Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 1

Dù nhà ở gần đồn hay quê xa, các chiến sĩ biên phòng tuyến biên giới Tây Nam vẫn luôn tâm niệm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”. Ở đó, có tình đồng chí, đồng đội bền chặt, tình quân dân ấm áp, là điểm tựa vững chãi để mỗi chiến sĩ yên tâm chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 2

Vừa chân ướt chân ráo ra trường, được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, cách nhà hơn 2.000 cây số là điều mà trung úy Đỗ Đại Thanh khá bất ngờ và bỡ ngỡ. Bởi trước đó, chàng trai sinh năm 2000 thường chỉ đi đi về về giữa quê nội ở Thanh Sơn (Phú Thọ), quê ngoại ở huyện Ba Vì (Hà Nội) và học tập tại Học viện Biên phòng, ít được đi xa, chưa nói đến đến Mũi Cà Mau – điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 3

Công tác tại Trạm kiểm soát biên phòng Rạch Tàu, thuộc Đồn Biên phòng Đất Mũi, nhiệm vụ hàng ngày của trung úy Đỗ Đại Thanh là kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào khu vực biên giới, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện giấy tờ, trang thiết bị còn thiếu trước khi ra biển, đặc biệt là tuyên truyền cho ngư dân chấp hành tốt quy định về khai thác thủy sản hợp pháp, đúng quy định theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC). “Là bộ đội biên phòng, chúng tôi luôn tâm niệm lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, ở bất cứ nơi đâu, bất kể ngày đêm hay khó khăn, vất vả. Bởi ở đâu, đồn biên phòng luôn là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi” - trung úy Đỗ Đại Thanh chia sẻ.

7 năm công tác tại Đồn Biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang là quãng thời gian mà chiến sĩ Đinh Trung Hậu cùng đồng đội gánh vác trên vai nhiều nhiệm vụ quan trọng nơi đầu sóng, ngọn gió. Đồn Biên phòng Tây Yên phụ trách quản lý địa bàn biên phòng gồm 8 xã, phường biên giới biển thuộc 3 huyện, TP: Rạch Giá, An Biên, Châu Thành với chiều dài chính diện đoạn bờ biển khoảng 26km. Đóng quân trên địa bàn có đặc thù nhiều cửa sông, cửa lạch, đặc biệt có cửa sông Cái Lớn là cửa ra vào cảng cá Tắc Cậu, nơi tập trung nhiều phương tiện đánh bắt có công suất, kích thước lớn, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp… nên nhiệm vụ của người lính rất nặng nề. Không chỉ vậy, Đinh Trung Hậu còn cùng đồng đội tham gia đấu tranh chống lại tội phạm ma túy. Phải đối diện với hiểm nguy, song anh chưa bao giờ nao núng, sợ hãi hay ngại khó ngại khổ. Hậu cùng đồng đội đã nhiều lần triệt phá thành công hoạt động buôn bán ma túy trên địa bàn đóng quân.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 4

Nhà cách đơn vị 200km, Đinh Trung Hậu coi Đồn Biên phòng Tây Yên như ngôi nhà thứ hai của mình. Trong công việc, chiến sĩ quê Gò Công Tây (Tiền Giang) luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Giờ đây, đã lập gia đình, Hậu đưa vợ và con về Kiên Giang sinh sống. “Bây giờ nhà gần đồn hơn nhưng tôi luôn ưu tiên hoàn thành mọi công việc trước mỗi lần được phép về thăm vợ con. Nếu sau này con muốn trở thành lính biên phòng, tôi rất sẵn lòng ủng hộ” – chiến sĩ Đinh Trung Hậu bày tỏ.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 5

Khi chiều dần tắt nắng, hơi nóng dịu đi, hoàng hôn phả lên nền trời những mảng màu tím hồng loang đen xen đẹp như một bức tranh sơn dầu thì cũng là lúc các chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bước vào giờ “tăng gia sản xuất”. Sau ca trực, các chiến sĩ lại hối hả bơm, xách nước tưới rau. Những luống rau muống, rau cải vươn lên xanh mướt như không phụ công người chăm sóc. Với những luống rau mới gieo, các chiến sĩ lấy rơm khô phủ lên để chống lại cái nắng cháy như thiêu như đốt ở biên giới Tây Nam.

