Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 1

Sau cơn bão số 3 (Yagi), các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ người dân. Đây là một trong những đợt bồi thường thiệt hại lớn nhất trong những năm gần đây do hậu quả từ thiên tai. Theo các chuyên gia, điều này một lần nữa chứng tỏ bảo hiểm thực sự là một giải pháp phòng ngừa rủi ro hữu hiệu, giúp người dân giảm bớt khó khăn và sớm phục hồi sau khi gặp phải những rủi ro thiên tai; qua đó đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 2
Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 3

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt về thiên tai. Trong đó, bảo hiểm nông nghiệp là một trong những sản phẩm bảo hiểm quan trọng dành cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp, nhằm bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước các tác động của thiên tai như bão, hạn hán và lũ lụt.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 4

Theo bà Trần Phương Dung - Trưởng ban bảo hiểm Phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp có nhiều lợi ích cho nông dân khi giúp giảm cú sốc sinh kế khi các sự kiện rủi ro lớn xảy ra, có thể dẫn đến thiệt hại lớn và đẩy nông dân đến tình trạng túng thiếu cùng cực, hoặc phải đánh đổi để ứng phó với với rủi ro. Chẳng hạn như phải bán đồ dùng gia đình hoặc vật nuôi hoặc tài sản khác để bù đắp tổn thất.

Bảo hiểm nông nghiệp có thể bồi thường cho những nông dân khi xảy ra thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản với các rủi ro cụ thể được quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Khoản bồi thường này có thể giúp nông dân giải quyết được các nhu cầu hằng ngày như lương thực và thanh toán hóa đơn, khắc phục hậu quả làm ăn thua lỗ và thúc đẩy tái đầu tư để phục hồi sản xuất nhanh hơn.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 5

Ngoài ra, bảo hiểm nông nghiệp cũng có thể có tác động gián tiếp đến việc canh tác của nông dân nhờ giảm thiểu rủi ro của họ trong một chừng mực nhất định và như vậy, nông dân có thể tiếp cận các khoản vay, vật tư đầu vào để canh tác và các dịch vụ khác một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhờ giảm thiểu rủi ro, bảo hiểm cũng có tác động có lợi với ngân hàng, doanh nghiệp nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp cũng có thể được vận dụng như một hình thức bảo trợ xã hội và bổ sung cho các cơ chế cứu trợ thiên tai khẩn cấp khác.

Bảo hiểm nông nghiệp là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy thực hành nông nghiệp tốt, bao gồm tăng cường áp dụng các quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật phù hợp. Từ đó, không chỉ giúp tăng khả năng quản lý rủi ro mà còn nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất và hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 6

Còn đối với người lao động tự do, đặc biệt là với lao động nữ trong thời gian thai sản, nuôi con nhỏ, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng chính là một giải pháp bền vững để để bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi không còn đủ điều kiện để lao động, nhất là khi thiên tai xảy ra làm gián đoạn thời gian lao động.

Tháng 6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 với 14 nội dung trọng tâm, trong đó quan tâm, ưu tiên đến lợi ích, quyền lợi của người lao động hơn. Trao đổi về những điểm mới nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội cho biết: Lao động nam, lao động nữ khi tham gia bảo hiểm xã hội đều có cơ hội để hưởng chế độ thai sản. Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ không phải đóng thêm bất kỳ một khoản phí nào để được hưởng chế độ thai sản này.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 7

Nếu các trường hợp lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì lao động nam nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn được hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng chế độ thai sản là 2 triệu đồng/con; và theo quy định mới, con được 24 tuần tuổi thì người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản. Do vậy, chế độ thai sản này là một điểm hoàn toàn mới và rất phù hợp với các bạn trẻ nếu như chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng bổ sung điều kiện nếu đóng bảo hiểm 15 năm trở lên thì có đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí. Thời gian hưởng chế độ hưu trí, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm. Luật bảo hiểm xã hội cũng quy định về chuyển điều khoản giữa những người không đủ điều kiện hưởng hưu trí hàng tháng; tuy nhiên, người lao động đó đã có năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội, cho nên họ có thể hưởng chế độ hưu trí xã hội. Căn cứ vào thời gian đóng, mức đóng mà tính được thời gian hưởng hưu trí xã hội này. Nếu hưởng chế độ hưu trí hàng tháng sớm hơn 75 tuổi thì họ còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

“Đây là những quyền lợi rất rõ ràng và mới so với các luật trước đây. Luật bảo hiểm năm 2024 đẩy các quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội một cách cao hơn” - Bà Dương Thị Minh Châu nhấn mạnh.  

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 8

Để bảo hiểm thực sự trở thành “lá chắn” bền vững cho nông dân, người lao động tại Việt Nam, cần có giải pháp đồng bộ từ toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp bảo hiểm và người lao động.

Theo bà Trần Phương Dung - Trưởng ban bảo hiểm Phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị là một trong số các yếu tố chủ quan mang tính quyết định. Trong đó, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở đóng vai trò then chốt. Các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng về hỗ trợ, tuyên truyền, động viên thực hiện trong tổ chức thực hiện, đảm bảo chính sách ổn định lâu dài, không bị ngắt quãng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân - chủ thể chính và trọng tâm của chính sách; và đảm bảo cho các cấp chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp bảo hiểm thuận lợi tổ chức thực hiện.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 9

Để thu hút người nông dân tham gia bảo hiểm, bà Trần Phương Dung cho rằng, xây dựng cơ chế phối hợp giữa người nông dân cần vay vốn với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài chính, khả năng phục hồi sau tổn thất.

Quan trọng nhất, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và lợi ích của bảo hiểm. Thông qua các chương trình tuyên truyền, các kênh truyền thông, có thể giúp người dân hiểu rõ hơn về bảo hiểm và khuyến khích họ tham gia bảo hiểm để bảo vệ bản thân và gia đình trước các rủi ro.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 10

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội cho rằng, cách thức truyền thông phải liên tục thay đổi để tiếp cận đến nhiều đối tượng và hiệu quả nhất. Bên cạnh việc người làm bảo hiểm phải đến tận nơi, họ cần sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng. “Truyền thông phải mang tính chất nhẹ nhàng, linh hoạt hơn thông qua podcast, video ngắn để đưa các nội dung truyền thông một cách đơn giản nhất” – bà Châu nói. Đặc biệt, phải chọn truyền thông qua các mạng xã hội phù hợp với từng độ tuổi. Ví dụ làm các video ngắn về hưởng chế độ thai sản sẽ hiệu quả hơn trên Tiktok để mang tính chất gợi mở phù hợp với từng đối tượng.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 11

Cũng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, để phát triển thị trường bảo hiểm, cần cải thiện hệ thống pháp lý liên quan đến bảo hiểm, đặc biệt là việc điều chỉnh các quy định pháp luật sao cho linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và cung cấp những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tài chính để tạo ra các sản phẩm tài chính tích hợp, giúp tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường sự quản lý và giám sát của nhà nước đối với các hoạt động bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, để bảo hiểm thực sự là “bệ đỡ” an sinh cho người lao động.

Bài cuối: Để bảo hiểm là “bệ đỡ” an sinh xã hội bền vững - Ảnh 12

15:17 30/10/2024