Đối với công tác dạy học thì dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách là việc quan trọng nhất. Bởi vậy, nhà giáo không chỉ cần chuyên môn vững vàng mà phải có phẩm chất tốt, là tấm gương mẫu mực để học sinh noi theo. Dùng chi bộ để bồi dưỡng năng lực toàn diện cho giáo viên là cách một số chi bộ trường NCL đã và đang làm.
Với chi bộ trường THPT Đinh Tiên Hoàng, từ khi thành lập đến nay, chi bộ luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nhà trường, thu hút và kết nạp những cán bộ giáo viên tốt nhất, giỏi nhất. Chi bộ không dùng mệnh lệnh khô cứng, không ra lệnh bằng đồng tiền và không chỉ lãnh đạo bằng đường lối mà bằng chính sự gương mẫu của những đảng viên đi trước.
Công tác gần 30 năm tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cô Trần Thị Thuấn, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn từng nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ các trường khác nhưng vì tình cảm dành cho nhà trường và các thế hệ học sinh, cô vẫn một lòng gắn bó, cống hiến cho sự phát triển của nhà trường, góp phần cảm hóa, giáo dục học sinh trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Làm tốt công tác tư tưởng, chính trị cho đội ngũ giáo viên để tạo sự phát triển ổn định của nhà trường cũng là cách làm thành công của Chi bộ trường THPT Đông Đô. Nêu cao tinh thần “Mỗi nhà trường là một pháo đài tư tưởng”, Chi bộ trường THPT Đông Đô luôn kịp thời phổ biến, chuyển tải các nghị quyết của Đảng; tổ chức các hoạt động ý nghĩa, chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ giáo viên, học sinh; giáo dục lý tưởng cách mạng và trách nhiệm công dân cho từng đối tượng. Từ đây, mỗi cán bộ giáo viên là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với học sinh, góp phần hun đúc ý chí, lí tưởng cách mạng cho những chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhìn nhận tầm quan trọng của chi bộ, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp Nguyễn Quang Tùng cho hay: “Các định hướng phát triển, các điều chỉnh quy hoạch, các kế hoạch thực hiện của nhà trường ở từng giai đoạn đều được chi bộ rà soát kỹ, có đánh giá và rút kinh nghiệm thường xuyên”.
Qua chặng đường xây dựng và phát triển các trường NCL, hầu hết những người có vai trò sáng lập, lãnh đạo nhà trường đều thống nhất quan điểm: Thành lập chi bộ là chủ trương đúng đắn và việc tạo dựng được vị thế, uy tín của nhà trường một phần lớn nhờ sự lãnh đạo của chi bộ.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho hay: Chi bộ của trường đã đào tạo đội ngũ cán bộ gồm giáo viên, giám thị, nhân viên văn phòng rất gương mẫu. Nhiều giáo viên trẻ về trường, sau thời gian công tác và được bồi dưỡng, tuyên truyền, giác ngộ đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ đây, các giáo viên sẽ tiếp tục phấn đấu, trưởng thành, được bổ nhiệm nắm giữ các vị trí quan trọng của chi bộ và nhà trường.
Ngành giáo dục có nhiệm vụ giáo dục nhân cách, đạo đức, kiến thức cho học sinh nên nếu được tuyên truyền, giác ngộ, vận động tốt, đa số thầy cô giáo sẵn sàng gia nhập hàng ngũ của Đảng. Chi bộ tại các trường NCL là một tổ chức quy tụ được hầu hết cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, có đạo đức chuẩn mực nên trong các đợt bổ nhiệm chức danh quản lý, Hội đồng trường đều thống nhất cao khi dùng nguồn cán bộ là đảng viên. Như vậy, khi đứng trong hàng ngũ của Đảng và sinh hoạt trong chi bộ, giáo viên không những được đảm bảo quyền lợi kinh tế, quyền lợi tinh thần mà còn có những quyền lợi đặc biệt về chính trị cùng nhiều cơ hội thăng tiến.
Dù ở trường NCL, việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo không bắt buộc phải là đảng viên nhưng đa số giáo viên được bổ nhiệm chức danh quản lý, lãnh đạo tại các trường NCL đều đã đứng trong hàng ngũ của Đảng. Giải thích điều này, TS Võ Thế Quân, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đông Đô cho biết: “Khi giới thiệu nhân sự vào các vị trí lãnh đạo quan trọng như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, trưởng nhóm chuyên môn, người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội của nhà trường thì những nhân sự được đề cử, giới thiệu đều là đảng viên bởi họ là người có đủ uy tín, năng lực để đảm nhiệm chức vụ quan trọng đó, điều này cũng góp phần thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của chi bộ với nhà trường”.
Thực tế, không phải 100% giáo viên trẻ đều có ý thức phấn đấu để vào Đảng, nhưng hầu hết thầy cô giáo ý thức được về những thuận lợi nếu được sinh hoạt trong tổ chức Đảng, đó là: Khi thực hiện công tác giáo dục học sinh, thầy cô không chỉ là giáo viên giảng dạy kiến thức đơn thuần mà còn là cán bộ đang bồi dưỡng lí tưởng cho học sinh. Với tư cách của người giáo viên- đảng viên và tư tưởng “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, chắc hẳn bài học sẽ giàu sức lôi cuốn và đạt hiệu quả cao hơn.
Chia sẻ về công tác vận động, bồi dưỡng giáo viên trẻ, người đứng đầu trường THPT Đông Đô cho biết: Khi thực hiện trách nhiệm phân công đảng viên làm công tác dân vận với quần chúng. Chi bộ THPT Đông Đô sẽ phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Bên cạnh đó, cùng việc tuyên truyền để giáo viên trẻ phải thực hiện đầy đủ quy định của nhà trường, của nhà nước thì đảng viên trong chi bộ còn hướng họ đến những lí tướng cao đẹp, ý chí phấn đấu để trở thành đảng viên và có mong muốn gia nhập tổ chức Đảng.
Ngoài sự thống nhất, ủng hộ, phối hợp của Hội đồng trường cùng vai trò của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh thì chi bộ trường NCL còn thường xuyên nhận được sự quan tâm sát sao của quận ủy (huyện ủy)- nơi đặt trụ sở trường. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cấp ủy cơ sở đã tạo mọi điều kiện, hướng dẫn từng bước cho chi bộ; nhờ đó, chi bộ các trường NCL luôn được đánh giá tốt trong công tác chuyên môn cũng như công tác xây dựng phát triển Đảng. (Còn nữa)
08:18 02/12/2022