Vừa kết thúc một ngày bận rộn đi tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành đường lối của Đảng, Nhà nước, tập trung chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thiếu úy Lưu Nguyễn Minh Đương - Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Rạch Gốc lại xắn tay làm cùng đồng đội. Sinh năm 1997, cha mất sớm, là con lớn nhất trong gia đình 3 anh em quê ở Bạc Liêu nên ngay còn ngồi trong ghế nhà trường, Lưu Nguyễn Minh Đương đã có mơ ước trở thành bộ đội.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 6

Tham gia nghĩa vụ quân sự, được sống và rèn luyện trong môi trường quân đội càng thôi thúc Minh Đương quyết tâm thi vào ngành. Và nỗ lực, cố gắng của Đương đã được đền đáp xứng đáng khi cậu trúng tuyển Học viện Biên phòng với số điểm khá cao. Dù mới chuyển về công tác tại Đồn Biên phòng Rạch Gốc từ tháng 2/2023, song Lưu Nguyễn Minh Đương nắm bắt nhiệm vụ khá nhanh. “Mỗi địa bàn có những đặc điểm khác nhau, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi phải vận dụng linh hoạt kiến thức và học hỏi từ các anh, các chú đi trước. Đặc biệt, tôi phải thường xuyên xuống địa bàn tìm hiểu thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bởi trong công việc tuyên truyền không phải lúc nào người dân cũng nghe theo mình, nhất là việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp” – Minh Đương chia sẻ.

Có những thời gian cao điểm, Đương cùng đồng đội phải dùng “tiếng loa biên phòng” xuống địa phương, đi từng ngõ ngách để trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con chấp hành đánh bắt thủy sản đúng pháp luật. Dù vậy, thiếu úy Minh Đương không hề nản chí. Công tác xa, để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ và các em, mỗi khi có thời gian rảnh hoặc ngày nghỉ, Minh Đương lại gọi điện qua Zalo về nói chuyện, hỏi thăm. Những cuộc chuyện trò ngắn ngủi nhưng ấm áp ấy đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho chàng trai trẻ yên tâm công tác, cống hiến cho quê hương, đất nước.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 7

Trung tá Lê Thanh Sử - Chính trị viên Đồn Biên phòng Rạch Gốc cho biết, đơn vị luôn quan tâm tàm tốt công tác chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác. Đặc biệt, bảo đảm tốt các chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sĩ. Đơn cử như nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 ngoài tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ với số tiền 58 triệu đồng, Đồn Biên phòng Rạch Gốc còn trích Quỹ đồng đội hỗ trợ cho cán bộ và thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đơn vị với tổng số tiền 2,6 triệu đồng… “Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn yên tâm công tác; nêu cao tinh thần cầu thị, ham học hỏi, trách nhiệm, tận tụy với công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi hoàn cảnh” – trung tá Lê Thanh Sử chia sẻ.

Câu chuyện của thượng úy Bùi Duy Tiến – Đội trưởng Đội tổng hợp, Đồn Biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang cũng khiến cho nhiều người rất xúc động. Quê ở Nghệ An, cách đồn quá xa nên điều kiện về thăm gia đình rất hạn chế. Tết dương lịch năm 2023, tranh thủ đợt nghỉ phép, Tiến về quê tổ chức đám cưới. Niềm hạnh phúc được nhân lên khi vợ báo tin anh lên chức bố, song từ lúc cưới đến nay, thượng úy Bùi Duy Tiến vẫn chưa có dịp về thăm nhà.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 8

