Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 1

Hà Nội là "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước". Để thực hiện vị trí, vai trò đó, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như công tác cán bộ nhằm có được một đội ngũ “công bộc của dân” chất lượng, đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình thực tế và những giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, liên tiếp nhiều nhiệm kỳ qua công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được Thành ủy Hà Nội lựa chọn là Chương trình số 1, công việc bản lề trong các chương trình trọng tâm công tác.

Video: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nói về công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ của TP Hà Nội.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 2

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng. Để hiện thực hóa những nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025 là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025”. Tiếp đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo".

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 3

Trong đó xác định rõ mục tiêu tổng quát là xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của TP có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; có cơ cấu, số lượng hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Thực hiện Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, tính đến cuối tháng 10/2023, Thành ủy đã chỉ đạo hoàn thành tổ chức bồi dưỡng cho 91 đồng chí cán bộ quy hoạch nguồn Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2025 - 2030 ở trong nước. Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng cho 706 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; 197 cán bộ nguồn quy hoạch chức danh Bí thư, Phó Bí thư quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc; hơn 1.000 Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn; gần 500 cán bộ quy hoạch nguồn Ủy viên Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy…

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 4

Các lớp bồi dưỡng đã trang bị cho học viên nhiều kiến thức, kỹ năng quan trọng về lãnh đạo, quản lý, tạo động lực, thêm quyết tâm để đội ngũ cán bộ cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phát biểu tại Lễ bế giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn chức danh Ủy viên Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy và Đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội, nhiệm kỳ 2025 - 2030 (lớp 1) chiều 21/10/2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đặc biệt nhấn mạnh, nội dung bồi dưỡng, đào tạo của khóa học lần này có một số chuyên đề mới do các đồng chí lãnh đạo Trung ương, TP trực tiếp truyền đạt, được học viên đánh giá cao. Cụ thể như công tác cán bộ gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP; công tác xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh gắn với quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc, phát triển đô thị; công tác xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa và công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; kỹ năng lãnh đạo, quản lý và quản trị của người cán bộ trong bối cảnh chuyển đổi số…

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 5

Không chỉ đào tạo trong nước, Thành ủy Hà Nội còn ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đưa cán bộ đi đào tạo tại nước ngoài. Trong tháng 9/2023, hai lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025 - 2030 được thực hiện tại Đại học Bách khoa Hoa Nam (TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông) và tại Trường Đảng Thành ủy Bắc Kinh, Trung Quốc. Mỗi lớp bồi dưỡng gồm 20 học viên là cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành TP và các quận, huyện, thị xã được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2025 - 2030. Việc đưa các cán bộ nguồn quy hoạch đi học tập kinh nghiệm nước ngoài là một trong những nét đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Thành ủy Hà Nội, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 6

Tại cơ sở, cùng với việc tăng cường lãnh đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, thời gian qua công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản.  Đảng bộ huyện Phúc Thọ hiện có 69 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với tổng số hơn 8.600 đảng viên. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ đã mở 19 lớp bồi đào tạo, bồi dưỡng cho 3.478 lượt cán bộ. Phát biểu tại lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 404 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý năm 2023, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, thông qua lớp bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và kỹ năng công tác, xây dựng đội ngũ cán bộ của huyện có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phong cách làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và sự nghiệp xây dựng, phát triển của địa phương.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 7

Với huyện Đan Phượng, Bí thư Huyện ủy Trần Đức Hải cung cấp: năm 2023, Trung tâm Chính trị huyện được giao tổ chức 61 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng. Tính đến hết tháng 11/2023, huyện đã tổ chức được 72 lớp bồi dưỡng với 9.924 học viên, đạt 118%. Trong đó khối Đảng: 31 lớp với 3.870 học viên; khối Ủy ban MTTQ và đoàn thể: 18 lớp với 2.416 học viên; khối Nhà nước: 11 lớp với 1.637 học viên; 11 lớp khác với 1.922 học viên. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng đều được phối hợp tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng nội dung và thời gian quy định.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 8

