Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 1

Trong khi các thư viện truyền thống hoạt động kém hiệu quả, thu hút ít người đến thì các thư viện tư nhân trên địa bàn TP đã ngày càng phát triển, đổi mới dịch vụ, thu hút đông đảo bạn đọc.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 2

Hơn nửa năm đi vào hoạt động, Thư viện Mạnh An (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) đang dần trở thành điểm đến sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho các em nhỏ và đông đảo người dân. Từ cổng làng Đại Lan (xã Duyên Hà), đi chừng 500m về phía sông Hồng sẽ đến Thư viện Mạnh An. Thư viện được xây dựng có tầm nhìn hướng ra sông. Mùa này, cây trái và rau màu của bà con đang vào độ thu hoạch, xanh ngút tầm mắt.

Ghé thăm Thư viện Mạnh An vào một ngày cuối tuần, chúng tôi bắt gặp hàng chục em nhỏ đang chăm chú đọc sách. Em Đặng Tiến Đạt (học sinh lớp 6A1 Trường THCS Duyên Hà) nói rằng, từ khi biết đến thư viện, hầu như cuối tuần nào em cũng ghé qua chơi. “Ở trường cũng có thư viện nhưng số lượng đầu sách không nhiều và phong phú như ở đây. Đến thư viện, cháu có nhiều lựa chọn để tham khảo, vừa giải trí, vừa bổ sung thêm kiến thức bên ngoài chương trình sách giáo khoa…” - em Đặng Tiến Đạt chia sẻ.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 3

Cũng giống như Đặng Tiến Đạt, Thư viện Mạnh An đã trở thành điểm đến hàng tuần thú vị của em Nguyễn Ngọc An (học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Duyên Hà). “Em rất thích đọc sách nhưng do ở xa trung tâm thành phố nên không phải lúc nào cũng được bố mẹ đưa lên những phố sách của Hà Nội để thăm quan” - Ngọc An cho hay.

Từ khi có Thư viện Mạnh An, Tiến Đạt, Ngọc An và nhiều em nhỏ nơi vùng đất nằm ven sông Hồng đã có thêm một điểm đến cho những ngày cuối tuần. Không chỉ được tiếp cận với hơn 2.000 đầu sách, phong phú về thể loại, các em còn được trải nhiệm không gian vườn hoa, cây xanh được bài trí xinh đẹp; gặp gỡ, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa.

Cô Triệu Thị Minh Thắng - Hiệu trưởng Trường THCS Duyên Hà cho biết, phát triển văn hoá đọc được nhà trường hết sức quan tâm. Hiện nay, lượng đầu sách tại thư viện nhà trường vẫn được tiếp tục gia tăng. Với Thư viện Mạnh An, cô Thắng mong muốn các em học sinh nói chung trên địa bàn xã sẽ có thêm một cánh cửa mở ra tri thức, một điểm đến lành mạnh, bổ ích trong những ngày Hè.

Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động miễn phí từ tháng 10/2022, tuy nhiên, Thư viện Mạnh An đã và đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn. Thư viện đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí, tiếp cận thông tin bổ ích không chỉ cho các em nhỏ mà còn đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 4

Anh Phạm Văn Hiếu - Quản lý Thư viện Mạnh An cho biết, ở thư viện hiện tại có khoảng 2.000 đầu sách, báo, tạp chí. Bên cạnh các loại sách về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ, sách thiếu nhi, truyện tranh, Thư viện Mạnh An còn có hàng trăm đầu sách tra cứu như bách khoa toàn thư, từ điển, niên giám, sổ tay, cẩm nang… Để thuận lợi cho việc tra cứu, thư viện bố trí phòng truy cập internet. Cơ sở dữ liệu điện tử được tìm kiếm dễ dàng thông qua website: http://manhan.thuvien.edu.vn. Điều này giúp người dân, nhất là các em nhỏ dễ dàng tiếp cận thông tin mong muốn.

Cũng theo anh Phạm Văn Hiếu, Thư viện Mạnh An có thể hình thành, đáp ứng miễn phí nhu cầu tiếp cận tri thức của các em nhỏ như hiện nay là có sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Trong đó, riêng Công ty CP Sách và thiết bị trường học Hà Nội đã ủng hộ thư viện khoảng 1.000 ấn phẩm các loại.

Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Thị Dương Huyên đánh giá, Thư viện Mạnh An có ý nghĩa lớn, không chỉ ở việc lan toả văn hoá đọc trong giới trẻ mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Đây cũng là mục tiêu rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 5

Thư viện huyện vắng bóng người đọc, nhiều địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để đưa sách đến với người dân thông qua mô hình “thư viện lưu động”. Đây cũng là cách làm đang được nhiều địa phương, trong đó có huyện Phúc Thọ triển khai tương đối hiệu quả.

Từ một nhà trẻ cũ, cán bộ và Nhân dân thôn Mỹ Giang (xã Trạch Mỹ Lộc) đã xây dựng thành một thư viện mini phục vụ các em nhỏ cũng như đông đảo người dân trong thôn. Ghé thăm tủ sách nằm giữa thôn Mỹ Giang, phóng viên Kinh tế & Đô thị bắt gặp nhiều em nhỏ và cả những cô bác lớn trung tuổi đang vui chơi, đọc sách tại đây. Ông Nguyễn Văn Ly, thôn Mỹ Giang, cho biết từ khi có thư viện mini, người dân cũng thường lui tới, nhất là những ngày cuối tuần.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 6

Ông Khuất Duy Kim, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Trạch Mỹ Lộc, là người xung phong nhận nhiệm vụ “thủ thư” tại thư viện cộng đồng tại nhà văn hoá thôn. Dù không có chế độ chính sách gì, tuy nhiên, nhiều năm qua, ông cần mẫn với việc quản lý và vận hành tủ sách. Ông Kim nói, tủ sách với hơn 2.300 đầu sách này là “của Nhân dân”, bởi phần lớn sách, báo, tạp chí là do người dân ủng hộ kinh phí để mua. Bên cạnh đó là nguồn sách từ cơ quan Nhà nước của TP Hà Nội đưa về theo chương trình “thư viện lưu động”. “Để khuyến khích người dân, nhất là các cháu nhỏ đến với thư viện, chúng tôi trao thưởng hàng tháng cho các bạn đọc thường xuyên lui tới mượn và đọc sách. Phần thưởng không nhiều nhưng các cháu rất phấn khởi…” - Thủ thư Khuất Duy Kim chia sẻ.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 7

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đối với sách và việc đọc sách, phong trào đọc sách của mọi tầng lớp Nhân dân. Điều đó được thể hiện cụ thể thông qua những quyết định quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Như tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh"; UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 29/11/2021 về "Phát triển mô hình đọc sách trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025" trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 8

Trong đó, xây dựng và phát triển các mô hình đọc sách nhằm tạo thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong các tầng lớp Nhân dân nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn TP, chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức phục vụ bạn đọc, thu hút người dân chú ý đến việc đọc sách cũng như tham gia vào các hoạt động do các cấp thư viện của TP tổ chức, tạo thói quen đọc sách và sử dụng thư viện nhằm hướng đến mục tiêu “Thư viện là điểm đến” của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

Đặc biệt, TP cũng đề ra nhiệm vụ phát huy tiềm năng, nguồn lực trong tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân để phát triển vốn tài liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức các hoạt động thư viện nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách của người dân; tăng cường bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ thư viện.

Được thiết kế và mở cửa phục vụ từ tháng 9/2019, thư viện sách miễn phí tại địa chỉ số 66 phố Chùa Láng, quận Đống Đa có diện tích gần 40m2 nhưng luôn trở thành địa điểm yêu thích của nhiều bạn trẻ. Tại thư viện có rất nhiều đầu sách khác nhau thuộc đủ thể loại như ngoại ngữ, kinh doanh, y học, công nghệ, du lịch, văn hóa... Cũng giống như bao thư viện trên địa bàn TP Hà Nội, mỗi đầu sách được xếp ngăn nắp theo khu vực riêng để bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 9

