Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của Sơn La là rất lớn, trong đó khu vực miền núi có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi. Đây là nguồn tài nguyên du lịch rất lớn nhưng hiện tại vẫn chưa được khai thác triệt để.
Khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng ở Sơn La hiện nay ngoài giao thông, hạ tầng đường sá đi lại chưa đồng bộ thì công tác xúc tiến thương mại du lịch cũng còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm du lịch cũng còn đơn sơ, manh mún. Trong khi hoạt động liên kết, kết nối giữa Sơn La với các tỉnh, TP trong đó có Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành còn yếu. Điều này là những hạn chế cản trở sự phát triển của du lịch cộng đồng ở Sơn La. Thực tế, thời gian qua, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng chưa nhiều.
Do đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đầu tư, phát triển, hỗ trợ các hộ dân, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần tiếp cận các phương thức quảng bá, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút khách. Mỗi cơ sở phải luôn luôn tìm tòi, đổi mới, đa dạng các sản phẩm thì mới níu chân được du khách đến tham quan, trải nghiệm và ở lại lâu hơn. Đừng nghĩ đơn giản khách du lịch đến chỉ ăn, ngủ mà không có sản phẩm đa dạng để trải nghiệm thì họ sẽ rất nhanh chán.
Phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vừa rồi, Bộ NN&PTNT có tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, du lịch cộng đồng rất phù hợp, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc lại hỗ trợ tích cực cho phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, bảo tồn được các không gian văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Đây là một loại hình rất mới và du khách rất thích tìm đến những bản còn nguyên sơ, giữ được giá trị đó để khám phá, trải nghiệm.
Du lịch cộng đồng cũng tạo được sinh kế cho người dân. Đặc biệt là khi sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa, hàng thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc trước đây chỉ tự sản xuất, tự cung tự cấp nhưng khi phát triển du lịch thì nó sẽ thành một sản phẩm du lịch để phục vụ khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đáng nói, phát triển du lịch cộng đồng cũng góp phần nâng tầm dân trí lên vì khi người dân được va vấp, trải nghiệm, tham gia làm du lịch, nhận thức về học tập và lao động rất khác. Trước những khó khăn về nguồn lực hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng, vừa rồi HĐND tỉnh Sơn La ban hành Nghị quyết 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026.
Khi đó, mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới sẽ nhanh hơn, bền vững hơn. Hàng năm, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân vốn để cải tạo cảnh quan, đầu tư hạ tầng thiết yếu để phát triển du lịch, đặc biệt là các hộ dân có nhu cầu, nguyện vọng phát triển du lịch ở những bản nằm trong quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân về công nghệ thông tin, lắp đặt wifi miễn phí, đào tạo, đi tham quan, học tập các mô hình để ứng dụng vào thực tế.
Định hướng của tỉnh Sơn La là phát triển các sản phẩm vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa phục vụ du lịch. Ví dụ nông sản, trước đây 100ha mận của khu Nà Ka, Mộc Châu chỉ trồng để thu hoạch quả, giá trị kinh tế không cao. Tuy nhiên, khi mở cửa cho tham quan thì khách du lịch rất thích. Vào mùa hoa, có dịch vụ ngắm hoa chụp ảnh hay tổ chức giải chạy marathon đường mòn chạy qua vườn mận. Đến mùa quả thì tổ chức Ngày hội hái quả cho khách tham quan trực tiếp hái, thưởng thức và mua những trái mận tươi ngon trong vườn.
Tỉnh Sơn La xác định, vùng phát triển du lịch cộng đồng tập trung vào các khu trọng điểm như: Khu du lịch vườn quốc gia Mộc Châu gồm hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ; vùng lòng hồ thủy điện Sơn La gồm 3 huyện Quỳnh Nhai, Mường La và Thuận Châu; TP Sơn La hay huyện Bắc Yên có điểm du lịch nổi tiếng như săn mây Tà Xùa, sống khủng long. Đặc biệt, tại huyện Yên Châu vừa mới phát hiện những bản làng nguyên sơ rất đẹp với trên 100 ngôi nhà sàn cổ, hàng rào là những rặng cây xanh, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi với thiên nhiên.
Hua Tạt cách Hà Nội không xa, sáng 7 – 8 giờ khách xuất phát từ Hà Nội lên vẫn kịp ăn trưa nên chúng tôi có thêm dịch vụ phục vụ ăn uống cho khách. Tuy nhiên, tôi chỉ dám nhận phục vụ từ 15 – 20 mâm, vì tham quá không chăm sóc được sẽ mất khách. Hơn nữa, nhân viên phải chạy ra chạy vào rất vất vả, không muốn gắn bó lâu dài với mình. Ngày trước, có những đợt cuối tuần, gần 200 khách tập trung ăn uống ở A Chu homestay, khiến cho việc phục vụ khách quá tải lại không được như mong đợi của khách.
