>>> Bài 1: Điều kiện tiên quyết để phát triển toàn diện
>>> Bài 2: Tạo nguồn lực, thêm cơ hội phát triển
>>> Bài 3: Xương sống của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô
>>> Bài 4: Kích hoạt chuỗi đô thị, nhân giá trị đất đai
Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, hấp dẫn nhà đầu tư, vốn Nhà nước cần chiếm tỷ trọng cao hơn hẳn.
Bố trí vốn theo dự án thành phần
Theo tính toán tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được trình lên Quốc hội, tổng mức đầu tư cho dự án vào khoảng 85.813 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư 19.590 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, việc triển khai đầu tư dự án trong bối cảnh hiện nay không thể trông chờ toàn bộ nguồn lực đầu tư công bằng vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP. Tuy nhiên do suất đầu tư quá lớn nên cần có những cơ chế cụ thể, hấp dẫn nhà đầu tư. Do đây là dự án giao thông có tính liên vùng, vì vậy việc sử dụng ngân sách T.Ư hỗ trợ, cùng ngân sách địa phương tham gia với nhà đầu tư là điều kiện quan trọng đảm bảo tính khả thi cho dự án.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, cùng một lúc huy động gần 86.000 tỷ đồng rót cho dự án là bất khả thi. Bởi vậy nên hình thành các dự án thành phần, tương ứng với đó là một cơ cấu vốn linh hoạt, đa dạng tương tự như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đang thực hiện. “Theo nghiên cứu, dự án sẽ có 7 dự án thành phần, sử dụng ba nguồn vốn chính là: Ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương và hợp tác công - tư. Với mỗi loại hình vốn, lại cần bố trí hợp lý theo từng giai đoạn, từng thành phần dự án để phù hợp với nguồn lực thực tế của T.Ư, địa phương cũng như DN đối tác” - Thạc sĩ Phan Trường Thành nêu ý kiến.
Đặc biệt, với tổng mức đầu tư rất lớn, khả năng huy động nguồn lực của các DN bên ngoài tham gia không hề dễ. Nếu đòi hỏi DN phải đảm bảo tối thiểu 50% vốn đối ứng cho dự án (khoảng 43.000 tỷ đồng) sẽ rất khó khăn; mặt khác phương án tài chính để nhà đầu tư thu hồi vốn cũng sẽ rất khó tính toán. Do đó, cần đề xuất phần nguồn vốn nhà nước tham gia đạt trên 60% tổng mức đầu tư mới đảm bảo tính khả thi, hấp dẫn được các nhà đầu tư.
UBND TP Hà Nội đã trình Chính phủ kế hoạch vốn cụ thể cho dự án với tỷ lệ: vốn ngân sách T.Ư là 28.173 tỷ đồng (33%); vốn ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng (33%); vốn BOT 29.447 tỷ đồng (34%). Trong đó, vốn ngân sách từ T.Ư và địa phương sẽ được rót theo hai giai đoạn, vốn BOT triển khai một lần.
Trước mắt, nguồn vốn ngân sách địa phương cho giai đoạn 1 của dự án đã được HĐND TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thông qua. Đó là tín hiệu rất tích cực đối với dự án. Vấn đề cần xem xét lúc này là việc bố trí nguồn vốn ngân sách T.Ư cũng như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối tác công - tư để kiện toàn kế hoạch vốn tổng thể cho dự án.
Liên quan đến nguồn vốn ngân sách T.Ư, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ, trình lên Quốc hội xem xét cho điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, điều chuyển số vốn 14.250 tỷ đồng (đã bố trí cho Bộ GTVT) về các địa phương, phục vụ triển khai dự án Vành 4 - Vùng Thủ đô.
Đầu tư phải hiệu quả
Các chuyên gia cho rằng, việc huy động vốn cho dự án đã rất khó khăn, việc sử dụng sao cho hiệu quả, tránh đội vốn, chậm tiến độ lại càng khó khăn hơn. Thạc sĩ Phan Trường Thành phân tích, hiện đơn giá định mức về vật liệu, nhân công đang biến động liên tục, có xu hướng tăng cao nhanh chóng. Cần sớm triển khai dự án để tránh đội vốn do trượt giá. Việc đội vốn không chỉ làm tốn kém thêm tiền bạc mà còn phải trải qua nhiều khâu thủ tục phức tạp, sẽ khiến dự án chậm trễ không ít.
Tuy nhiên, với một dự án lớn như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các chuyên gia nhìn nhận, sẽ khó tránh khỏi việc phát sinh thêm đòi hỏi về vốn. Do đó, Quốc hội cần xem xét, tạo điều kiện cho sử dụng linh hoạt vốn ngân sách T.Ư cũng như địa phương; cho phép địa phương điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư công trung hạn do phải tăng thêm suất đầu tư cho dự án đặc biệt quan trọng này.
Bên cạnh đó, các địa phương phải cam kết bố trí ngân sách cho phần vốn phát sinh tăng thêm tại các dự án thành phần (nếu có). Việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực ứng phó với mọi tình huống phát sinh sẽ giúp các bên triển khai dự án chủ động, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo hiệu quả suất đầu tư của mình.
Một vấn đề khác được dư luận rất quan tâm là nội dung hợp tác công - tư, loại hợp đồng BOT trong thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Theo nghiên cứu ban đầu, nhà đầu tư sẽ góp 34% tổng số vốn, rót trực tiếp vào dự án thành phần số 3: Đầu tư xây dựng phần đường cao tốc. Nhà đầu tư sẽ được thu phí trong 21 năm.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, trong khi loại hình hợp đồng BT - đổi đất lấy hạ tầng đã tạm dừng triển khai, phương thức BOT là khả thi nhất. Tuy nhiên Quốc hội, Chính phủ và các địa phương cũng có thể xem xét thêm những phương án khác để huy động nguồn lực cho dự án mang tầm chiến lược - Vành đai 4. Hiện dọc theo tuyến đường còn có quỹ đất không nhỏ, tiềm năng khai thác khi được kết nối với xương sống giao thông Vùng Thủ đô là cực kỳ lớn.
Giá trị của quỹ đất này sẽ tăng rất cao, nếu không có chính sách tận dụng phù hợp sẽ là lãng phí nguồn lực đồng thời có thể vấp phải vướng mắc khó khăn trong khâu GPMB. Bởi Vành đai 4 được xác định là xương sống của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô, hướng đột phá chiến lược để nâng tầm vị thế đầu tầu kinh tế Bắc Bộ, đánh thức tiềm năng còn “say ngủ” của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng như nhiều tỉnh, TP khác. Càng sớm hoàn thành dự án, hiệu quả đầu tư càng rõ rệt, mạnh mẽ.
Sau hơn 10 năm chờ đợi, hơn lúc nào hết Nhân dân Vùng Thủ đô đang rất ngóng chờ dự án được bắt tay vào xây dựng. Tin rằng với quyết tâm và những hành động thiết thực của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, Vành đai 4 sẽ cán đích trước năm 2030, trở thành động lực và cơ hội phát triển cho Vùng Thủ đô.
Để hấp dẫn các nhà đầu tư đồng thời tăng thêm nguồn lực, có thể xem xét cho DN đầu tư vào quỹ đất dọc tuyến Vành đai 4, ưu tiên các DN là đối tác của dự án. Việc sử dụng đất cũng có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như vị trí cụ thể, hoặc cho phép xây dựng các cụm công nghiệp, sản xuất, hoặc đầu tư các khu đô thị mới.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, chuyên gia giao thông