Tiến trình phát triển của đô thị Huế

Bài cuối: Thành phố Huế mở rộng: Cơ hội và thách thức

Anh Tuấn (Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chiếc áo" đô thị Huế đã chật chội. Năm 2021, “các nhà may đo” đã sắm cho TP Huế "chiếc áo" rộng hơn... Huế được mở rộng gấp nhiều lần, mở ra nhiều cơ hội phát triển xen lẫn đó là một số thách thức.

>>>Bài 1: Dưới thời các chúa Nguyễn

>>> Bài 2: Quy hoạch dưới triều Nguyễn

>>> Bài 3: “Phố Tây” lộ diện, thị xã Huế ra đời

Ngày 1/7/2021, trở thành dấu mốc lịch sử của hàng trăm nghìn người dân Thừa Thiên Huế khi “sau một đêm họ trở thành dân thành phố”. Đó là một trong số những câu chuyện “tếu” của người dân Huế thời điểm ấy khi TP Huế chính thức được mở rộng. Sau điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, TP Huế có 265,99km2 diện tích tự nhiên (tăng 3,76 lần so với trước đây), dân số 652.572 người (tăng 1,8 lần).

TP Huế sẽ đánh giá lại quy hoạch khu vực Cồn Hến để có sự điều chỉnh phù hợp với phát triển bền vững.
TP Huế sẽ đánh giá lại quy hoạch khu vực Cồn Hến để có sự điều chỉnh phù hợp với phát triển bền vững.

Thành phố hướng biển

Sau ngày 1/7/2021, điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, TP Huế, Thuận An là thị trấn biển được sáp nhập vào TP Huế. Đô thị Huế từ đây trải dài từ vùng núi non đến đầm phá, biển cả.

Vùng đô thị “kinh tế mở” ở phía Đông TP, với tầm nhìn hướng ra biển, lợi thế của thiên nhiên trong lành, mát mẻ, vùng đô thị này sẽ xây dựng các khu kinh tế hiện đại, các khu giao lưu buôn bán và dịch vụ du lịch.

Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục phát vai trò động lực của kinh tế biển và đầm phá.

Theo đó, cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển du lịch và dịch vụ biển; Hoàn thành đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cao tốc nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Xây dựng hạ tầng một số bãi biển du lịch. Phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ biển, năng lượng tái tạo. Gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển các đô thị nghỉ dưỡng ven biển. Đổi mới cơ chế quản lý, khai thác sau đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như du lịch, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển.

So với các bãi biển khác trong tỉnh Thừa Thiên Huế, Thuận An có nhiều lợi thế hơn cả về mặt địa lý (gần trung tâm TP Huế), sự đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật.

Tuy nhiên, cho đến nay, Thuận An chủ yếu phục vụ khách tắm biển trong ngày, khách trong tỉnh mà chưa thực sự trở thành một đô thị nghỉ dưỡng thu hút khách trong nước và quốc tế.

Cảng cá Thuận An đang từng bước hoàn thiện quá trình đầu tư nâng cấp để trở thành cảng cá loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão với diện tích 4,9ha và vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Theo đó, cảng sẽ có năng lực đón 120 lượt tàu/ngày, cỡ tàu lớn nhất được ra vào cảng là 700 CV, lượng thủy sản qua cảng khoảng 20.000 tấn/năm.

Mới đây, ngày 26/3, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Dự án đầu tư đường bộ ven biển, cầu qua cửa Thuận An với tổng mức đầu tư hoàn thiện là 3.496 tỷ đồng.

Dự án sẽ hình thành tuyến đường du lịch ven biển đi dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, vị trí xây dựng tuyến đi vào gần bờ biển hơn (cách bờ biển không quá 1km, cục bộ không đi xa biển quá 2km).

Công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân tại các xã ven biển nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Đồng thời, kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia đã quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam và tăng tính kết nối đến các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung.

TP Huế nhìn từ trên cao.
TP Huế nhìn từ trên cao.

Quy hoạch “tả Thanh long, hữu Bạch hổ”

Cồn Hến và Cồn Dã Viên là hai thực thể có yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử gắn với cảnh quan sông Hương, cấu trúc đô thị Huế.

