Có một thực tế tại các thư viện cấp huyện, xã hiện nay, số lượng đầu sách tuy lớn nhưng chưa phong phú, nhiều đầu sách quá cũ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Trong khi đó, trang thiết bị cho một thư viện hiện đại như máy tính kết nối mạng, hệ thống lưu trữ, tìm kiếm đầu sách bằng điện tử gần như chưa có… khiến cho hoạt động của thư viện truyền thống kém hấp dẫn.
Là một độc giả nhiều năm gắn bó với phòng đọc sách, báo của thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, ông Lê Hữu Trước (73 tuổi, thôn Hoàng Trung) chia sẻ, đọc sách hàng ngày giúp tinh thần thư thái và có những hiểu biết sâu sắc về một số lĩnh vực mà bản thân mỗi người yêu thích. Đó cũng là cách giải tỏa stress và tìm được nguồn vui trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay để thu hút người dân đến với phòng đọc quả thực là rất khó, nhất là đối tượng thanh thiếu nhi.
“Tôi mong muốn nguồn sách, báo tại phòng đọc cũng cần được bổ sung mới thường xuyên hơn. Đặc biệt là sách thiếu nhi, sách kỹ thuật chăn nuôi - trồng trọt, sách hỏi – đáp pháp luật… để phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức thiết thực, gần gũi cuộc sống hàng ngày của người dân” – ông Lê Hữu Trước bày tỏ.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thanh Oai Vũ Thanh Hương cho biết, thư viện huyện Thanh Oai tại thị trấn Kim Bài có số lượng hàng chục nghìn đầu sách, đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, do diện tích thư viện hạn hẹp (khoảng 100m2), các trang thiết bị như bàn ghế, kệ sách cũng rất hạn chế, thậm chí không có máy tính kết nối mạng, hệ thống lưu trữ nên không thu hút đông đảo được người dân thường xuyên đến thư viện đọc sách, mượn sách.
Để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân, hàng năm thư viện huyện Thanh Oai đều thực hiện luân chuyển đầu sách về các xã, thị trấn để bổ sung nguồn sách mới làm giàu tủ sách tại các nhà văn hóa thôn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, thư viện huyện đã thực hiện 9 đợt luân chuyển với khoảng 1.800 đầu sách từ nguồn TP và huyện về các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Thư viện huyện Đan Phượng hiện có 24 đầu báo, tạp chí và hơn 18.100 đầu sách ở trên tất cả các lĩnh vực như sách Lịch sử, sách Văn học, sách giáo dục, sách thiếu nhi… Mỗi năm, thư viện được bổ sung khoảng hơn 1.000 cuốn. Còn ở thư viện 16 xã, thị trấn hiện có khoảng hơn 14.200 đầu sách. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên, con số này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của bạn đọc, đặc biệt là những cuốn sách best seller (bán chạy), hot trên thị trường thì càng khó bổ sung vì giá đắt, trong khi nguồn kinh phí cho hoạt động thư viện rất hạn chế.
Không chỉ thiếu sách hot, các sách quý, ấn phẩm về lịch sử, văn hóa địa phương cũng rất hạn hẹp. Như tại huyện Đan Phượng, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tổ chức trưng bày “Sách và các ấn phẩm huyện Đan Phượng năm 2023”. Để có được hơn 500 ấn phẩm, với số lượng lớn tư liệu và hiện vật có giá trị lịch sử được giới thiệu đến công chúng trong buổi trưng bày, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nguồn sách để mượn, rồi kêu gọi trên mạng xã hội để người dân, mạnh thường quân chung tay ủng hộ. “Có những gia đình, thậm chí là thư viện tư nhân có sách quý về địa phương nhưng khi chúng tôi ngỏ lời mượn trưng bày, họ không đồng ý” – bà Bùi Thị Quyên chia sẻ.
Còn tại huyện Phúc Thọ, theo Giám đốc Trung tâm Văn hoá thông tin và thể thao huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn, hiện nay, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc bổ sung đầu sách mới tại thư viện huyện không nhiều. Trung bình mỗi năm chỉ khoảng 10 - 20 triệu đồng kinh phí mua sách. Bên cạnh đó, do khoảng cách từ thư viện đến các xã, nhất là các xã vùng ven bãi sông Hồng, địa phương tiếp giáp thị xã Sơn Tây hay tỉnh Vĩnh Phúc, việc đi lại chưa thuận tiện nên bạn đọc từ các xã đến với thư viện trung tâm huyện chưa nhiều.