Điều đặc biệt, thư viện mở cửa miễn phí đối với tất cả bạn đọc và thời gian hoạt động trong khung giờ từ 9 giờ sáng đến 21 giờ tối. Không chỉ được thoải mái đọc sách, bất kỳ ai đến với thư viện cũng được tự chọn các loại đồ uống, bánh kẹo mà không phải trả một khoản chi phí nào. Được biết, thư viện là dự án do lãnh đạo và các nhân viên của một doanh nghiệp sáng lập. Theo một thành viên sáng lập của thư viện, mục đích của thư viện miễn phí là lan tỏa tinh thần đọc sách đến mọi người, nhất là các bạn sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Thư viện là một trong chuỗi các dự án nhằm lan tỏa giá trị văn hóa phục vụ của công ty tới khách hàng. Mọi kinh phí duy trì thư viện đều đến từ chính những thành viên của dự án. Các đầu sách trong thư viện chủ yếu do các thành viên trong nhóm quyên góp. Ban đầu có rất ít sách do mỗi người gom góp, nhưng dần dần số lượng sách được mọi ủng hộ ngày càng nhiều với các thể loại khác nhau. Ngoài ra, nhiều người khi biết đến hoạt động của thư viện cũng ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau như tặng sách, báo hay những đồ trang trí. Điểm đặc biệt khác của thư viện miễn phí này là không kinh doanh bất cứ sản phẩm, sách không phải để bán và bạn đọc cũng không được mượn mang về, chỉ phục vụ đọc tại chỗ” -  một thành viên chia sẻ.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 10

Từ khi biết đến địa chỉ này, Hoàng Thị Thu Huyền, sinh viên Trường Học viện Ngân hàng thường xuyên đến với thư viện miễn phí 66 Chùa Láng để đọc sách và thư giãn mỗi khi có thời gian rảnh. Thu Huyền chia sẻ: “Thư viện rất thoáng mát, có đầy đủ quạt điện, đèn chiếu sáng thuận tiện cho việc đọc sách hay ngồi làm việc. Mỗi người đến đây đều có sở thích chung là đọc sách nên không gian khá hợp lý, không như các quán cà phê hay không gian đọc sách khác. Đây là điểm lý tưởng đối với sinh viên khi không phải mất chi phí nào”.

Luôn tâm niệm “sách nằm im trên giá là sách chết”, đồng thời, với mong muốn những cuốn sách lan tỏa tri thức, tình yêu văn hóa đọc đến mọi người, anh Hoàng Quý Bình - cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã quyết định thành lập thư viện D Free Book vào cuối năm 2017. Từ vài trăm cuốn sách ban đầu tại thư viện ở địa điểm cũ (phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng), sau hơn 5 năm hoạt động, hiện tại thư viện này đã được mở rộng tại 3 cơ sở: 2 địa điểm ở Hà Nội (số 107, khu tập thể A5, ngõ 128C, Đại La và số 2 ngõ Viện Máy, đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy) và 1 địa điểm tại TP Hồ Chí Minh (đường Cách mạng tháng Tám). Đồng thời hướng dẫn tổ chức cho hơn 30 thư viện cộng đồng trên khắp cả nước.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 11

Thư viện hiện có tổng cộng hơn 8.000 đầu sách nhiều thể loại như: Văn học, trinh thám, tiểu thuyết, khoa học - xã hội, kỹ năng, kinh doanh, làm giàu, truyện tranh… Mỗi ngày, mỗi chi nhánh của thư viện sẽ đón khoảng vài chục vị khách, đa phần là sinh viên. Điều hấp dẫn các độc giả đến đây chính là được đọc, mượn sách miễn phí, có những cuốn sách quý hiếm, gần như không còn trên thị trường.

Không gian của thư viện ấm cúng, gần gũi thiên nhiên, sách được sắp xếp gọn gàng, dễ tìm, từ đó tạo cảm hứng thích thú cho mọi người đến đây đọc sách. “Thư viện của tôi hoạt động trên nguyên tắc tự giác. Việc mượn sách hay quản lý thư viện đều được cộng đồng tin tưởng, chia sẻ với nhau” - anh Hoàng Quý Bình chia sẻ.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 12

Dù mới đưa vào hoạt động từ ngày 1/8/2023, song Nhà sách iOne đã trở thành một địa chỉ văn hóa yêu thích của nhiều người dân, đặc biệt là trẻ em trên địa bàn huyện Đan Phượng. Đây là dự án do anh Trần Thanh Tùng cùng hai người bạn của mình là Nguyễn Đức Sang và Nguyễn Thị Tú chung tay xây dựng với mục tiêu tạo ra không gian văn hóa đọc miễn phí cho trẻ em vùng nông thôn, vốn không có nhiều điều kiện tiếp cận các không gian đọc sách hiện đại như ở nội đô.

