


Trên nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội hiện nay không khó để bắt gặp cảnh tượng một phần lòng đường bị "xẻ thịt" để làm bãi đỗ xe tạm thời. Điều đáng nói, nhiều điểm trông giữ xe trái phép vẫn hoạt động công khai giữa ban ngày, người trông giữ thu tiền đều đặn, điều này vừa gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông… Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: chưa biết khi nào vấn nạn này được xử lý dứt điểm?
Qua khảo sát thực tế của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, tại nhiều phường như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa… tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để làm bãi trông xe đang diễn ra công khai, thậm chí có nơi đã tồn tại suốt nhiều năm qua. Điển hình là các tuyến phố như: Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Lê Đại Hành, Hào Nam… hàng loạt đoạn vỉa hè, lòng đường đã bị “hô biến” thành nơi trông xe máy, ô tô thu tiền theo lượt hoặc theo tháng.
Phóng viên có mặt tại phố Quán Sứ, đoạn gần Bệnh viện Phụ sản Trung Ương ghi nhận, trong khi ô tô, xe máy chen chúc trên đường, nhưng bất chấp sự an toàn, gây ùn tắc cục bộ. Phía đối diện, trên vỉa hè sát bệnh viện, một nhóm người ngồi ghế nhựa hễ thấy người tới gửi xe đều ra vẫy táp vào vỉa hè, ngó cửa xe nói: “Đánh sát vỉa hè rồi đưa chìa khóa ô tô đây cho em”.
Sau khi phóng viên xuống xe, một phụ nữ đã ghi vé (trên vé ghi đơn vị Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có địa chỉ tại phố Hàng Đậu, Hà Nội) đưa cho chúng tôi và không quên lời dặn: “30.000 đồng/giờ, nếu khi trở ra không thấy xe thì em gọi theo số điện thoại ghi sau vé sẽ có người trả xe em”.

Quan sát cho thấy, lưu lượng phương tiện qua khu vực phố Quán Sứ luôn rất đông, kể cả ngoài giờ cao điểm. Tìm hiểu của phóng viên được biết, tại đây nhóm người không chỉ trông ô tô, xe máy theo ngày, giờ mà có thể trông theo tháng với mức phí giao động từ 1.200.000 – 1.600.000 đồng/tháng, tuỳ theo loại xe và nhu cầu của chủ xe.
Bày tỏ bức xúc trước tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường bà Nguyễn T. Nh (65 tuổi, ở phố Hàng Bông, Hà Nội) cho biết: “Dọc các tuyến phố Phủ Doãn, Hai Bà Trưng là khu vực gần nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức. Do vậy, hàng ngày lượng người đổ về chưa bệnh, thăm khám rất lớn. Vì thế phương tiện luôn chen chúc, hầu như không còn lối cho người đi bộ và du khách. Điều đáng nói, một số bãi cấp phép xe máy thì để xe bịt kín vỉa hè. Thậm chí, một đối tượng ngang nhiên chiếm lòng đường để trông giữ ô tô làm ùn tắc giao thông, gây mất an ninh trật tự…”.
Cách phố Quán Sứ không xa là tuyến đường Hai Bà Trưng, Hà Nội, tình trạng trông giữ ô tô, xe máy cũng trong cảnh bát nháo. Phóng viên vừa tạt ô tô vào lề đường trước một cửa hàng quần áo ở địa chỉ số 20 phố Hai Bà Trưng, một thanh niên trẻ tuổi đã vội vã ra hỏi và nói rõ khu vực này là địa phận giữ trông xe với giá 30.000 – 35.000 đồng/giờ đối với ô tô. Xe máy có giá 10.000 đồng/lượt… khi hỏi về vé, nam thanh niên nói ráo hoảnh “không cần vé, nhà em trong ngõ và có người trông liên tục tại đây”.


Không chỉ các con phố lớn nhỏ trong bị chiếm dụng, tại khu vực các đường ven hồ, vườn hoa đều có thể biến thành nơi trông giữ xe bất kỳ thời điểm nào. Trong khi thành phố đang phải chi phí rất lớn để cải tạo các không gian xanh, hồ điều hòa nhằm làm đẹp cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Tuy nhiên, không ít khuôn viên xung quanh hồ xuống cấp, bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe trái phép, gây bức xúc cho dư luận.
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực hồ Ba Mẫu thuộc quận Đống Đa (cũ), đường dạo quanh hồ đang trở thành các điểm trông giữ xe và bày bán hàng quán. Cả tuyến đường ven hồ Ba Mẫu (khu vực giáp đường Lê Duẩn) lâu nay trở thành bãi trông giữ xe với hàng trăm chiếc ô tô gửi ngày đêm. Cũng ven hồ, tại khu vực ngõ 65 phố Ô Đồng Lầm, một bãi xe tự phát mọc lên có tới hàng chục chiếc đỗ tại đây. Khi chúng tôi đỗ ô tô khoảng nửa phút ngay lập tức một người đàn ông ra gõ cửa kính đòi ghi vé va cho biết, gửi nhanh giá 25.000 đồng/lượt, lâu hơn 30.000 đồng/giờ. Nơi đỗ là khu vực đường, vỉa hè của con ngõ.

