


Tình trạng dự án, quy hoạch về bãi đỗ xe bị chậm tiến độ, ngừng triển khai diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa bàn tại Hà Nội. Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ có hơn 1.600 bãi đỗ xe công cộng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 96 dự án được đầu tư xây dựng. Trong số này, cũng mới có 18 dự án hoàn thành.
Một nghiên cứu khác cho thấy, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện ở mức thấp, đạt 0,5% trong khi tốc độ gia tăng phương tiện là gần 5%. Tình thực trạng thiếu nơi đỗ xe, người dân phải tự xoay sở, tìm kiếm chỗ vì thế luôn hiển hiện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đề xuất ý tưởng, dùng một số trụ sở dôi dư xây dựng nhà đỗ xe thông minh sẽ kết hợp làm trạm sạc và thư viện mini, có khu vực để người dân đọc sách khi chờ sạc điện. Đề xuất này được đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đưa ra khi góp ý về nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong phiên thảo luận sáng 18/6 tại Quốc hội.

“Nhu cầu đỗ xe ở các đô thị rất lớn nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đang thiếu so với quy định. Nhiều nhà đỗ xe thông minh nhỏ sẽ hiệu quả hơn vài bãi đỗ xe lớn do người dân ngại để xe xa nơi ở, nơi làm việc”, ông Nguyễn Văn Cảnh nêu.
Vị đại biểu cho biết, ở các thành phố lớn trên thế giới, các nhà đỗ xe công cộng được xây dựng trong phạm vi đi bộ, có nơi cách nhau chỉ vài trăm mét và đây là thời điểm thích hợp để dành một số lượng phù hợp các trụ sở dôi dư để xây dựng các nhà đỗ xe thông minh, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, giải quyết tình trạng đỗ xe sai quy định, góp phần chỉnh trang đô thị.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần phát triển nhanh trạm sạc để đẩy nhanh xu hướng sử dụng xe điện. Ngoài ra, ông cũng nêu thực tế phát triển văn hóa đọc đang được khuyến khích nhưng nhiều người không có quỹ thời gian dành cho đọc sách. Ông Nguyễn Văn Cảnh đề nghị dùng một số trụ sở xây dựng nhà đỗ xe thông minh sẽ kết hợp làm trạm sạc và thư viện mini có khu vực giải khát để người dân có không gian đọc sách khi chờ sạc điện.
Trước đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cũng phản ánh thực tế tài sản công, trụ sở làm việc dôi dư bị bỏ hoang, thiếu sự bảo quản của các cơ quan gây hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng, để không trong suốt một thời gian dài tại tất cả tỉnh, thành phố mà chưa được xử lý. Việc này đã tạo những bất bình trong xã hội, đặc biệt là những trụ sở dôi dư ở các trung tâm thành phố lớn.

Để giải cơn “khát” bãi đỗ xe, nhiều ý kiến kiến nghị phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chỉ tiêu quy hoạch, diện tích khai thác thương mại để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư bãi đỗ xe.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định, có một số thuận lợi để chúng ta có thể giải quyết được vấn đề thiếu bãi đỗ xe. Thứ nhất, trong Luật Đất đai mới, quy định về không gian ngầm cũng là một phương thức khai thác sử dụng đất, được cấp quyền sử dụng đất. Khi được cấp quyền sử dụng đất, đơn vị doanh nghiệp họ có quyền thế chấp, thừa kế, sang tên… Đây là cú hích mới.

Thứ hai là hiện nay, chúng ta đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhưng mà khoa học kỹ thuật ứng dụng cho bến bãi đỗ xe nhiều tầng thì còn ít. Hà Nội cũng cần tăng cường nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật này cho doanh nghiệp.
Đề xuất thêm giải pháp, TS Đào Ngọc Nghiêm nói: "Cần có những định hướng mới, đột phá mới. Sau quy hoạch chung được Quốc hội góp ý, sắp tới được Thủ tướng duyệt, thì cần phải điều chỉnh, lập lại quy hoạch bến bãi đỗ xe. Mặc dù đã có quy hoạch từ trước nhưng chúng ta vẫn phải làm lại quy hoạch này để cho phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có ưu đãi về chính sách nguồn lực để thực hiện. Điều này trong Luật Thủ đô 2024 cũng đã có đề cập và HĐND TP Hà Nội cần phải cụ thể hóa ưu đãi là những gì: thuế, cho vay, không thu tiền sử dụng đất, hay đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để công nhận quyền sử dụng đất của các bến bãi đỗ xe…".
Theo Tiến sỹ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, việc thiếu quy hoạch và chính sách rõ ràng, cũng như sự thiếu phối hợp giữa các bên liên quan, là một trong những "nút thắt" khiến các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao ở Hà Nội bị đình trệ.
Đây là một trong những “nút thắt” khiến các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao bị đình trệ. Muốn giải bài toán thiếu bãi đỗ xe, Hà Nội cần gỡ nút thắt này theo hướng hài hòa lợi ích của các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ trông giữ xe.
“Tôi cho rằng chúng ta không nên khóa chặt giá trần phí gửi xe mà nên để thuận mua vừa bán. Mức phí trông giữ xe ở những vị trí khác nhau có thể khác nhau. Khi đó, có thể người ta không đầu tư làm khách sạn nữa mà họ sẽ làm bãi giữ xe”, ông Khương Kim Tạo chia sẻ.

