Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba phía lợi, một bên thiệt

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự trung gian của Mỹ, Israel và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UEA) đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau.

Trước UEA, Israel mới chỉ được 3 thành viên của thế giới Ả rập là Ai cập năm 1979, Jordani năm 1994 và Mauritania năm 1999 chính thức công nhận. Năm 2009, Mauritania ngừng quan hệ ngoại giao với Israel để phản đối cuộc chiến tranh của Israel ở dải Gaza.
Sự nhất trí này là kết quả tác động trung gian của Mỹ nhưng trước hết là kết quả của việc phía Israel từ nhiều năm nay rồi đã thầm lặng nhưng bền bỉ nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước trong thế giới Ả rập và của quá trình tiếp xúc và trao đổi bí mật cũng từ khá lâu nay giữa Israel và UAE.
Theo những gì mới được Mỹ, Israel và UEA công bố thì một trong những nhượng bộ cơ bản nhất của Israel là từ bỏ ý định thôn tính vào lãnh thổ Israel một số vùng lãnh thổ của người Palestin mà Israel chiếm đóng trái phép lâu nay. Cụ thể như thế nào thì thiên hạ chưa được biết nhưng phía UEA đã đi xa đến mức quả quyết rằng thoả thuận về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và UEA "giáng đòn chí mạng" vào kế hoạch thôn tính lãnh thổ nó trên của Israel.
Việc Israel và UEA thoả thuận thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức có tác động như một vụ nổ bom chính trị và ngoại giao ở khu vực Trung Quốc cũng như trong mối quan hệ giữa Israel và thế giới Ả rập.
Nó sẽ làm thay đổi rất đáng kể cục diện chính trị ngoại giao và an ninh cũng như tương quan lực lượng ở khu vực này. Trước mắt, nó có lợi cho ba phía là Mỹ, Israel và UEA nhưng khiến một bên thua thiệt nhiều hơn được lợi là Palestin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngần ngại chút nào để coi chuyện này là một thành quả cầm quyền của mình, một thành tựu về đối ngoại và một thành công của cái gọi là "Thoả thuận thế kỷ" được con rể của mình soạn thảo đưa ra cho Israel và Palestin cũng như cho thế giới Ả rập. Kết quả này cùng với thoả thuận giữa Mỹ và Taliban ở Afghanistan có thể có tác động vô cùng quan trọng đối với ông Trump trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại ở nước Mỹ.
Cả Israel lẫn UEA đều là những đồng minh quân sự truyền thống và đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của Mỹ ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Hai bên này hoà giải và thân thiện với nhau giúp Mỹ bớt khó xử và khích lệ các nước khác trong thế giới Ả rập dần chấp nhận bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Israel, như thế Mỹ có thể dễ dàng thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa Israel và các nước Ả rập.
Israel tiến thêm được bước rất quan trọng trên con đường thoát khỏi tình trạng bị cô lập ở khu vực và thực hiện chiến lược phân rẽ nội bộ thế giới Ả rập để làm rạn vỡ tình đoàn kết và ủng hộ của các nước Ả rập dành cho Palestin, từ đó có thể dễ bề xử lý cuộc xung đột với Palestin, đặc biệt vấn đề lãnh thổ, hoàn toàn theo lợi ích và chủ ý của mình.
Chiến lược đánh tỉa của Israel đã đưa lại thêm thành quả quan trọng mới cho Israel. Nhượng bộ cho UEA về lãnh thổ của người Palestin, nếu có thật, thì cũng không có nghĩa là Israel chịu trả lại cho người Palestin toàn bộ những khu vực lãnh thổ mà Israel đã đánh chiếm trái phép và rồi dần thôn tính kể từ năm 1967 trở lại đây.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiện cũng rất cần thành tựu đối ngoại để thoát khó về nội bộ trong bối cảnh đất nước này bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra tác động tiêu cực và bản thân ông Netanyahu phải trực diện mấy phiên toà liền.
UEA dùng bước đi chính trị ngoại giao khu vực mới này để xác lập vai trò, vị thế và ảnh hưởng mới ở khu vực mà cụ thể ở đây thành công với việc ngăn chặn Israel tiến hành thôn tính những khu vực lãnh thổ của người Palestin. UEA muốn thể hiện là đối tác có khả năng chủ động xử lý các vấn đề chính trị an ninh của khu vực.
UEA cần những điều ấy để duy trì mô hình riêng về nền quân chủ tuyệt đối trong thế giới hiện đại, để trở thành trung tâm hoặc ít nhất thì cũng một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.
Cả Mỹ, Israel và UEA đều có lợi ích chung là dùng đối ngoại phục vụ đối nội, nhưng cũng còn có mục tiêu chung là co cụm cùng đối phó Iran.
Những phản ứng đầu tiên từ phía Palestin cho thấy phía Palestin nhìn nhận việc Israel và UEA thoả thuận thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức gây bất lợi nhiều hơn cả. Không có gì đảm bảo là phía Israel rồi đây không thực hiện ý định thôn tính các vùng lãnh thổ đã đánh chiếm trái phép của người Palestin.
Và điều đặc biệt nguy hại đối với cuộc đấu tranh bền bỉ lâu nay của Palestin là sự ủng hộ và tình đoàn kết của thế giới Ả rập dành cho Palestin cứ dần tiếp tục lỏng lẻo và rạn vỡ.