Các chuyên gia cho rằng, đổi mới hoạt động của thư viện quận, huyện đang là vấn đề cấp bách đối với thiết chế văn hóa này. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngân sách chi cho hoạt động thư viện còn hạn chế nhất định, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không nên làm dàn trải, trong đó quan trọng nhất là kho sách. “Kho sách phải phong phú, gần gũi cuộc sống, nội dung thiết thực, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng đọc. Với kinh phí đầu tư cho thư viện trung bình một năm vài ba chục triệu đồng thì quá khó để đổi mới đầu sách. Kinh phí hạn hẹp mà không biết chọn lọc khi mua sách thì thư viện sẽ trở thành nơi tiêu thụ các loại sách ế ẩm của nhà xuất bản” – một chuyên gia văn hóa từng lên tiếng.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thư viện truyền thống đang gặp những thách thức lớn. Sự phát triển của công nghệ và mạng internet đã tạo ra một môi trường thông tin vô cùng đa dạng và phong phú. Việc truy cập thông tin trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết, khiến người đọc có thể tìm kiếm và tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau thuận tiện hơn nhiều so với thư viện truyền thống.
Những nghiên cứu về Gen Z và Gen Alpha hiện nay cho thấy, họ không còn là những người ham đọc sách nếu so sánh với thế hệ cha anh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet và điện thoại thông minh giá rẻ, họ thường có xu hướng chỉ đọc lướt thông tin về cuốn sách ở trên mạng để biết nó là cái gì và “khi nào có thời gian” sẽ đọc. Họ sẽ lưu lại một danh mục các cuốn sách hay để khi nào cần đọc thì sẽ tìm.
Vì vậy, nếu có đến thư viện, Gen Z thường chỉ đến tìm một cuốn sách cụ thể nào đó do giáo viên gợi ý. Họ đến thư viện như muốn tìm một không gian tĩnh lặng để học hoặc nghiên cứu cái gì đó. Nhiều người trẻ nói rằng họ mong muốn thư viện như một không gian thật thoải mái để thư giãn, là một khoảng lặng đối nghịch với cuộc sống xô bồ ngoài kia để lắng lại một chút cho chính bản thân mình chứ không phải đến để đọc.
Để bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thư viện, xây dựng các thư viện điện tử ở cấp cơ sở hiện nay là xu thế tất yếu. Với những yếu tố cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối Internet và dữ liệu lớn (Big data), cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi chức năng của thư viện, ngoài chức năng lưu giữ, cho mượn tài liệu, thư viện còn phải hướng đến thực hiện chức năng cung cấp, cho phép người sử dụng truy cập và sử dụng nguồn thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, thực tế để xây dựng được mô hình thư viện điện tử ở cấp cơ sở hiện nay là bài toán cực kỳ khó khăn do thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn con người. Đơn cử như thư viện huyện Đan Phượng hiện chỉ có 2 máy tính phục vụ hoạt động của hai nhân viên thư viện, chưa có máy tính kết nối mạng phục vụ tra cứu tài liệu của độc giả. Hệ thống sách lưu trữ cũng hoàn toàn thủ công, chưa ứng dụng công nghệ số. Điều này khiến cho nhân viên thư viện vừa vất vả mà hiệu quả quản lý lại chưa cao.
Bên cạnh đó, nhân lực cũng là câu chuyện nan giải đối với các thư viện cơ sở. Hầu như các thư viện đều kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thiếu nhân viên được đào tạo chuyên môn sâu về thư viện. Đơn cử, thư viện huyện Đan Phượng có hai nhân viên thuộc Tổ Văn hóa, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vừa làm việc ở thư viện. “Chúng tôi rất muốn làm thư viện điện tử để thuận tiện cho quản lý nhưng với điều kiện hiện tại thì chưa thể làm gì được” – chị Nguyễn Thị Thanh Mơ, cán bộ thư viện huyện Đan Phương giãi bày.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thanh Oai Vũ Thanh Hương cho biết, trong quy hoạch của huyện Thanh Oai, trong vài năm tới có bố trí xây dựng mới trụ sở Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, trong đó bao gồm thư viện huyện tại vị trí trung tâm thị trấn, thuận lợi cho việc đi lại của người dân, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn sách, báo, máy tính sẽ đầy đủ, phong phú hơn. Trung tâm mong muốn TP và huyện có chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý, đồng thời mở các lớp đào tạo nghiệp vụ thư viện để cán bộ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với thư viện. “Hiện nay, thư viện có duy nhất 1 cán bộ thuộc biên chế của Trung tâm được giao nhiệm vụ phụ trách thư viện” – bà Vũ Thanh Hương nói.
