Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ươm mầm “hạt giống đỏ” trong đồng bào dân tộc Dao

Bài 2: Đảng viên đi trước

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các đảng viên với vai trò tiên phong, tích cực vận động đồng bào dân tộc tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.

>> Bài 1: Hành trình đến với Đảng

Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự lớn lao. Cũng bởi vậy, các thế hệ đảng viên là đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì đã và đang nỗ lực để phát huy tốt nhất vai trò, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Cầu nối xây dựng tình đoàn kết

Nằm dưới chân núi Tản Viên, xã Ba Vì là một trong những địa phương cách xa trung tâm Thủ đô Hà Nội nhất. Khoảng cách địa lý khiến việc tiếp cận thông tin, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong đồng bào vùng dân tộc nơi đây gặp nhiều hạn chế. Ở đó, vai trò của các đảng viên trở nên đặc biệt quan trọng.

Các đảng viên là những tấm gương sáng, đi đầu trên mặt trận xung kích.
Các đảng viên là những tấm gương sáng, đi đầu trên mặt trận xung kích.

Bí thư Chi bộ thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì) Dương Trung Thân cho biết, những năm qua, cùng với việc chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, những đảng viên người dân tộc thuộc Chi bộ tập trung tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình và đồng bào tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng; ủng hộ chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Chúng tôi quan niệm, mỗi đảng viên phải là một tuyên truyền viên trong phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào vùng dân tộc, với mục tiêu trước tiên là xây dựng khối đại đoàn kết, giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội tại địa phương” - ông Dương Trung Thân cho biết.

Cùng với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các đảng viên với vai trò tiên phong, tích cực vận động đồng bào dân tộc tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình là cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn làng văn hóa”…

Đặc biệt, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các đảng viên là những tấm gương sáng, đi đầu trên mặt trận xung kích. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đảng viên Dương Kim Duy - Phó Bí thư Chi đoàn thôn Hợp Nhất (xã Ba Vì) đã vận động đoàn viên, thanh niên trong thôn tích cực tham gia tổ giám sát cộng đồng; cùng với đại diện các tổ chức hội, đoàn thể, dưới sự dẫn dắt của Chi bộ thôn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để người dân biết, thực hiện. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh tại xã Ba Vì đã được kiểm soát tốt.

Tiên phong phát triển kinh tế địa phương

Cùng với tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đảng viên người dân tộc Dao tại xã Ba Vì còn gương mẫu đi đầu, tiên phong trong phát triển kinh tế địa phương. Anh Triệu Sinh Viễn, sinh năm 1993, ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) là một trong những đảng viên trẻ tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế. Phát huy truyền thống của gia đình, những năm qua, anh Viễn đẩy mạnh phát triển nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ cây thuốc Nam.

Không chỉ dừng ở bán lá thuốc, anh Viễn đã nghiên cứu, phối trộn nhiều loại nguyên liệu để nấu cao, tạo thành những sản phẩm thuốc Nam tiện lợi hơn cho người tiêu dùng. Song song với đó, anh chủ động tiếp cận với các kênh thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thuốc Nam của gia đình. Qua đó, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Bên cạnh nghề làm thuốc Nam, nhiều đảng viên đồng bào dân tộc Dao còn phát triển ngành nghề trồng trọt, với nhóm cây trồng chủ yếu là chè xanh, dong giềng, cây bương, cây tre…; đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Dương Kim Liêm, ở thôn Hợp Nhất (xã Ba Vì) là một ví dụ.

Đến thôn Hợp Nhất, không khó để bắt gặp ngôi nhà 3 tầng mới được xây dựng khang trang, rộng đẹp của gia đình anh Liêm. “Sau khi đi bộ đội về, tôi theo học nghề cơ khí, với dự định xuất khẩu lao động. Dù vậy, được sự động viên của gia đình, tôi quyết định ở nhà mở xưởng cơ khí, đồng thời phát triển thêm nghề chăn nuôi lợn” - đảng viên Dương Kim Liêm chia sẻ.

Trên diện tích hơn 1ha, hiện anh Liêm đang phát triển đàn lợn hàng trăm con cho doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ năng động phát triển kinh tế, gia đình anh Dương Kim Liêm hiện đã có “của ăn, của để”. Bản thân anh trở thành tấm gương điển hình để quần chúng Nhân dân noi theo.

Những tấm gương năng động trong phát triển kinh tế như anh Liêm, anh Viễn đang xuất hiện ngày một nhiều tại xã Ba Vì. Những ngôi nhà 2 - 3 tầng mọc san sát ven đường giao thông được cứng hóa khang trang là minh chứng cho sự thay đổi trong đời sống kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc Dao.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, những năm qua, cơ cấu kinh tế của xã Ba Vì tiếp tục chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người dân liên tục tăng qua các năm. Toàn xã hiện chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 1,8% tổng số hộ toàn xã (theo chuẩn nghèo đa chiều mới).

“Đầu năm 2022 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ba Vì vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới do UBND TP Hà Nội trao tặng. Trong thành quả đó có sự tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các đảng viên người dân tộc” - ông Lăng Văn Hà chia sẻ.

Quan tâm chăm lo cho đảng viên

Cùng với đẩy mạnh phát triển Đảng, công tác cán bộ cũng được Đảng bộ xã Ba Vì quan tâm nhằm phát huy vai trò của các đảng viên. Trên cơ sở đó, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

4 năm trước, anh Dương Kim Vấn, sinh năm 1993, là quần chúng ưu tú của thôn Hợp Sơn được lựa chọn để tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Qua quá trình rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, anh Vấn được Chi bộ thôn Hợp Sơn kết nạp vào Đảng năm 2018. Phó Bí thư Chi bộ thôn Hợp Sơn Triệu Minh Huấn cho biết, vừa qua, được sự quan tâm của Đảng bộ xã Ba Vì, tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022 - 2027, anh Vấn đã được tín nhiệm, bầu giữ chức Phó Bí thư Đoàn xã Ba Vì. Đây là sự ghi nhận của Đảng bộ cơ sở và tổ chức Đoàn đối với đảng viên trẻ, có năng lực, phẩm chất chính trị tốt.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Dương Trung Tuấn, trong công tác quy hoạch và bố trí, sắp xếp cán bộ, Đảng ủy xã luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đánh giá đúng thực trạng để tham mưu cấp ủy, cấp trên xem xét, đánh giá quy hoạch và sử dụng nhằm phát huy tốt nhất vai trò của đảng viên người dân tộc. Hàng năm, Đảng ủy xã Ba Vì tổ chức rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch bảo đảm tính kế thừa liên tục giữa các độ tuổi. Đồng thời, cử cán bộ, đảng viên tham gia các lớp chính trị, quản lý Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn cho đảng viên, tạo nguồn cán bộ tốt tại cơ sở.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Dương Trung Tuấn, việc bố trí, cất nhắc đảng viên ưu tú vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt sẽ là động lực để các đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ, gắn với việc chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” - ông Dương Trung Tuấn chia sẻ.

 

Đối với địa bàn vùng dân tộc miền núi xã Ba Vì, Đảng bộ huyện Ba Vì luôn quan tâm, phát triển, ưu tiên xem xét, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là đảng viên người dân tộc, trưởng thành từ các phong trào ở cơ sở. Thường xuyên xây dựng, củng cố bồi dưỡng cho các cấp ủy đảm bảo đủ năng lực lãnh đạo Đảng bộ, chi bộ và các tổ chức chính trị - xã hội…

Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ba Vì Hoàng Văn Trường

                                                                                                                      (Còn nữa)