lịch sử TP Hồ Chí Minh dịp 30/4 hút khách

Bế mạc VITM Hanoi 2025: Chùm tour lịch sử TP Hồ Chí Minh dịp 30/4 hút khách

13 Apr, 06:54 PM

Kinhtedothi- Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM Hanoi 2025) tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua tour giá rẻ, doanh nghiệp kết nối xây dựng phát triển du lịch xanh, qua đó nâng tầm du lịch Việt. Đó là ý kiến của người dân, doanh nghiệp khi nói về hiệu quả mà VITM Hanoi 2025 mang lại.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp

TS Nguyễn Trí Hiếu: Cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp

13 Apr, 06:49 PM

Kinhtedothi - Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại của Mỹ, Việt Nam đang nỗ lực đàm phán và triển khai nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, kịp thời. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tái cấu trúc DN là việc cần làm ngay để góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng minh bạch, giữ vững vị thế trong “sân chơi” toàn cầu.

Tận dụng "khoảng lặng" thuế quan, doanh nghiệp Việt tăng tốc xuất khẩu

Tận dụng "khoảng lặng" thuế quan, doanh nghiệp Việt tăng tốc xuất khẩu

13 Apr, 04:13 PM

Kinhtedothi - Việc cần làm ngay của các DN Việt Nam là phải thỏa thuận với các nhà nhập khẩu Mỹ cùng chia sẻ rủi ro, tranh thủ xuất khẩu các đơn hàng đã ký kết; đồng thời, khẩn trương điều chỉnh chiến lược hoạt động kinh doanh và chủ động các biện pháp ứng phó lâu dài.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