Bạc Liêu: Nhiều món ăn, quà tặng vào top 100 đặc sản Việt Nam

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian tìm kiếm bình chọn, Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietking) đã xác nhận món cà ri vịt, bánh củ cải Bạc Liêu lọt vào top 100 món ăn đặc sản; mắm cá chốt, tôm khô Đa Giàu lọt top 100 món ăn - quà tặng đặc sản Việt Nam năm 2021 - 2022.

Món bánh của cải Bạc Liêu
Món bánh của cải Bạc Liêu

Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh rất vinh dự khi có món ăn và quà tặng vào top 100 đặc sản của Việt Nam. Qua đó, ngành văn hóa du lịch mong muốn đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực trở thành các sản phẩm du lịch, xây dựng được thương hiệu các món ngon, sản vật, tạo được điểm nhấn góp phần giữ chân du khách đến và ở lại lâu hơn trong mỗi chuyến du lịch về Bạc Liêu.

Vị ngon của món “bình dân” 

Cà ri vịt Bạc Liêu là món ăn dân dã được đúc kết từ giao thoa 3 nền văn hóa Việt - Khmer - Hoa trải qua hàng trăm năm ở vùng đất này. Cũng từ nguyên liệu chính là cà ri như bao vùng miền Nam Bộ, nhưng món cà ri vịt Bạc Liêu lại mang đậm nét đặc trưng riêng.

Theo đó, vịt để nấu phải là loại vịt cỏ mềm nhỏ con thả đồng ít mỡ; cà ri còn mang chút nét Ấn Độ nhưng thơm nồng lá cà ri tươi, đặc biệt không dùng nước cốt dừa như các nơi khác. Nước dùng có thể cay hoặc cay nhẹ, được pha sệt bằng bột củ năng.

Cà ri vịt Bạc Liêu có đặc trưng riêng so với các vùng miền khác.
Cà ri vịt Bạc Liêu có đặc trưng riêng so với các vùng miền khác.

Cà ri vịt Bạc Liêu ăn nóng với hủ tiếu tươi hay bánh mì. Tùy thích, khách có thể gọi thịt vịt, đùi vịt, ức vịt, lòng vịt, huyết... chấm muối tiêu hoặc muối ớt chanh, ăn kèm với quế, ngò gai, giá sống tùy theo sở thích, khẩu vị của người ăn.

Món cà ri vịt có thể bắt gặp trong các đám tiệc sang trọng ở địa phương, hay các điểm bán ăn sáng ở quê, hoặc ngay trung tâm TP Bạc Liêu. Đối với du khách ở xa, có thể đến Cầu số 4 đường Hòa Bình vào buổi sáng, hay ở chợ đêm, hoặc thưởng thức ở ven đường Trần Phú lúc về khuya. Những nơi đây ngon nhất, giá bình dân lại đậm đà đúng hương vị cà ri vịt Bạc Liêu.

Cà ri vịt Bạc Liêu không nước cốt dừa, thường dùng muối ớt để chấm.
Cà ri vịt Bạc Liêu không nước cốt dừa, thường dùng muối ớt để chấm.

Cũng là món bình dân có hàng trăm năm, bánh củ cải là món ăn nhẹ có nguồn gốc người Hoa. Bánh được làm bằng bột mì, bột gạo và bột năng được trộn đều cán mỏng. Nhân bánh gồm tôm, tép (nhỏ), thịt nạc bằm, củ cải cắt thành sợi rồi đem xào chín, nêm nếm vừa ăn.

Món bánh củ cải Bạc Liêu có tuổi đời trăm năm
Món bánh củ cải Bạc Liêu có tuổi đời trăm năm

Khi tráng bánh xong cuốn lại với nhân một cách khéo tay, đẹp mắt, hấp dẫn. Bánh củ cải ăn kèm với một số loại rau như giá, húng lủi, rau thơm, quế, xà lách, dưa leo. Trên rắc một lớp hành phi, tép con rang thơm lừng. Không thể thiếu khi ăn là nước chấm được làm từ nước mắm, chanh, đường, tỏi, ớt...

