Bài 4: Thách thức trong bảo tồn - Ảnh 1

TP Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để sớm thực hiện cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn. Nhưng trước khi làm một cuộc chuyển mình trong bộ mặt đô thị, Hà Nội cũng cần phải xem xét đến vấn đề bảo tồn các giá trị phi vật thể, giá trị văn hóa còn lưu giữ trong các khu tập thể cũ.

Những giá trị cần luyến tiếc 

Lâu nay người ta nói nhiều đến sự xuống cấp, hình ảnh bề ngoài nham nhở, nhếch nhác bởi việc cơi nới, chuồng cọp, tường nứt, vôi vữa bong tróc của các khu nhà chung cư cũ. Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn của nhiều người Hà Nội, những khu nhà cũ chính là mảnh ghép văn hóa, là tình yêu thương gắn bó không thể nào quên. Không thể phủ nhận, nhà tập thể cũ vẫn mang trong đó là những nét đẹp riêng, sự cổ kính của thời gian, những không gian trầm mặc giữa các khu đô thị mới ồn ào, tấp nập.

Bây giờ, người dân ở nhà tập thể thời kỳ đầu phần nhiều đã chuyển đến nơi ở khác nhưng những kỷ niệm khi bắt đầu về ở có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí họ. Dù chất lượng ở, không gian chật chội nhưng tính kết nối gia đình, hàng xóm không thể có được trong các không gian mới, khu chung cư hay biệt thự. Chị Phạm Thị Hạnh, từng ở khu tập thể Kim Liên một thời gian dài, nay đã chuyển vào sống tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Nói đến khu tập thể cũ không thể không nhắc đến những ống nước bằng nhựa, những ô cửa mắt cáo, những chiếc cửa sắt làm cho người trong nhà có thể nhìn ra hành lang hay người trong và ngoài có thể nói chuyện với nhau, điều mà ở những khu chung cư cao cấp hay biệt thự bây giờ không có. Ở những khu chung cư cao cấp hay biệt thự, người bên trong nhìn thấy người bên ngoài qua một “ô cửa” hẹp, được gắn trên chiếc cửa sắt nặng nề, kín mít. Điều đó đảm bảo tốt về mặt an ninh, nhưng cũng vô hình trung tạo ra khoảng cách giữa những người được gọi là “hàng xóm” sống cùng trên một tầng trong khu chung cư cao cấp.

Bài 4: Thách thức trong bảo tồn - Ảnh 2

Năm 2020, bức ảnh mặt tiền khu chung cư cũ tên là “Coffee Stories” của tác giả Samsara Tran được National Geographic UK đăng trên fanpage ngày 25/9/2020. Đây là khu chung cư cũ được cải tạo để kinh doanh quán cà phê, nhà hàng, không gian làm việc thu hút đông giới trẻ ở Việt Nam. Tác giả chia sẻ: “Thật vui và thú vị khi bạn có thể dành cả ngày chỉ để khám phá nơi này”. Hàng nghìn độc giả nước ngoài khi xem ảnh đã bày tỏ sự thích thú bằng các bình luận và chia sẻ ảnh do chính họ chụp tại khu chung cư này. Mitzi Delatina, du khách Philippines, cho hay: “Từ khu chung cư nhìn xuống đường phố cũng rất đẹp và về đêm nơi này thật rực rỡ”. Chính vì vậy, khu tập thể cũ ở mỗi vị trí mỗi không gian đều có giá trị đặc biệt với du khách cũng như người dân Hà Nội.

Với những người dân sống tại tập thể, họ mong muốn những nếp sống tốt, giản dị được duy trì. Bởi khi ngẫm lại, vùng đất nào mà con người ta quần tụ lại sinh sống, qua thời gian rồi cũng sẽ hình thành nên nét văn hóa riêng. Văn hóa các khu tập thể cũ ở Hà Nội cũng được hình thành theo thời gian như thế.