Cùng với việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, Thành ủy Hà Nội nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc luân chuyển vị trí công tác, điều động cán bộ có năng lực đảm nhận công tác lãnh đạo tại các đơn vị, địa bàn được coi là “điểm nóng”, với nhiều phần việc mới, việc khó. Đây được coi là một bước chuyển biến căn bản, mang tính đột phá nhằm thử thách và đào tạo ra những cán bộ có bản lĩnh, kinh nghiệm gắn với thực tiễn ở cơ sở, đồng thời tạo môi trường để cán bộ cọ xát với thực tế, tích lũy những bài học quý trong vai trò lãnh đạo các cấp.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 9

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, toàn Đảng bộ quận có 169 lượt cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm từ quận xuống phường, từ phường lên quận, từ khối chính quyền sang khối Đảng, đoàn thể, từ khối Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và từ khối phòng ban sang khối phòng ban. Đây cũng chính là biện pháp rất tốt để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tránh sức ì, chủ quan khi đảm nhiệm vị trí công tác quá lâu. Đồng thời giúp cán bộ được rèn luyện qua thực tiễn công tác ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 10

“Sau 3 - 6 tháng ở vị trí công tác mới, cán bộ được luân chuyển, điều động, điều chuyển vị trí công tác đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trên cương vị mới. Qua đó, giúp quận Tây Hồ hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ, nâng chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của quận lên vị trí thứ 4/30, chỉ số hài lòng của người dân giữ vị trí 3/30 quận huyện của TP” - Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết.

 Mới đây nhất, ngày 6/11/2023 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 34-ĐA/TU ngày 6/11/2023 về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc TP Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo cùng Kế hoạch số 188-KH/TU về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, ngành, sở của TP và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024 - 2025.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 11

Đón nhận chủ trương trên, Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ cho rằng, việc Ban Thường vụ Thành ủy có kế hoạch điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ là phù hợp với tình hình hiện nay. Đặc biệt việc tăng cường cán bộ cho các quận, huyện, nhất là những ngành, lĩnh vực có chuyên môn sâu là rất sát thực với cơ sở. “Chúng tôi rất cần những cán bộ, những chuyên gia giỏi về chuyên môn để giúp cho cơ sở như lĩnh vực: quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, y tế (phòng chống dịch bệnh)… Điều đó sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi giai đoạn hiện nay nhiều nhiệm vụ của cấp cơ sở được TP đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền” - ông Đinh Trường Thọ chia sẻ.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 12

Thực tế, nhiều cán bộ quận, huyện đánh giá việc thực hiện công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ các quận, huyện, cấp ủy trực thuộc rất hiệu quả. Đối với quận Đống Đa, những năm qua, Ban Thường vụ Quận ủy đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện công tác công tác cán bộ và đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt trong công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ và tăng cường cán bộ cho cấp phường. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Quận ủy Đống Đa đã luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5 đồng chí diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, chuyển đổi vị trí công tác đối với 94 lãnh đạo quản lý thuộc các đơn vị trong quận (các phòng, ban, các phường và trường học). Cùng với đó, thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 30 cán bộ chủ chốt các phường, trong đó tăng cường nhiều đồng chí từ các phòng, ban, ngành thuộc quận về cơ sở. “Qua luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, chúng tôi đánh giá công việc có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhiều đồng chí công tác ở một vị trí, một đơn vị nhiều năm, tạo lối mòn, sức ì trong tư duy và tính sáng tạo, khi chuyển đổi vị trí công tác đã phát huy tốt tính năng động, sáng tạo. Và thực tế khi có chủ trương, quy định, kế hoạch cụ thể của TP cũng giúp chúng tôi thống nhất nhận thức và hành động” - Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ cho biết.

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 13

Là cán bộ được luân chuyển từ huyện về tuyến xã, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Đan Phượng Nguyễn Nam Hà chia sẻ, đây là hoạt động rất thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong rèn luyện bản lĩnh cho cán bộ. Theo ông Nguyễn Nam Hà: “Khi ở huyện, chúng tôi có cái nhìn bao quát nhưng xuống xã thì cần phải cụ thể hơn, đòi hỏi cán bộ phải tìm hiểu, sâu sát với cơ sở để có cách thức điều hành, xử lý phù hợp, thấu tình đạt lý”.

(còn nữa)

Bài 3:  Cần tầm nhìn từ sớm, từ xa - Ảnh 14

08:44 03/12/2023