Hiện nay, một số hộ ở Hua Tạt cũng đang phát triển triển mô hình du lịch cộng đồng, trở thành những mắt xích tốt trong chuỗi liên kết của địa phương. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, một số hộ chán nản không muốn sửa chữa nhà cửa, dù đầu tư khá cao. Làm homestay phải cực kỳ yêu nó, giống như nuôi bò sữa, phải chăm chút cho nó sạch sẽ, ăn uống đủ đầy thì bò mới cho sữa đều đặn chứ không thể vắt mãi hết sữa mà không tái đầu tư.
Sau dịch Covid-19, việc tu sửa homestay của bà con chững lại, một số hộ quay lại con đường làm nương, làm rẫy khiến tôi thấy rất buồn. Tôi có nói với họ: Nếu hộ nào muốn làm du lịch homestay lâu dài, cho cả đời con cháu, thì A Chu sẽ tư vấn miễn phí từ A đến Z, thậm chí có thể đến ăn ở nhà A Chu để học cách bài trí, nấu nướng, phục vụ khách. Nhưng nếu chỉ làm như trước, xây dựng xong căn homestay rồi bán lại cho doanh nghiệp khác thì sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn của những người xung quanh, làm họ mất niềm tin vào mô hình này. Hơn nữa, bán xong nhà, có trong tay một đống tiền nhưng ngày sau là hết, lại rơi vào cảnh trắng tay.
Thời gian qua, du lịch phục hồi đáng kể, khi khách đông, chúng tôi điều phối đưa về một số hộ làm homestay trong bản thì gặp rắc rối là họ ngại ngùng, không bộc lộ được khả năng giao tiếp. Thế là khách lại chọn về ở khách sạn bởi giá tiền tương đương. Homestay nhiều khi không có điều kiện tốt, tiện nghi như khách sạn, nếu không niềm nở giao tiếp với khách thì tất nhiên lượng khách đến sẽ ngày càng ít. Có tiền tỷ đầu tư làm homestay nhưng phải học cách quản lý, phục vụ và kỹ thuật làm du lịch. Bởi nếu dịch vụ không tốt, khách chỉ đến vài hôm rồi bỏ, khi ấy tự mình sẽ dìm chết mình.
Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 có các hoạt động chính gồm: Cung cấp vật tư khoa học kỹ thuật; tư vấn nông nghiệp cho nông dân; chế biến nông sản; tận dụng phế phẩm nông nghiệp để chăn nuôi; sản xuất rau sạch và phát triển du lịch nông nghiệp.
Phát triển du lịch nông nghiệp có 3 lợi ích chính. Thứ nhất, người nông dân khi làm du lịch, có khách đến tham quan, họ sẽ tự điều chỉnh mình tốt hơn ví dụ ăn mặc đỡ luộm thuộm, trồng cây thẳng hàng lối hơn để tạo cảnh quan đẹp, hút khách. Lợi ích thứ hai là người nông dân bán được sản phẩm mà mình sản xuất ra trên đồng ruộng. Thứ ba là thông qua du lịch sẽ phát triển các ngành nghề truyền thống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 phát triển du lịch từ năm 2014, xây dựng cả hệ thống cơ sở lưu trú, nơi khách du lịch có thể thưởng thức các đặc sản dân tộc như khoai luộc, ngô luộc hoặc xôi, món ăn dân dã do chính bà con ở đây làm ra. Ban ngày, các đoàn khách có thể chọn đi thăm vùng sản xuất của Hợp tác xã, mua con gà, mớ rau của người dân về tự chế biến hoặc nếu không biết chế biến thì có nhân viên làm giúp.
Vòng quay đó kết nối các yếu tố, lĩnh vực thành chuỗi khép kín và bổ trợ lẫn nhau. Do đó, trong hai năm dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp khác “ốm” rất nặng nhưng Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 chỉ “hắt hơi sổ mũi”. Hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách du lịch đến khá ổn định, cho doanh thu tốt.
Với người nông dân đồng bào dân tộc, triển khai cái gì là phải hết sức cụ thể, nếu trồng cây không đạt yêu cầu, hiệu quả thấp, không có đầu ra là họ chặt ngay. Do đó khi đưa các hộ dân vào làm du lịch phải tính toán rất kỹ và cam kết về đầu ra cho họ. Kể cả tổ chức các tiết mục văn nghệ phục vụ khách du lịch, mình thành lập đội cũng phải bố trí biểu diễn, có kinh phí trả công, dù 50.000 – 70.000 đồng/buổi nhưng các cháu rất hăng hái tham gia.
Du lịch nông nghiệp “trói” các chuỗi lại với nhau, liên kết được thì doanh nghiệp mới tồn tại được. Như chưa đến mùa chế biến trái cây này thì phải đi sản xuất cái khác, thậm chí có lúc cán bộ Hợp tác xã phải mổ gà, mổ lợn đóng đá cấp đông phục vụ khách mang về Hà Nội.
07:00 05/11/2022