Từ năm 1998, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định quy hoạch tổng thể khu vực Cồn Hến để xây dựng khu du lịch sinh thái và dịch vụ giải trí cấp cao. Đến cuối tháng 6/2015, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) xây dựng khu du lịch, dịch vụ cao cấp Cồn Hến, gồm diện tích đất 23,8ha và mặt nước 2,6ha.

Theo quy hoạch này, khu vực Cồn Hến sẽ xây dựng trung tâm công cộng kết hợp dịch vụ (khoảng 13.297m²); khu chức năng hỗn hợp; khu du lịch dịch vụ (7.984m²) nằm ở phía Nam Cồn Hến; khu nghỉ dưỡng cao cấp (74.367m²) và quảng trường hơn 16.800m²... Đến nay, sau gần 20 năm dự án vẫn chỉ là quy hoạch, ảnh hưởng lớn đến hơn 1.000 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu sống ở đây.

Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khu vực Cồn Hến đã được quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch cao cấp để tạo điểm nhấn trong phát triển đô thị Huế. “Với quyết tâm của tỉnh, chúng tôi cùng UBND TP Huế đã tổ chức kêu gọi nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu phát triển dự án. Tuy nhiên, do khối lượng đền bù giải phóng mặt bằng của khu vực Cồn Hến khá lớn nên ảnh hưởng đến khâu tiếp cận dự án của nhà đầu tư” - ông Nguyễn Đại Vui cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Đại Vui, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức lập hệ thống quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh giao UBND TP Huế xem xét, đánh giá lại quy hoạch khu vực Cồn Hến để có sự điều chỉnh phù hợp với phát triển bền vững.

Đối với khu vực cồn Dã Viên, đang hình thành một khu khu công viên cây xanh kết hợp dịch vụ văn hóa với mục tiêu khai thác cồn Dã Viên, đảm bảo tính cộng đồng và góp phần bảo tồn những giá trị cảnh quan đẹp, độc đáo. Đặc biệt là vườn thiên niên kỷ, nơi những cánh chim về, để phát huy hơn nữa giá trị sinh thái, cảnh quan thiên nhiên hiện có ngay tại vùng lõi trung tâm đô thị.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến tới phục hồi vườn thượng uyển hoàng gia của triều Nguyễn, tái sử dụng nhà máy nước, tháp nước vốn có để sử dụng như một công trình giáo dục văn hoá mang hình thức trải nghiệm.

Phối cảnh cầu vượt cửa Thuận An, thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phối cảnh cầu vượt cửa Thuận An, thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bám sát các giá trị truyền thống

Ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, trong quá trình xây dựng quy hoạch và triển khai chỉnh trang đô thị, Huế cần bám sát theo hướng bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, tận dụng và phát huy tối đa các nguồn tài nguyên, tiềm năng cảnh quan thiên nhiên đã ưu đãi, xây dựng, phát triển du lịch sinh thái, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo riêng của Huế nhằm thu hút khách du lịch.

Để sớm được thực hiện không gian đô thị Huế, chính quyền cần phải hoàn thành giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, từ đó hình thành các không gian cộng đồng.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai, sớm hoàn thành quy hoạch, khai thác không gian hai bờ sông Hương, tạo điểm nhấn, các tiện ích đô thị phục vụ du khách và người dân. Và Huế cần sớm được xây dựng không gian quảng trường trung tâm…

Song song với đó, chính quyền TP Huế cần tập trung đẩy mạnh mô hình kinh tế về đêm, khu vực bờ bắc TP Huế vốn đã “ngủ sớm”, do vậy nên đẩy nhanh, sớm đưa vào hoạt động khu phố đêm Hoàng thành Huế, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí về đêm phục vụ du khách.

Cồn Dã Viên đang hình thành một khu công viên cây xanh kết hợp dịch vụ văn hóa.
Cồn Dã Viên đang hình thành một khu công viên cây xanh kết hợp dịch vụ văn hóa.

“Phố đêm khu vực Hoàng thành Huế” với không gian phía ngoài Hoàng Thành gồm 4 trục đường xung quanh Đại Nội Huế là: Đường 23 Tháng 8, Đặng Thái Thân, Lê Huân và Đoàn Thị Điểm. Hiện UBND TP Huế đã chỉnh trang 4 tuyến đường này vào hoạt động từ ngày 22/4.

