
Hàng loạt dự án bãi đỗ xe hàng nghìn tỷ vẫn “đắp chiếu”, hoang hóa trong khi tình trạng bãi xe trái phép, thu tiền lậu ngang nhiên tồn tại, thậm chí có cả đường dây do cán bộ “bảo kê” đã bị khởi tố. Thực tế tréo ngoe này không chỉ gây thất thoát tài nguyên đô thị, lãng phí đất công; đó còn là sự lỏng lẻo trong quản lý, quyết liệt trong xử lý…

Như đã đề cập ở bài viết trước, liên quan đến nhóm người ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè lòng đường trông giữ phương tiện trái phép trên phố Quán Sứ (Hà Nội), nhóm người này giao vé gửi xe ghi đơn vị Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có địa chỉ tại phố Hàng Đậu. Để làm rõ vấn đề này nhóm phóng viên đã liên hệ, trao đổi với lãnh đạo công ty. Điều bất ngờ, qua trao đổi, lãnh đạo Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội khẳng định, loại vé giấy nhóm người đưa cho khách gửi xe là vé giả.
Tại buổi làm việc, sau khi xem clip ghi nhận của phóng viên về việc nhóm người trông giữ ô tô trái phép trên phố Quán Sứ, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: “Từ tháng 4/2024, công ty đã triển khai thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ không dùng tiền mặt. Đến nay, 100% các đơn vị, xí nghiệp thuộc Công ty đều sử dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt, vì vậy, chúng tôi khẳng định nhóm người sử dụng loại vé in đó là vé giả…”.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh, trước đó đơn vị cũng từng phát hiện đối tượng sử dụng vé trông giữ xe giả của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để thu phí của khách tại địa bàn quận Đống Đa (cũ). Công ty đã có công văn gửi Công an TP. Sau đó, lực lượng công an đã tiến hành xác minh làm rõ và xử lý đối tượng. Về nhóm người trông giữ xe trái phép nêu trên, ông Nguyễn Đức Vinh cũng mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm…
Thời gian qua, nhằm siết lại công tác quản lý trật tự đô thị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhằm xử lý tình trạng trông giữ phương tiện trái phép tại nhiều quận nội thành. Đặc biệt, tại quận Hoàng Mai (cũ) - điểm nóng về giao thông và bãi xe “đen”, cơ quan công an đã xử lý nhiều đường dây, tổ chức thu tiền trông xe không phép, có dấu hiệu hình sự, đồng thời bắt giữ một số đối tượng liên quan, trong đó có cả cán bộ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước.
Cụ thể, ngày 16/5/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP (CATP) Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ, xảy ra tại quận Hoàng Mai (cũ). Theo đó, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 4 đối tượng là cán bộ phường Hoàng Liệt (cũ).