Cùng với cơ chế chính sách đặc thù đối với các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, vấn đề quan trọng là khung giá dịch vụ trông giữ xe cần được điều chỉnh phù hợp với thị trường nhằm đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và an sinh xã hội:
Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là việc phải quy định mức giá theo thị trường nhưng Nhà nước có những ưu đãi nên cũng sẽ có những quy định về giá cho phù hợp. Nó phải là giá được điều chỉnh hàng năm. Định mức thay đổi có thể quy định trước theo các điều khoản thống nhất giữa nhà đầu tư và Thành phố. Cơ chế này phải đáp ứng đủ chi phí quản lý, vận hành, khấu hao cho các bãi đỗ xe.

Theo báo cáo của TP Hà Nội, trên địa bàn có 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ và ban hành kế hoạch để xử lý, giải quyết. Trong số 712 dự án chậm tiến độ, 420 dự án với tổng diện tích khoảng 9.095 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật; 292 dự án với tổng diện tích khoảng 2.337 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng.

Hà Nội cũng đã đưa công tác quản lý đất đai vào kế hoạch phòng, chống lãng phí của năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, Hà Nội tập trung vào 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị xử lý, thực hiện trong Quý II, III. Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, thực hiện trong năm 2025...
Bên cạnh tập trung xử lý tồn tại các dự án đầu tư ngoài ngân sách, Hà Nội cũng tăng cường xử lý nhà, đất công bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả. Hà Nội giao giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND TP quyết định thu hồi để xử lý đất và tài sản gắn liền với đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để cải thiện tình hình giao thông tĩnh và giảm áp lực từ phương tiện cơ giới. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng phải đạt từ 20% - 26% đối với đô thị trung tâm, diện tích cho giao thông tĩnh phải đạt 3 - 4%. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 12,13%, đáng nói diện tích dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1%.

Thành phố đã thông qua Đề án Giao thông Thông minh vào cuối 2024, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, 2025-2027: hình thành nền tảng; Giai đoạn 2, 2027-2029: mở rộng; Giai đoạn 3, sau 2030: phát triển bền vững, nhằm quản lý giao thông hiệu quả hơn, bao gồm cả giao thông tĩnh.
Đặc biệt, Hà Nội đang tính đến việc khoanh vùng hạn chế phương tiện giao thông tại các “vùng phát thải thấp” (LEZ) từ năm 2025, theo dự thảo Nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024. Dự kiến, 12 quận nội thành (cũ), với trọng tâm là quận Hoàn Kiếm (cũ) sẽ thí điểm hạn chế xe máy và ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoàn toàn xe máy tại các quận vào năm 2030 (theo Nghị quyết HĐND TP Hà Nội từ 2017).
Để hỗ trợ lộ trình này, thành phố đang ưu tiên phát triển vận tải công cộng: các tuyến xe buýt sạch giá rẻ, kết nối với metro (như tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thiện giai đoạn 1 vào 2025-2026), đồng thời tăng phí đỗ xe tại trung tâm để khuyến khích người dân chuyển sang phương tiện công cộng.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội (cũ) cũng phối hợp với Sở Tài chính điều chỉnh cơ chế giá đỗ xe theo Luật Giá 2023, dự kiến hoàn thành trong nửa đầu 2025, nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) cũng đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đưa ra khỏi quy hoạch các vị trí khó khả thi về tổ chức thực hiện.
Với Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua có nhiều cơ chế mới thay thế Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Cụ thể, miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, doanh nghiệp được dành 30% diện tích sàn để làm các dịch vụ chung quanh khu vực bãi đỗ xe…
Hy vọng rằng, những chủ trương mới của Luật Thủ đô 2024 sẽ sớm được thành phố cụ thể hóa thành các chính sách để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân trên địa bàn.

