Những năm qua, hoạt động dịch vụ du lịch của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có bước phát triển nhanh, nhất là loại hình du lịch cộng đồng. Ước tính trong giai đoạn 2015 - 2020, các điểm du lịch trên địa bàn đã thu hút trên 85.000 lượt khách tham quan. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo huyện Vân Hồ, dịch vụ du lịch của địa phương vẫn còn đang ở dạng tiềm năng. Nhiều chương trình phát triển du lịch chưa được triển khai, các nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực du lịch còn hạn chế.
>>> BÀI 1: Đường lớn đã mở
>>> BÀI 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa
Thực tế, Vân Hồ có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh đã ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác đất sản xuất nông nghiệp ở quy mô tập trung cũng như phát triển giao thông vận tải và xây dựng cơ sở hạ tầng. Để phát triển đòi hỏi phải có đầu tư đáng kể về tiền của và công sức.
Cụ thể, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Vân Hồ có 2 tuyến quốc lộ là Quốc lộ 6 (chạy qua địa phận 2 xã Vân Hồ và Lóng Luông có chiều dài 27km) và Quốc lộ 43 (chạy qua địa phận xã Chiềng Khoa có chiều dài 4km). Ngoài ra, huyện có đường Tỉnh lộ 101 dài 102km, đường Tỉnh lộ 102 dài 67km nối liền trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện với các huyện lân cận. Tuy nhiên, hầu hết tuyến tỉnh lộ là đường cấp V miền núi, chất lượng thấp, bề mặt nhỏ hẹp, sự lưu thông trao đổi hàng hóa hạn chế. Đó là chưa kể, trong số hơn 300km đường xã thì có tới gần 78% là đường đất.
Nói về câu chuyện bất cập của hạ tầng giao thông, Tráng A Chu - chủ A Chu homestay (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) chia sẻ, tuyến đường chạy qua bản vẫn còn hơn 1km là đường đất, những hôm trời mưa, đường bẩn trơn trượt, khách du lịch muốn đi bộ quanh làng cũng đành bó chân chịu trận. “Hua Tạt là bản đầu tiên của huyện có chủ trương làm du lịch nhưng đến nay đường bê tông vẫn chưa xong. Tôi đã từng gọi điện chia sẻ với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan về việc này và mong muốn địa phương quan tâm làm đường bê tông để phục vụ khách đi bộ” - Tráng A Chu bày tỏ.
Hay như khu Suối Bon, thuộc địa phận xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cách Hua Tạt 8km mới được dân làm du lịch và cánh phượt đam mê trekking khám phá, rỉ tai nhau là một trong những địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất vùng. Đứng trên những ruộng bậc thang nâu màu gốc rạ, nhìn quanh là núi non điệp trùng ôm ấp những bản làng xa xa, từng vạt lau tím biếc đung đưa trong gió đầy lãng mạn.
Thế nhưng, ngặt một nỗi, khu vực ngắm hoàng hôn gần như chưa được đầu tư, ngoài một vài chòi trông cá, trông vịt của người dân. Đường ra khu ngắm cảnh vẫn là đường đất, trời mưa thì lầy lội. Đi cùng chúng tôi ra khu vực này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La Đinh Anh Đức chia sẻ: “Giá mà được quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, dịch vụ, khu ngắm cảnh sẽ còn thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch”.
Không chỉ hạ tầng thiếu thốn, những hộ làm du lịch cộng đồng còn gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư hạn chế bởi thực tế để xây dựng một homestay cần nguồn vốn 500 - 700 triệu đồng, thậm chí nếu đầu tư nhiều hạng mục thì lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn với đồng bào dân tộc miền núi quanh năm chỉ cặm cụi trông vào những nương lúa, nương ngô. “Tôi vay khắp nơi mới được 550 triệu đồng, làm xong homestay thì không có tiền trang bị chăn ga gối đệm. Lúc ấy, lãnh đạo huyện Vân Hồ phải trực tiếp gọi cho Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tác động để được vay thêm, rồi Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện bỏ tiền túi hỗ trợ tôi tiền lắp đặt mạng internet. Nhiều lúc khó khăn quá, tôi có ý định đốt bỏ tất cả” - Tráng A Chu tâm sự.
Dù đã thu hút được một lượng khách đáng kể về với bản làng, song những người làm du lịch cộng đồng ở Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La vẫn đau đáu trăn trở câu chuyện: Làm thế nào để du khách đến đây ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn?
Trăn trở ấy không phải là không có căn cứ, bởi thực tế hiện nay, các địa điểm du lịch cộng đồng chủ yếu mới thiên về lưu trú, trải nghiệm văn hóa, còn thực tế các tour, tuyến du lịch cũng như sản phẩm du lịch, quà tặng chưa nhiều. Khách đến ở chỉ 2 - 3 ngày là chán, tiền có không biết tiêu vào đâu. Sản phẩm quà tặng ngoài một số đồ thổ cẩm giản đơn, quen thuộc nhưng chưa thể phong phú như ở Sa Pa thì các sản vật nông sản, làng nghề, sản phẩm OCOP cũng chưa đa dạng, mẫu mã chưa bắt mắt.