Khu phố đêm Hoàng thành Huế đưa vào hoạt động sẽ đem đến cho du khách các loại hình diễn xướng, trải nghiệm các trò chơi dân gian, các nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực Huế… Khu phố đêm có 28 quầy hàng và 4 khu vực diễn ra các hoạt động văn hóa trải nghiệm sẽ đưa du khách trải nghiệm một không gian Huế xưa yên bình, hoài cổ.

Ở Huế có các vùng xung quanh trung tâm TP với những chiều hướng phát triển khác nhau. Vùng đô thị cổ ở phía Bắc sông Hương bao gồm cả khu vực quần thể di tích cố đô ở phía Đông Bắc TP. Đây là khu vực phân bố dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa… nên cần phát triển theo hướng quy hoạch bảo tồn, trùng tu để phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị kinh tế du lịch là chính.

Đối với vùng Tây Nam, nơi có các vùng di tích lịch sử, tôn giáo. Vùng này bao gồm hệ thống các chùa chiền, đền miếu, đàn Nam Giao, lăng tẩm các vị vua, chúa nhà Nguyễn… nên quy hoạch vùng này theo hướng chú trọng màu xanh của thiên nhiên, tượng đài, biểu tượng, di tích để biến nơi đây thành khu du lịch tôn giáo và huyền bí.

Ngoài ra, chính quyền cần tạo các không gian đô thị hợp lý để đảm bảo tầm nhìn về phía tường thành và các cổng thành. Tăng cường quản lý chặt chẽ khu vực tiếp giáp khu vực di tích, để đảm bảo tính thẩm mỹ đô thị, nhằm hạn chế những công trình xây dựng không đúng theo quy hoạch, những màu sắc tương phản, những khối bê tông làm ảnh hưởng đến cảnh quan di sản.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay trên sông Hương có 129 thuyền rồng theo kiểu cũ gồm 54 thuyền đôi và 75 thuyền đơn, hoạt động theo mô hình hợp tác xã, 4 du thuyền đóng mới năm 2018 của Công ty Du lịch HRS, ngoài ra có 4 thuyền vừa mới đóng xong và đang hoàn tất thủ tục đăng kiểm chuẩn bị vận hành của Công ty TNHH MTV Khắc Hùng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc, phần lớn các mẫu thuyền đóng từ đầu những năm 1990 là thuyền rồng đơn hoặc thuyền đôi đóng từ vật liệu gỗ, được trang trí bằng khung vỏ nhôm kính, đều là sở hữu của các hộ gia đình, nhiều chiếc thuyền du lịch cũng chính là nơi ở sinh hoạt hàng ngày của người dân kết hợp với phục vụ du lịch.

Gần đây do thiếu sự đầu tư tiện nghi, nội thất bên trong rất sơ sài, hầu như các thuyền chỉ sử dụng ghế nhựa để du khách ngồi, dịch vụ giải khát, ẩm thực nhẹ và hàng lưu niệm cũng khá nghèo nàn, đơn điệu. Những người phục vụ cũng chính là các thành viên trong gia đình sinh sống ở trên thuyền nên chưa chú trọng đến yếu tố chuyên nghiệp trong giao tiếp.

“Cùng với đó, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ về tập huấn kỹ năng ứng xử với khách du lịch cho đội ngũ nhân viên phục vụ trên thuyền, tư vấn các doanh nghiệp xây dựng một số sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của du khách; hỗ trợ công tác quảng bá truyền thông sản phẩm và kết nối các đơn vị Lữ hành đưa khách đến Huế” - ông Nguyễn Văn Phúc nói thêm.

Có thể nói, việc mở rộng TP Huế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, từ đây Huế có các điều kiện để thực hiện sứ mệnh của một đô thị trung tâm, tạo động lực để toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển. Đối với ngành du lịch, từ đây có thêm nhiều tiềm năng, lợi thế khi không chỉ là sông Hương, núi Ngự, quần thể di sản đã được UNESCO công nhận mà còn đầm phá, biển như Thuận An, Hải Dương, đầm phá Tam Giang.

Bên cạnh những thuận lợi, thách thức cũng được đặt ra như: Các dự án trọng điểm đã và đang triển khai, hiện một số tuyến đường trung tâm, huyết mạch giao thông trên địa bàn chưa được chỉnh trang đồng bộ lòng đường, vỉa hè, thoát nước do kinh phí thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư lớn; 13 đơn vị mới sáp nhập vào TP có hạ tầng về giao thông, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng còn hạn chế.