Nhà sách gồm 3 sàn với tổng diện tích trên 170m2, tại tòa nhà Đan Phượng Building, khu Đồng Sậy, huyện Đan Phượng. Với số lượng hàng nghìn cuốn sách mới được trang bị, ở đủ các thể loại, chủ yếu là sách thiếu nhi, Nhà sách iOne mang đến một không gian đọc sách hoàn toàn khác lạ cho trẻ em, đó là không gian vừa đọc vừa chơi. Theo đó, bên trong nhà sách có bố trí các khu vực vui chơi cho trẻ như lắp ghép, xếp hình, kính viễn vọng… Trẻ em có thể đọc sách trong nhà hoặc ra ban công, bên trên có phục vụ cà phê với không gian đẹp, thoáng đãng.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 13

Vừa mới khai trương, Nhà sách iOne đã thu hút hàng chục người dân đưa con em đến đọc sách mỗi ngày. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, anh Trần Thanh Tùng, chủ Nhà sách iOne tâm sự: “Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi khi thực hiện dự án là chung tay cùng địa phương lan tỏa văn hóa đọc trong trẻ em để các em có thêm tri thức, trưởng thành xây dựng quê hương giàu đẹp. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục trang bị thêm sách giáo khoa để phục vụ học sinh khi bước vào năm học mới có thêm nguồn tài liệu học và tham khảo”.

Để bắt tay xây dựng Nhà sách iOne, anh Trần Thanh Tùng cùng cộng sự đã phải cất công đi tìm hiểu rất nhiều mô hình nhà sách trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành. Trong đó anh rất tâm đắc với các nhà sách không gian mở, kết hợp cà phê, khu vui chơi để cả trẻ cũng như bố mẹ đều thấy hứng thú. “Tới đây, chúng tôi cũng muốn tổ chức các talk show về sách và văn hóa đọc tại đây để lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc trong cộng đồng” – anh Trần Thanh Tùng nói.

Trong khi các thư viện truyền thống dần mất đi sức hút, thì các mô hình thư viện đa năng, không gian đọc sách mở ngày càng phát triển tại Hà Nội, thu hút đông đảo độc giả trẻ. Tiêu biểu như Không gian văn hóa Đông Tây nằm tại Làng sinh viên Hacinco (số 99 Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân). Đây là tổ hợp dịch vụ cà phê, khu đọc sách, phòng hội thảo, họp nhóm, không gian tổ chức sự kiện, nhà ăn, bán lẻ sách với diện tích sử dụng lên tới 1.200m2 với trọng tâm là sách. Nơi đây là điểm đến hấp dẫn cho các độc giả yêu thích sách, luôn mong muốn có được điểm "dừng chân" lý tưởng sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng.

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 14

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại Không gian văn hoá Đông Tây, khi đến đây, người đọc đến sẽ phải sử dụng đồ uống với mức giá cao nhất khoảng 50.000 đồng. Bên cạnh đó, Không gian văn hoá Đông Tây cũng cho thuê để tổ chức các hội thảo, toạ đàm, giới thiệu sách… Theo Quản lý tại Không gian văn hoá Đông Tây Phùng Thị Thảo, lượng khách tại Không gian văn hoá Đông Tây chủ yếu đông vào cuối tuần khi các gia đình lựa chọn điểm nghỉ cho trẻ đến để lấy không gian và tạo thói quen cho trẻ đọc sách…

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để xây dựng văn hóa đọc cho con trẻ cần tạo ra môi trường đọc tại gia đình và trong giáo dục từ rất sớm. Đồng thời cung cấp cho con những tài liệu đọc phù hợp với lứa tuổi, đa dạng về thể loại, phong cách để tạo ra sự hấp dẫn và đáp ứng những sở thích đa dạng của trẻ. Cha mẹ cũng có thể tận dụng công nghệ để cho trẻ kết nối với sách điện tử tương tác và tổ chức các trò chơi, các hoạt động liên quan đến sách

“Chúng ta cũng có thể tổ chức các chuỗi sự kiện để truyền cảm hứng về giá trị của sách và đọc sách, biến thư viện thành không gian thú vị và thư giãn để trải nghiệm với sách. Đồng thời tích cực tham gia xây dựng các thư viện cá nhân, thư viện cộng đồng, thư viện dòng họ…” - PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

(còn nữa)

Bài 3: Sức sống từ các thư viện tư nhân - Ảnh 15

07:05 07/08/2023