Tại huyện Ứng Hòa, để đáp ứng tiêu chí về Nhà văn hóa trung tâm của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đang xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện với diện tích quy hoạch 6.000m2, bao gồm cả nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá. Hiện đã xây dựng xong 1 tòa nhà rộng 1.000m2, bao gồm cả phòng đọc sách.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hoá thông tin và thể thao huyện Sóc Sơn Đoàn Thị Hạnh cho rằng, sự phát triển mạnh của thiết bị công nghệ đã và đang khiến xu hướng tiếp cận thông tin của người dân thay đổi. Các thể loại sách nói và hình thức đọc sách trực tuyến (online) thay thế dần phương thức tiếp cận truyền thống. Văn hoá đọc nhìn chung cũng đã có sự thay đổi lớn.
“Tôi vẫn thường đọc sách báo nhưng do tuổi cao nên không có điều kiện đi xa. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin chủ yếu qua thư việc nhỏ ở nhà văn hoá thôn và trên truyền hình…” - ông Nguyễn Văn Thuỷ, Trưởng thôn Mỹ Giang (xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ) nói.
Chia sẻ về khó khăn hiện nay trong quản lý sách, báo, tạp chí…, một số cán bộ thư viện cấp huyện cho biết, hiện nay các thư viện chưa có phần mềm quản lý đầu sách. Việc quản lý vẫn thông qua hình thức viết giấy bằng tay. Đây là hình thức truyền thống, có thể dễ gây thất lạc và khó khăn trong quản lý sách, báo.
Theo các chuyên gia, hệ thống thư viện hiện nay vẫn rất cần thiết trong đời sống cộng đồng, nhất là đối với lớp trẻ. Vấn đề quan trọng ở đây là phải sớm đổi mới nội dung và hình thức phục vụ, khai thác có hiệu quả nguồn sách, nguồn tài nguyên trí thức. Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) Kiều Thúy Nga khẳng định, thư viện số là yêu cầu bắt buộc và là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số với các yếu tố cốt lõi là nguồn tài nguyên thông tin dạng số. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ và tiến hành số hóa tài nguyên thông tin, phổ biến thông tin trên môi trường số thì vấn đề bản quyền (quyền tác giả) luôn là vấn đề mấu chốt để thư viện có thể bứt phá và khẳng định vai trò xã hội.
Theo bà Kiều Thúy Nga, để đảm bảo thực thi bản quyền trong hoạt động chuyển đổi số thư viện, các thư viện phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trên các phương diện. Theo đó, sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là những lĩnh vực khó và phức tạp, không chỉ với thư viện nói riêng mà còn đối với toàn xã hội nói chung. Đồng thời vấn đề bản quyền trong quá trình chuyển đổi số thư viện cũng rất phức tạp. Cùng với đó, thực thi quyền sao chép khó do xác định chủ thể nắm giữ quyền tác giả không dễ dàng.
“Đặc biệt, hiện nay chưa có biện pháp xử lý triệt để đảm bảo bản quyền tài nguyên thông tin số khi đưa ra phục vụ. Các thư viện trong quá trình thực hiện mới tìm hiểu và tập trung đối với các trường hợp ngoại lệ được quy định riêng cho thư viện tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ mà chưa có cái nhìn tổng quan toàn bộ vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ, từ đó hiểu đúng, hiểu đủ, nhận diện được các hành vi vi phạm để áp dụng và tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ hiệu quả” - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) Kiều Thúy Nga nhận định.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là một việc đáng quý”. Nếu như trong học tập, Bác luôn nhấn mạnh đến chữ "hành" thì trong đọc sách Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng và phải biết áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn. Theo các chuyên gia, bên cạnh đầu tư kho sách, việc nâng cấp phòng ốc, cung cách phục vụ của cán bộ thư viện cũng cần được nâng cao. Các dịch vụ thông tin thư viện phải đa dạng hóa, như đọc tại chỗ, cho mượn về nhà, phục vụ theo hình thức tự chọn; cung cấp thông tin theo yêu cầu; biên soạn thư mục giới thiệu sách mới... trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, các thư viện cấp quận, huyện cần được đầu tư đúng chuẩn, đúng tầm thì mới bảo đảm chất lượng hiệu quả hoạt động. Thư viện phải trở thành trung tâm văn hóa của quận, huyện. Ðây cũng là xu thế tổ chức thư viện của các quốc gia phát triển trên thế giới.
(còn nữa)
07:03 06/08/2023