Qua thực tế, tại phố Xã Đàn khu vực gần hầm chui Kim Liên, vườn hoa Đào Duy Anh nhiều tháng qua bị lấn chiếm. Những điểm trông giữ xe trái phép đang gây nên sự lộn xộn và làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị nghiêm trọng. Người giữ xe lấy mỗi giờ 30.000 đồng, nếu đỗ qua đêm phải trả từ 80.000 đến 100.000 đồng. Thế nhưng, nhân viên không hề ghi vé hay điều gì để đảm bảo sự an toàn cho xe. Xung quanh khu vực, lúc nào xe cũng đỗ chật kín lòng đường, vỉa hè cũng bị chiếm dụng, đem lại nguồn thu không nhỏ cho một số cá nhân.
Với việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè chưa đủ, các phương tiện còn đỗ ngay trong khuôn viên vườn hoa Đào Duy Anh. Đối với những bãi trông giữ xe tự phát này, nhiều người dân trong khu vực xót xa và bày tỏ bức xúc khi vườn hoa Đào Duy Anh mới được đầu tư cải tạo, chỉnh trang nhiều tỷ đồng, đáng lẽ phải trở thành nơi nghỉ ngơi thư giãn lý tưởng; tuy nhiên lại đang bị biến thành bãi đỗ xe trái phép…

Và trên nhiều tuyến đường phố khác, thậm chí gầm cầu, khu vực nhà ga ở địa bàn Thủ đô hiện nay cũng đang bị chiếm dụng làm nơi trông giữ xe trái phép. Theo khảo sát, tại khu vực Ga La Khê (Hà Đông) có rất nhiều bãi trông giữ xe tự phát hai bên đường, quy mô khá lớn, với hàng trăm phương tiện để ken cứng khu vực lên xuống nhà ga.
Phương tiện còn được gửi trong những lều lán tạm bợ, nhếch nhác; nhiều người chiếm dụng cả vỉa hè dù nơi này có đặt biển cấm trông giữ xe. Khi hỏi về phí trông giữ, nhân viên trông xe tại đây cho biết, có hai hình thức gửi xe: theo ngày và theo tháng. Vé gửi xe máy tháng là 200.000 đồng, còn gửi ô tô là 30.000 đồng/ngày hoặc 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Mặc dù phải chịu thu với mức giá đắt đỏ nhưng nhiều người vẫn buộc phải chấp nhận “ngậm bồ hòn” vì ít có sự lựa chọn nào khác.
Ngoài khu vực Ga La Khê, nhiều điểm trông giữ xe tự phát khác vẫn ngang nhiên hoạt động “chặt chém” khách như tại số 86 đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tại khu vực này, nhiều năm qua xuất hiện các hộ dân thu phí 20.000 đồng/lượt xe máy và 30.000 đồng nếu gửi qua đêm, gây bức xúc cho người dân…
Được biết, trước thực trạng thiếu điểm trông giữ xe phục vụ hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (nay là Sở Xây dựng Hà Nội) từng có đề nghị các quận, huyện (cũ): Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội rà soát, bố trí các vị trí có thể lập bãi gửi xe máy, xe đạp. Thế nhưng, đến nay, ngoài hai đầu tuyến có điểm gửi xe theo quy định, các khu vực còn lại vẫn thiếu trầm trọng bãi đỗ, buộc người dân phải loay hoay tìm nơi gửi và chấp nhận rủi ro khi gửi xe tại các bãi không phép.
Vòng quanh các tuyến phố ở Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh ô tô, các phương tiện khác đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường. Trong đó phải kể đến bãi đỗ ô tô trái phép lớn nhất Thủ đô kéo dài hàng trăm mét trên Vành đai 3, đoạn qua đường Nghiêm Xuân Yêm, Hà Nội. Ở đây, có 5 tòa chung cư của Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ không có hầm đỗ dành cho ô tô và quanh khu này còn nhiều bãi xe chưa triển khai theo quy hoạch. Có khoảng 60 - 70 ô tô của cư dân thường xuyên đỗ trái phép dưới lòng đường.
(Còn nữa)