Bánh củ cải có thể bắt gặp ở các chợ huyện, xã hay ngay các gánh hàng rong. Nhưng điểm ngon nhất, vẫn ngay khu vực Cầu số 4 đường Hòa Bình và chợ phường 3, TP Bạc Liêu.

Quà tặng đặc sản mắm cá chốt, tôm khô Ba Giàu

Cá chốt, loài cá đặc trưng sống ở vùng nước lợ - mặn. Xưa, vùng Bạc Liêu, cá chốt đầy sông, chỉ cần tung chài, cá chốt mắc đầy tay lưới, phải đem chài về nhà treo lên mới gỡ được cá. Để có hũ mắm cá chốt hấp dẫn, ngâm cá trong nước lạnh chừng mười lăm phút, chặt hai ngạnh to dính ở đầu, bỏ ruột, rửa sạch, để ngoài trời phơi cho vừa ráo thì đem vào ướp muối.

Khác với mắm cá lóc, khi ướp muối làm mắm cá chốt, người ta còn ướp thêm ít rượu đế, đường, thính... Do có độ béo của loài cá da trơn, nên mắm cá chốt khó ủ hơn các loại cá khác nơi đây, để có keo mắm cá chốt ngon, đòi hỏi người ủ mắm có kinh nghiệm và tay nghề.

Thưởng thức món mắm cá chốt ngon nhất là ăn sống. Mắm được dỡ ra, trộn thêm tỏi ớt chanh đường. Mà phải ăn kèm với những loại rau quả đặc trưng vùng Bạc Liêu đó là chuối chát, trái bần chín thái mỏng và rau đồng. Nhấp thêm hớp rượu công - xi Bạc Liêu. Như vậy mới nếm đủ vị đặc trưng của mắm cá chốt Bạc Liêu.

Mắm cá chốt, ngon nhất là ăn sống với chuối chát và trái bần chín.
Mắm cá chốt, ngon nhất là ăn sống với chuối chát và trái bần chín.

Cùng mắm cá chốt, tôm khô đất Đa Giàu cũng được xếp vào top 100 quà tặng đặc sản Việt Nam. Được sản xuất tại cơ sở Đa Giàu số 73, khóm 2, phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Nguyên liệu để chế biến từ những con tôm bạc đất tươi. Loài tôm này sinh sống tại môi trường tự nhiên ở các vùng nước ngọt - lợ như: Sông, rạch, ao, đầm hay chúng có thể phát triển ở các vùng nước lợ nơi cửa sông ở địa phương.

Tôm bạc đất có mùi ít tanh hơn so với các loại tôm biển, thân tròn, kích cỡ khá nhỏ, con to thì chỉ bằng đầu đũa hoặc gần bằng ngón tay út. Do được làm từ tôm còn tươi sống nên thịt tôm khô Đa Giàu có độ dai, chắc và rất ngọt. Màu sắc tự nhiên bắt mắt hơn so với các loại tôm khô làm từ tôm biển khác.

Tôm bạc đất sống tự nhiên sẽ có màu đỏ tự nhiên không cần phẩm màu, hóa chất nhưng  có vị ngọt thật của tôm vùng sông nước lợ.

Ngoài khâu chọn lựa nguyên liệu, khâu luộc tôm cũng không kém phần quan trọng. Người luộc tôm phải canh lửa cháy đều, nêm muối vừa tay, phải chọn đúng thời điểm vớt tôm để mang đi phơi nắng tự nhiên. Khi phơi nắng tôm phải đảo đều vỏ tôm mới khô từ đầu đến đuôi để dễ tách vỏ… Trung bình, cứ 10 - 12kg tôm nguyên liệu mới chế biến được khoảng 1kg tôm thành phẩm.

Tôm khô Đa Giàu được làm từ nguyên liệu con tôm bạc đất còn tươi sống
Tôm khô Đa Giàu được làm từ nguyên liệu con tôm bạc đất còn tươi sống

Là vùng đất văn hóa giao thoa 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer trải qua hàng trăm năm mở cõi, Bạc Liêu có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc riêng biệt. Đến đây, du khách còn có thể nếm thử những món đặc sản khác như bún nước lèo, bánh tầm Ngan Dừa… chắc chắn sẽ không bao giờ quên.