
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với quy định được nêu tại Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm (DTHT) thì vẫn còn không ít băn khoăn. Đâu là nguyên nhân của tình trạng DTHT tràn lan? Liệu Thông tư 29 có giải quyết tận gốc vấn đề này? Câu trả lời được gợi mở qua cuộc trò chuyện của Báo Kinh tế & Đô thị với TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Thưa ông, có thể nói DTHT là vấn đề của mọi người, mọi nhà. Lý do đi học thêm có rất nhiều và không ít học sinh giỏi vẫn miệt mài đi học thêm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? Có phải do bố mẹ quá kỳ vọng nên đã tạo áp lực và gánh nặng cho con cái cũng như cho chính mình?
- Trước hết cần khẳng định, DTHT là nguyện vọng có thật, chính đáng của cả người dạy và người học. Tuy thế, hiện nay chúng ta đang đặt nặng việc học vì bằng cấp, vì bảng điểm, học để chọn trường, lớp.
Cùng với đó, tình trạng thiếu trường, lớp, chất lượng trường, lớp không đồng đều đã biến “cuộc chiến” với DTHT không có hồi kết. Chúng ta đang kỳ vọng kết quả dựa vào học thêm chứ không phải từ năng lực, từ nhận thức của mỗi người. Đây là một điều sai lầm cần loại bỏ.

Ngoài ra, có một nguyên nhân dẫn đến tình trạng DTHT tràn lan, đó là trách nhiệm của giáo viên dường như chưa đến nơi đến chốn, thầy cô chưa thực sự làm hết trách nhiệm. Thầy cô phải nắm được năng lực của từng học trò. Có những em chỉ cần lướt qua là đã hiểu bài nhưng có em cần dành thời gian để giảng giải kỹ lưỡng, cụ thể hơn. Thầy cô phải đưa ra những bài tập dẫn dắt các em. Trên cơ sở đó sẽ có cách thức hướng dẫn học sinh ngay trên lớp.
Học thêm chỉ nhằm bồi dưỡng cho những đối tượng học sinh thực sự cần, còn những học sinh được đánh giá học khá, tốt không cần học thêm. Tôi bảo đảm học sinh học giỏi không cần học thêm vì các em học giỏi là đã được rèn luyện năng lực tư duy nhất định; các em luôn luôn có ý thức mang kiến thức mình học được vận dụng, giải đáp bài toán thực tế trong cuộc sống. Bố mẹ cần tạo điều kiện, nuôi dưỡng, cho con đi học theo năng lực chứ không phải theo ý mình mong muốn.
Với những học sinh khá, phải khơi gợi xem chúng có năng lực gì, mong muốn gì. Từ những mong muốn, năng lực ấy, chúng sẽ tìm cách khẳng định bản thân. Tôi nghĩ rằng bố mẹ nào cũng đều có kỳ vọng ở con. Kỳ vọng là điều không sai nhưng nếu kỳ vọng quá lớn sẽ gây áp lực cho trẻ. Do vậy, phụ huynh cần giảm kỳ vọng, tăng kỳ công với con, tạo mọi điều kiện để con phát triển chứ không phải chỉ so sánh với “con người ta” rồi lại bắt con đi học thêm. Nhiều khi áp lực quá sẽ làm thui chột những cái chúng đang mong muốn.

Có ý kiến cho rằng, muốn thực hiện thành công Thông tư 29 cần giảm tải chương trình, thay đổi cách đánh giá, xếp loại và giảm áp lực ở các kỳ thi, quan điểm ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi không cho là như thế. Chúng ta đã có nhiều văn bản về vấn đề DTHT nhưng thực hiện suốt nhiều năm vẫn chưa hiệu quả. Việc học thêm làm xói mòn khả năng tự học, làm giảm đi sự phát triển của con người. Chúng ta phải hiểu việc học là suốt đời nhưng nếu học sinh không có khả năng tự lập, không có thói quen học thì học mấy cũng không hiệu quả. Việc học vẫn vì điểm số, học vì bằng cấp, học để đối phó chứ không phải xuất phát từ mong muốn của học trò.

Gốc rễ của việc học thêm không phải từ chương trình. Đúng là trước đây xuất phát từ cách thi của chúng ta sinh ra việc không học thêm không làm nổi các bài thi vốn mẹo mực và rất khó. Nhưng giờ đây, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã làm rất tốt việc giảm tải, buộc học sinh phải tự rèn luyện, tự tìm ra kiến thức, từ đó biến kiến thức thành năng lực riêng của bản thân. Đó mới là con đường làm cho giáo dục phát triển lành mạnh, tốt đẹp và chất lượng nhất.
Cả ba đối tượng thầy cô, học sinh, phụ huynh cần nhìn lại Thông tư 29 và vì lợi ích lâu dài của đất nước để thay đổi. Thông tư 29 ra đời bởi chúng ta đang dành quá nhiều thời gian vào việc học vì điểm số, bằng cấp. Việc kiểm tra đánh giá là cần thiết nhưng vẫn cần cải tiến kiểm tra đánh giá cho phù hợp với yêu cầu. Đề thi phải để học sinh không học thuộc lòng, không phải đối phó với sách giáo khoa mà phải biến kiến thức sách giáo khoa thành kiến thức của mình để đáp ứng những câu hỏi thực tế. Cái đó mới cần thiết và là bước phát triển lâu dài.