Bài 4: Thách thức trong bảo tồn - Ảnh 3

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: Nhắc về khu tập thể cũ là nhắc về những ký ức đẹp, mặc dù có những ký ức cũng cần phải xóa bỏ trong đời sống hiện đại, như: Xếp hàng nửa đêm gần sáng để lấy nước máy, điện thường xuyên mất điện, mất nước khiến người dân phải ra ban công ngồi quạt. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chật chội. Nhưng điều luyến tiếc nhất ở tập thể cũ là mối quan hệ, giao tiếp, chia sẻ của một cộng đồng những người sống cùng trong một không gian. Hầu hết những người như tôi chẳng hạn nhớ về khu tập thể ngày xưa không phải hoài cổ với cái khó khăn mà nhớ về ấm áp của con người với con người trong một cộng đồng, trong một không gian sống. Chứ không phải ai luyến tiếc cầu thang hẹp tối, đến khi lớn tuổi mà cũng phải vịn cầu thang leo mãi mới tới nơi. Không ai luyến tiếc những lần thức 2-3 giờ sáng để xếp hàng xách từng xô nước mặc dù sáng sau đi làm sớm. Nhưng khi người ta rơi vào đời sống chung cư mới hiện nay, giao tiếp với xã hội chủ yếu bằng internet, thiếu giao tiếp bằng hơi thở, bằng ánh mắt thì càng cần luyến tiếc về văn hóa cộng đồng ở tập thể cũ thời xưa”. Ở một góc độ nào đó, nhà tập thể cũ không chỉ mang trong mình trọng trách về mô hình kiến trúc của một thời kỳ lịch sử, mà nó còn là nét đẹp văn hóa cộng đồng. Khi mô hình kiến trúc không còn phù hợp ta có thể cải tạo, nâng cấp, xây mới, nhưng cũng cần thấu hiểu giá trị vật thể, giá trị văn hóa đang được lưu giữ trong mỗi cộng đồng tập thể cũ để từ đó có giải pháp gìn giữ, bảo vệ.

Di sản kiến trúc cần gìn giữ

Theo thống kê, hiện Hà Nội có khoảng 1.516 nhà tập thể có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1954-1986. Hiện nay, UBND TP Hà Nội cũng đang kêu gọi đầu tư để xây dựng đồng bộ lại những khu tập thể cũ trên địa bàn TP. Ai cũng ủng hộ chủ trương cải tạo tập thể cũ của Hà Nội, để điều kiện sống của người dân được tốt hơn, không còn những căn nhà nguy cơ đổ sập, bộ mặt đô thị cũng trở nên khang trang. Vậy nếu như đập đi cải tạo, xây mới hoàn toàn tất cả nhà tập thể cũ, biến nó thành những chung cư mới, hiện đại như các chung cư mới xây dựng lại ở Giảng Võ, Phạm Ngọc Thạch… thì Hà Nội sẽ được và mất gì, cũng là điều cần bàn cãi.

Bài 4: Thách thức trong bảo tồn - Ảnh 4

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội đã từng có những nhóm nghiên cứu về kiến trúc xưa ngàn năm, các công trình đặc trưng trước năm 1930 hay các ngôi biệt thự thời Pháp, nhưng thiếu hẳn nghiên cứu về kiến trúc giai đoạn năm 1954-1986, trong đó có kiến trúc nhà tập thể cũ. Đây là giai đoạn phát triển từ đô thị tiêu dùng, đô thị thuộc địa sang đô thị xã hội chủ nghĩa; là thời kỳ Nhà nước bao cấp xây dựng và cũng là thời kỳ có nhiều công trình do các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ thiết kế cùng với đội ngũ kiến trúc sư trong nước, tạo được dấu ấn đặc thù cho nền kiến trúc Việt Nam. Thậm chí nhiều công trình còn vượt khỏi giá trị về mặt vật chất, khẳng định giá trị tinh thần là ước mơ, là sự phấn đấu, là niềm kiêu hãnh của một thế hệ nên cũng cần phải bảo tồn gìn giữ.

Thế nhưng, bảo tồn như thế nào là bài toán đặt ra, bởi vì số lượng dân cư trong khu nhà tập thể cũ đã vượt lên gấp nhiều lần so với con số thưở mới ra đời. Qua điều tra khảo sát, hiện dân số tại các khu nhà tập thể cũ cao hơn nhiều so với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Tại các khu chung cư Giảng Võ, Thành Công, quận Ba Đình được cấp phép xây dựng trên 20 tầng với khoảng 10 nghìn người tuy nhiên hiện nay dân số đã hơn 10 nghìn người. Không ai muốn rời bỏ mảnh đất vàng với vị trí thuận lợi và đủ thứ tiện ích đi kèm. Dù trần nhà bong tróc, nứt toác và ẩm thấp, nhưng người dân vẫn bám trụ trong các căn tập thể cũ nát đã tồn tại qua nhiều thập kỷ giữa lòng TP Hà Nội.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng đối với các tập thể cũ, nếu không nhanh chóng có quy chế bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kiến trúc, chọn lựa những công trình tiêu biểu cho từng giai đoạn để bảo tồn thì có lẽ chẳng mấy chốc chúng sẽ được phá đi, xây lại bằng những công trình hiện đại. Các chuyên gia đều tán thành việc cần đưa ra một quy chế để quản lý và cho rằng cần có sự khẳng định tập thể cũ cũng là một trong những di sản mà Hà Nội cần giữ gìn.

Bài 4: Thách thức trong bảo tồn - Ảnh 5

Bài: Linh Anh - Lại Tấn
Trình bày: Tùng Quân

08:36 07/08/2021