Đóng quân xa nhà, làm sao để cân bằng tình cảm gia đình và nghĩa vụ với Tổ quốc là điều không đơn giản. Nhưng may mắn, thượng úy Bùi Duy Tiến luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ và động viên từ gia đình hai bên nội ngoại để anh yên tâm công tác. “Nếu phải nói một điều với vợ, tôi muốn nhắn rằng: Vợ ơi, em lấy một người bộ đội như anh thì phải chịu thiệt thòi rất nhiều. Vợ phải cảm thông cho anh vì nhiệm vụ ở nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không được ở gần vợ, gần con. Cảm ơn vợ rất nhiều” - thượng úy Bùi Duy Tiến bày tỏ.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 9

Những ngày tháng 5 là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ, tỉnh Kiên Giang. Bởi đây là dịp kỷ niệm ngày 30 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 829, tiền thân của Đồn Biên phòng Phú Mỹ ngày nay đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (ngày 17/5/1978), giành giật với địch từng bờ đê, thửa ruộng, hàng cây, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 10

Đài tưởng niệm các liệt sĩ màu nâu đỏ trầm mặc giữa tán cây, nằm bên cạnh Đồn Biên phòng Phú Mỹ, chỉ cách một con đường bê tông với chiếc cổng chào khang trang “Xã nông thôn mới Phú Mỹ”. Hoa tươi, trái cây, những nén nhang thơm được cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo và Nhân dân địa phương thành kính dâng lên anh linh các liệt sĩ. Hòa cùng hương nhang là mùi thơm của hoa đại trồng trong khuôn viên Đài tưởng niệm, càng làm cho không gian thêm phần trầm mặc, trang nghiêm.

Tháng 12/1979, Đồn 829 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hình ảnh các anh hùng liệt sĩ "Bám trụ kiên cường, lập công xuất sắc" để bảo vệ biên cương Tổ quốc trong trận chiến đấu ngày 17/5/1978 trở thành bất tử ở Phú Mỹ. Trung tá Danh Tâm - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ chia sẻ: "Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ rất tự hào về truyền thống anh hùng của đơn vị. Kế tục sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chúng tôi nỗ lực không ngừng học tập, rèn luyện toàn diện, phối hợp với địa phương ổn định địa bàn, xây dựng đời sống kinh tế mới, góp sức xây dựng quê hương Giang Thành ngày càng giàu đẹp, văn minh".

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 11

Khuôn viên trước Đài tưởng niệm được coi là địa chỉ đỏ, nơi các cơ quan, đoàn thể, nhà trường… tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục đạo đức cách mạng để qua đó mỗi cán bộ, hội viên, học sinh, sinh viên được rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống và thêm tự hào về truyền thống quê hương.

Đại tá Huỳnh Văn Đông – Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, tri ân các anh hùng liệt sĩ, dự án Khu tưởng niệm liệt sĩ Phú Mỹ đã được phê duyệt và sẽ được xây dựng tại chính địa điểm của Đồn 829 cũ. Qua đó đưa Khu tưởng niệm liệt sĩ Phú Mỹ xứng tầm với một di tích lịch sử hào hùng, trở thành điểm đến truyền thống, văn hóa đầy tự hào của mảnh đất phương Nam.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 12

Tiếp lửa truyền thống cũng là một trong những hoạt động thường xuyên được Đồn Biên phòng Rạch Gốc, tỉnh Cà Mau triển khai để giáo dục tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Khu di tích lịch sử địa điểm cây me Rạch Gốc tọa lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là địa điểm thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ Đồn tới thăm. Đây là nơi gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của anh hùng Phan Ngọc Hiển trên mảnh đất Tân Ân, cũng là nơi tạo nên tiền đề chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai diễn ra và giành thắng lợi vẻ vang. Mỗi lần đến đây, các chiến sĩ biên phòng lại được thắp lên ý chí bất khuất, anh dũng, kiên cường, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 13

Trung tá Lê Thanh Sử - Chính trị viên Đồn Biên phòng Rạch Gốc cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản của cấp trên về chấn chỉnh và tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội nội, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. Đồng thời kịp thời nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên có biện pháp giáo dục nhắc nhở kịp thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

(còn nữa)

Bài 4: Đồn là nhà, biên giới là quê hương - Ảnh 14

07:30 19/06/2023