Anh Nguyễn Đức Thuận (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một người theo chủ nghĩa xê dịch, từng rong ruổi đi du lịch rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và thế giới chia sẻ: “Lên Sơn La đúng mùa quả còn mua được quà về cho bạn bè, còn đi vào những mùa khác thì chẳng biết mua gì. Tôi từng đi Trung Quốc, Thái Lan các sản phẩm lưu niệm, bánh kẹo truyền thống phục vụ khách du lịch rất đa dạng cả về mẫu mã, chủng loại. Sơn La nên học tập theo cách này”.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cũng bày tỏ, Sơn La cần đầu tư đường sá và hệ thống biển chỉ dẫn. Bởi hiện nay, đời sống của người dân cao, thu nhập tăng, lượng xe cá nhân tăng kéo theo xu hướng phát triển tour du lịch bằng xe cá nhân. Đặc biệt, tỉnh cần đầu tư phát triển theo chiều sâu, gắn với nhiều trải nghiệm níu chân du khách. “Phải có nhiều sản phẩm du lịch để khách tiêu tiền” - ông Thái chia sẻ.
Mộc Châu trở thành điểm đến hút khách nhất của tỉnh Sơn La khi chiếm gần 50% lượng khách. Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu Trần Dân Khôi thừa nhận, hệ thống hạ tầng du lịch của địa phương còn thiếu đồng bộ, giao thông đấu nối từ quốc lộ, tỉnh lộ, nội huyện vào khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khách du lịch tăng, nhưng số lượng khách lưu trú dài ngày, sử dụng các sản phẩm dịch vụ của địa phương chưa nhiều. “Cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch quy mô nhỏ, chưa đa dạng về loại hình, tính chuyên nghiệp chưa cao. Tại các khu, điểm du lịch, dịch vụ giải trí, văn hóa chưa phát triển; thiếu các dịch vụ mua sắm, điểm vui chơi để thu hút khách du lịch” - ông Trần Dân Khôi nhìn nhận.
Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về Phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nhìn nhận, phát triển du lịch của tỉnh hiện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa thường xuyên, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, độc đáo. Thực hiện Kết luận số 94-KL/TU, UBND tỉnh Sơn La cũng ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 30/3/2021, đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng lượng khách đến Sơn La đạt 5,2 triệu lượt, trong đó có 0,5 triệu lượt khách quốc tế. Đặc biệt, mức chi tiêu bình quân đối với khách du lịch nội địa từ 1 - 1,2 triệu đồng/khách/ngày đêm, với khách quốc tế là 2,5 - 3 triệu đồng/khách/ngày đêm.
Với nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, điều kiện tự nhiên trong lành cùng nét văn hóa đặc sắc riêng của của vùng núi Tây Bắc luôn là điểm nhấn thu hút họ tìm đến khám phá, trải nghiệm. Thế nhưng, nếu như ở Sa Pa, hình ảnh những đứa trẻ dân tộc Mông, Dao tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với khách nước ngoài đã trở nên quá đỗi quen thuộc thì ở những điểm du lịch cộng đồng Sơn La, đây lại là yếu điểm lớn.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, ông Hà Ngọc Quý - chủ Bản Hoa homestay, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu cho biết mình từng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì bất đồng ngôn ngữ với khách Tây. Ông kể, có một vài lần khách nước ngoài tìm đến Bản Hoa homestay qua thông tin trên mạng. “Lần đầu tự tiếp khách Tây, tôi chật vật mãi vì không biết tiếng, đôi bên trao đổi gì đều không hiểu lẫn nhau. Tôi phải gọi cho một người bạn cầu cứu và được hướng dẫn vào điện thoại dùng app phiên dịch nhưng cuộc trò chuyện cứ bị đứt quãng” - ông Quý giãi bày.
Đó là chưa kể, nếu không làm chủ được ngôn ngữ hay tìm hiểu kỹ lưỡng về khẩu vị, cách sinh hoạt của người nước ngoài, rất khó phục vụ được họ bữa ăn, phòng nghỉ chu đáo. Để cải thiện tình hình, hiện nay, ông Hà Ngọc Quý quyết tâm đầu tư cho cháu nội Hà Anh Quân (sinh năm 2006) học tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ trên huyện với học phí 2.500 triệu đồng/tháng, sau này về phục vụ luôn tại homestay.
Tại một diễn đàn về liên kết phát triển du lịch tổ chức ở Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cũng ngậm ngùi, Sơn La có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch nhưng hướng dẫn viên chưa biết cách giới thiệu. “Đơn cử như khi đưa đoàn khách ngồi thuyền thăm lòng hồ Quỳnh Nhai, các cháu hướng dẫn viên người dân tộc rất xinh xắn nhưng ngồi từ đầu đến cuối, không biết nói chuyện, giới thiệu. Đây là điều hạn chế sự phát triển của du lịch”- bà Tráng Thị Xuân nói.
10:38 03/11/2022