Đại dịch Covid-19 mới xuất hiện 2 năm đã khiến hơn 5 triệu người tử vong trên thế giới và hiện vẫn hoành hành khắp nơi nơi với virus biến chủng không ngừng. Trong tương lai, có thể tiếp tục xuất hiện nhiều loại hình dịch bệnh nguy hiểm khác. Các chuyên gia y tế cho rằng, Việt Nam cần phải nhìn nhận và cải tổ lại toàn bộ hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, sẵn sàng ứng phó khi xuất hiện dịch bệnh mới.
Đề cập đến mối nguy hiểm của các dịch bệnh mới nổi, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, kể từ thập niên 1970, nhiều bệnh truyền nhiễm mới đã xuất hiện với tần suất hơn một bệnh mỗi năm. Tổng cộng đã có hơn 40 bệnh mới được phát hiện trong 30 năm qua. Trong số những bệnh mới trên thế giới phải kể đến SARS, cúm A/H5N1, H1N1, Ebola …
Dịch SARS xảy ra năm 2003, có số mắc, số tử vong cao và đe dọa nghiêm trọng đến an ninh toàn cầu, trở thành đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21. Tại Việt Nam, SARS xâm nhập lần đầu tiên vào tháng 2/2003 và trường hợp cuối cùng được phát hiện tháng 4/2003. Với tổng số 63 trường hợp mắc, 5 người tử vong, tỷ lệ chết/mắc là gần 8%.
Từ năm 2003 đến nay, có 7 đợt dịch cúm A/H5N1 ở người với 127 trường hợp mắc và 64 trường hợp tử vong. Với cúm A/H1N1, trường hợp bệnh đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam ngày 31/5/2009, nhiều trường hợp nhiễm bệnh và tử vong, dần dần, cúm A/H1N1 trở thành cúm mùa.
Hiện nay, cả thế giới lại đang đương đầu với dịch Covid-19 với sự biến chủng không ngừng của virus. Trong khi cả nước đang phải ứng phó với Covid-19 thì nhiều bệnh truyền nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp như lao kháng thuốc, sốt sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Tại hội nghị với chủ đề Chủ động ứng phó trước các tình huống Y tế Công cộng khẩn cấp do WHO tổ chức mới đây, đại diện WHO cho rằng, các thách thức ngày càng gia tăng trong việc đáp ứng dịch bệnh và các sự kiện y tế khẩn cấp xảy ra trên toàn thế giới. Hệ thống y tế cần phải được nhìn nhận lại, y tế cơ sở phải đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao phủ cho toàn dân.
Điều đáng lo lắng là cùng một lúc Việt Nam đang phải đối phó với “gánh nặng kép” về bệnh lây nhiễm (Covid-19, chân tay miệng, sốt xuất huyết...) và bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường, ung thư...). Sự xuất hiện khó lường của một số bệnh dịch lây nhiễm trong những năm qua là nguyên nhân tạo nên sự gia tăng dồn dập bệnh nhân theo từng thời điểm nhất định, gây nên tình trạng quá tải trầm trọng ở các BV tuyến trên. Đặc biệt trong thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành, y tế còn quả tải từ tuyến dưới lên tuyến trên dẫn đến tình trạng người dân không được chăm sóc toàn diện.
Có thể khẳng định, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ quá nhiều bất cập, yếu kém của y tế cơ sở trong đáp ứng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu Quốc hội nêu lại con số đau lòng, gần 20.000 trường hợp nhiễm Covid-19 đã tử vong, chưa kể rất nhiều người dân, nhiều bệnh nhân không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn Covid, có thể cũng gián tiếp ra đi vì Covid. “Cho nên, phải làm sao để cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới và khắc phục được những gì đã xảy ra. Vì sao quá nhiều thương vong, bài học xương máu là gì? Thứ nhất, chúng ta phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở” – bà Lan nói và phân tích, suốt thời gian qua, chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể là 30% đó cũng không đáng kể gì so với nhu cầu của người dân.
Về vấn đề này, bà Phong Lan đề xuất, cần có một chính sách xuyên suốt một chủ trương, một quan điểm từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế để có những chính sách hết sức cụ thể. Nếu không giải quyết được những vấn đề thuộc về căn cơ, đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở thì chắc chắn sẽ tiếp tục bị động. Về y tế cơ sở, không phải chỉ có vấn đề về tiền, mà làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chính sách chắp vá, liên tục thay đổi về tổ chức, khó có thể hoạt động để ổn định làm việc, cống hiến.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ngay bây giờ, cần xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để ứng phó với Covid-19 nói riêng, các dịch bệnh mới nổi nói chung. Về ngắn hạn, trong lúc dịch tạm yên ắng, cần tăng cường y tế cơ sở ngay, rà soát lại toàn bộ hệ thống y tế, yếu ở đâu, chưa phù hợp chỗ nào, phải khắc phục ở đó. Trước tiên, với Covid-19, trong vòng ba tháng, từ mạng lưới y tế cấp tỉnh, phối hợp giữa y tá, y sĩ, người dân, xây dựng thành tổ, đội nhóm từ dưới lên, từ trên xuống. Khi xong, nếu xuất hiện các biến thể virus khác, cùng với triển khai vaccine thì đã có hệ thống ứng phó từ cấp cơ sở làm tốt ngay lúc ban đầu.
Từ thực tế dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao ở quy mô toàn cầu…, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch Covid-19 từ y tế, sức khỏe, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, giáo dục đến quản lý, điều hành, vận hành một đất nước, một cơ quan, một nhà máy xí nghiệp, đưa ra dự báo xu thế tương lai.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH&CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác trong tình huống khác nhau từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa. “Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay, lực lượng y tế tại chỗ (bao gồm y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y), ứng dụng công nghệ và một số biện pháp khác để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
16:51 17/11/2021