Theo điều tra, từ năm 2020, Nguyễn Xuân Chinh, SN 1976, Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Liệt; Nguyễn Mạnh Hà, SN 1978, cán bộ hợp đồng UBND phường Hoàng Liệt (cũ) bàn bạc, trao đổi với Nguyễn Thị Ánh Tuyết, SN 1987, cán bộ Văn phòng UBND phường Hoàng Liệt; Đinh Thị Vân Anh, SN 1988, Kế toán UBND phường Hoàng Liệt, tạo “cơ chế xin, cho”, buông lỏng quản lý trật tự đô thị để nhận tổng số tiền 1,175 tỷ đồng của nhiều cá nhân kinh doanh bãi xe trái phép trên địa bàn phường Hoàng Liệt. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 400 triệu đồng cất giữ trong tủ làm việc của Nguyễn Thị Ánh Tuyết.
Ngay sau khi vụ án này được bóc gỡ, các lực lượng Công an quận Hoàng Mai (cũ) cũng xử lý hành chính và cưỡng chế hàng chục bãi xe tự phát tại các tuyến phố như: Định Công, Giải Phóng, Tân Mai, Trương Định… Đây đều là những khu vực đất công, đất ven mương, hoặc nằm trong các dự án chậm triển khai, bị người dân và doanh nghiệp chiếm dụng làm bãi trông giữ xe trái phép để thu tiền.
Chia sẻ bức xúc về vấn đề này, ông Trần Văn B, trú tại phường Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Có những bãi xe hoạt động cả chục năm, thu phí theo giá “cắt cổ” nhưng không hề có biển báo cấp phép hay thông tin đơn vị được giao quản lý. Người dân không còn lựa chọn vì không có bãi đỗ xe hợp pháp. Họ tận dụng đất trống, rào chắn sơ sài rồi thu 25.000 – 30.000 đồng/lượt gửi ô tô. Mỗi tháng mất tiền triệu trong khi quyền lợi không được đảm bảo, bởi cháy nổ, an ninh trật tự vẫn nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào”.
Cũng theo ông Trần Văn B, đơn cử khu HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (cũ) có tới 12 tòa nhà, dân số trên 36.000 người nhưng chỉ có tầng hầm trông giữ xe máy, không có bãi trông giữ xe ô tô trong khi đó, các dự án bãi đỗ xe thông minh ở khu vực này chỉ nằm trên giấy. Toàn địa bàn phường Hoàng Liệt, dân số thực tế trên 92.000 người, với trên 4.000 xe ô tô, vượt quá khả năng thực tế các bãi xe hợp pháp. Việc các bãi xe bất hợp pháp ra đời trong bối cảnh như vậy. Chỉ tính sơ sơ, mỗi tháng Nhà nước thất thu thuế hàng tỷ đồng từ các bãi giữ xe trái phép, và mầm mống nảy sainh tiêu cực cũng bắt nguồn từ đây.
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Hoàng Mai, tình trạng các bãi xe “ma” mọc lên tràn lan ở nhiều địa bàn khác như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Từ Liêm… khiến dư luận bức xúc. Khảo sát của phóng viên, nhiều bãi xe nằm trên đất công, vỉa hè, thậm chí trong khuôn viên các dự án chậm tiến độ, bị biến tướng thành nơi trông giữ xe để thu lời bất chính.


Đáng nói, trong khi các bãi xe trái phép mọc như nấm, hàng loạt dự án xây dựng bãi đỗ xe quy mô lớn, được kỳ vọng giải quyết tình trạng thiếu chỗ đỗ phương tiện ở Hà Nội, lại đang “chết yểu” hoặc trong cảnh thi công ì ạch... Điển hình là dự án bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất (ở địa chỉ 295 đường Lê Duẩn) gần như “đắp chiếu” sau gần 10 năm triển khai. Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này được đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đầu tư từ năm 2016, có diện tích hơn 10.000m2 nằm cạnh khuôn viên của Công viên Thống Nhất. Nhưng đến nay sau gần 10 năm, dự án bỏ hoang hoá, làm bãi trông xe; trong khoảng một năm trở lại đây khu đất dự án xuất hiện một số công trình, nhà tạm.

Tiếp đến là dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại tại Công viên Thủ Lệ. Dự án được khởi công từ năm 2020, có tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, quy mô 5 tầng hầm, sức chứa khoảng 2.000 ô tô và 5.000 xe máy. Đến nay, sau gần 5 năm triển khai nhưng trên khu đất chỉ là một số nhà tôn dựng tạm bợ. Xung quanh công trình mới chỉ thực hiện xong phần vây tôn mặt bằng.Và lâu nay, khu đất dự án được Công ty Vườn thú Hà Nội “tận dụng” làm nơi trông giữ ô tô, xe máy cho khách vào tham quan Công viên Thủ Lệ.