Nhiều người cho rằng, học thêm là “hằng số”, dừng chỗ này sẽ mọc chỗ khác. Theo ông thì sao?
- Chúng ta đừng lo dừng dạy thêm trong nhà trường thì các trung tâm lại phát triển. Hiện khá phổ biến tình trạng phụ huynh cho con đi học thêm để không thua bạn, kém bè, để con không bị thiệt. Nếu giờ đây, mỗi phụ huynh, học sinh nhận thức được việc tự học và vai trò của tự học sẽ không sợ bị cạnh tranh. Chúng ta chỉ sợ trong nhà trường không đủ thầy cô dạy giỏi.
Thông tư 29 nếu được thực hiện một cách triệt để, đúng đắn, thầy cô, nhất là hiệu trưởng nhận thức được để định hướng, bồi dưỡng cho giáo viên của mình, tôi chắc chắn các trung tâm bên ngoài sẽ không phát triển. Vì thế, việc nói nhu cầu học thêm là một hằng số, chặn ở đây nó sẽ tràn ra chỗ khác là chưa đúng.

Tôi khuyến khích giáo viên phải chặn quán tính, ngăn thói quen của học trò luôn muốn, luôn tìm lý do để học thêm. Với những học sinh giỏi rồi không cần học thêm nữa. Giáo viên hướng dẫn thêm cho các em tự tin, tin vào năng lực của bản thân để vượt qua khó khăn, phân tích cho các em hiểu rằng, dựa mãi vào thầy cô sẽ không thể phát triển.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định 5 phẩm chất, 10 năng lực, trong đó năng lực đầu tiên là tự chủ và tự học. Cái đó thầy cô phải tập trung rèn cho học sinh. Những việc ấy không thể một sớm một chiều mà là cả quá trình, nhưng từ bé đến lớn, thầy cô phải giúp các em dần dần biết tự học… Thầy cô không thể lấp đầy thời gian của học sinh bằng dạy thêm mà phải làm hết trách nhiệm của mình, khi đó nhu cầu DTHT sẽ tự giảm xuống và dần mất đi.

Theo ông, Thông tư 29 có giải quyết được tình trạng DTHT tiêu cực không? Hoạt động DTHT sẽ vận hành như thế nào và làm sao để không còn DTHT?
- Thông tư 29 đã đưa ra những chủ trương khoa học, nhân văn, nhằm giải quyết những hiện tượng tiêu cực của “căn bệnh” DTHT vốn tồn tại nhiều thập kỷ. Thực tế cho thấy, lâu nay các trường chưa chuẩn bị tích cực để học sinh biết cách tự học và Thông tư 29 sẽ trở thành phép thử để buộc các trường phải thay đổi.
Bên cạnh thực hiện Thông tư 29, chúng ta cần phải giải quyết một số vấn đề. Trước tiên là đảm bảo các nhà trường có chất lượng đồng đều, đủ số lượng trường học. Bản thân học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng phải nhận thức được mục tiêu dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực phẩm chất mà cụ thể hóa là khả năng tự học. Ngoài ra, đề thi sáng tạo, buộc học sinh phải vận dụng và không ai làm thay được.

Không thể phủ nhận hiện nay học thêm vẫn là một nhu cầu chính đáng của học sinh. Ông có thể chia sẻ góc nhìn về mô hình học tập phù hợp, bảo đảm công bằng trong giáo dục để việc dạy thêm học thêm thực sự hiệu quả thay vì trở thành áp lực?
- Mô hình chúng ta muốn hướng tới phải xuất phát từ 3 đối tượng. Thứ nhất, người học phải có năng lực tự học, biết cách học, học thế nào để có hiệu quả, luôn luôn có câu hỏi và trả lời, biết cách chọn lọc, vận dụng kiến thức vào cuộc sống chứ không phải chỉ đi nghe giảng.
Tất nhiên có những em thông minh, có năng lực chỉ cần nghe thầy cô giảng là hiểu và biết cách tự học. Nhưng không phải học sinh nào cũng biết cách tự học. Vì thế trong giai đoạn này, quan điểm của tôi là các trường phải dạy học sinh biết cách tự học. Thầy dạy giỏi, học sinh sẽ vận dụng được chứ không có gì khó khăn, áp lực.
Thứ hai là phụ huynh không phải cứ đẩy con đến lớp học thêm là yên tâm. Tâm lý của bố mẹ vẫn xem việc đi học thêm là thầy cô thay bố mẹ quản con, vì vậy phải thay đổi nhận thức.
Thứ ba, nhà trường, thầy cô phải làm tròn trách nhiệm; nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định. Khi thầy cô làm hết trách nhiệm thì không để thầy cô thiệt thòi mà phải trả công (dù dạy thêm không thu phí) vì đó là quyền lợi của giáo viên. Phải tiếp tục đề xuất chính sách, quan tâm đến mức lương và đời sống giáo viên để thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

17:42 23/02/2025