Rơi vào tình cảnh tương tự là dự án bãi đỗ xe tự động P (H1-3) tại đoạn cống hóa mương Nguyên Hồng (phường Thành Công, quận Ba Đình - cũ) được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2017, nhằm tạo cảnh quan sạch đẹp và đáp ứng nhu cầu về điểm đỗ xe của người dân trong khu vực. Điều đáng nói, hơn 8 năm đã qua, dự án vẫn “án binh bất động”, gây nhiều hệ lụy về môi trường, cảnh quan và lãng phí nguồn lực đất đai…
Qua khảo sát của phóng viên, khu đất đã được rào quây tôn, có nhiều lối vào, phía trong ô tô đỗ kín chỗ, còn bên ngoài tường rào là đường đi trong khu dân cư. Tại khu vực chân rào tôn có nhiều điểm tập kết rác, khiến cho cảnh quan khu vực nhếch nhác, mất vệ sinh, ô nhiễm khiến người dân khu vực bất bình.
Về dự án này, ngày 19/6/2017 và 25/7/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3667/QĐ-UBND và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 3751/QĐ-UBND, giao cho Công ty Cổ phần Cơ sở hạ tầng làm chủ đầu tư Dự án bãi đỗ xe tự động P (H1-3) tại phần đất cống hoá mương Nguyên Hồng. Ngày 26/6/2017, công ty nhận được Văn bản số 4079/QHKT-TMB-PART(HTKT) của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc…

Ông Phan Hồng Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ sở hạ tầng cho biết, nhiều năm qua dự án chưa thể triển khai do vướng mắc thủ tục. Theo Quyết định số 3667/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, thời gian thuê đất và trả tiền thuê được tính theo từng năm, trong khi thời gian vận hành dự án là 50 năm. Quy định này khiến công ty gặp khó khăn trong quản lý, thủ tục hành chính bị lặp lại hàng năm, ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư dự án có tổng vốn lớn. Ngoài ra, tổ chức tài chính tài trợ phần vốn vay không chấp thuận cho vay dài hạn. Ngày 1/11/2018, tại Văn bản số 220/CV-CSHT gửi UBND TP Hà Nội, công ty đã đề xuất điều chỉnh thời gian thuê đất trong quyết định chủ trương đầu tư thành 50 năm, tương đương thời gian vận hành dự án.
Cũng theo ông Phan Hồng Quang, ngày 14/6/2018, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện. Trên cơ sở hướng dẫn, công ty đã tiếp tục hoàn thiện các thủ tục như thẩm định nhu cầu sử dụng đất, đảm bảo thoát nước, vận hành cống mương, ký quỹ thực hiện dự án, ký hợp đồng nhập khẩu máy móc thiết bị... Tuy nhiên, đến nay đơn vị vẫn đang chờ kết quả thẩm định và các hướng dẫn tiếp theo để hoàn thiện thủ tục thuê mặt bằng.

Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành trong quý I/2019. Nhưng thực tế, đến nay công ty vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng... Để tạm thời sử dụng mặt bằng, công ty đã đề xuất và được UBND quận Ba Đình (cũ) chấp thuận tại Văn bản số 3205/UBND-QLĐT ngày 25/12/2024, cho phép sử dụng tạm thời khuôn viên đất để trông giữ ô tô trên diện tích 4.814m2, thời gian từ 1/1/2025 đến 30/6/2025.


(Còn nữa)
LTS: Theo quy hoạch, tổng số bãi đỗ xe công cộng TP Hà Nội là 1.690 bãi đỗ xe, trong đó, có 72 bãi đỗ xe đã đưa vào khai thác sử dụng, 61 bãi đỗ xe đang triển khai đầu tư xây dựng, 1557 bãi đỗ xe chưa thực hiện. Nhiều khu đất quy hoạch làm bãi đỗ xe vẫn chưa được đầu tư, quây tôn, nằm "bất động". Mời quý độc giả đón theo dõi bài 4: "Những dự án “treo” quây tôn, bất động", đăng tải ngày 26/7/2025 trên báo điện tử Kinhtedothi.vn.
