Bài học nào cho LHQ sau khi Mỹ cắt 285 triệu USD đóng góp?

Đại sứ Trần Đức Mậu - Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực chất, quyết định cắt giảm ngân sách của Mỹ cho LHQ là sự trả đũa của Mỹ với nghị quyết mới về Jerusalem.

Rất nhanh chóng chứ không suy nghĩ, cân nhắc lâu, chính phủ Mỹ đã thể hiện phản ứng về việc Đại Hội đồng (ĐHĐ) Liên Hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết bác bỏ quyết sách của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.
 
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley lập luận cho quyết định của Mỹ cắt giảm 25% mức độ đóng góp tài chính cho ngân sách hoạt động của LHQ năm 2018 ( giảm 285 triệu USD) bằng quan điểm cho rằng LHQ hoạt động kém hiệu quả.
Trong thực chất, đó là sự trả đũa của Mỹ về nghị quyết nói trên của ĐHĐ LHQ. Hơn nửa năm trước đây, chính quyền của ông Trump đã cắt giảm 600 triệu USD trong cam kết đóng góp tài chính để LHQ thực thi những sứ mệnh gìn giữ hoà bình ở nhiều nơi trên thế giới. Giảm đóng góp tài chính cho ngân quỹ hoạt động của LHQ và giảm mức độ tham gia vào hoạt động của LHQ đã được ông Trump đề cập đến từ khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ.
Ông Trump luôn không dấu diếm sự coi thường và bất cần LHQ. Ngay trong năm cầm quyền đầu tiên này, ông Trump còn có những quyết định tách biệt nước Mỹ với LHQ như rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất và tổ chức Unesco. Phía Mỹ còn công khai sử dụng doạ dẫm ở ĐHĐ LHQ là sẽ ghi sổ và cắt viện trợ tài chính cho những thành viên LHQ bỏ phiếu biểu quyết bất lợi đối với Mỹ.
Ở nhiệm kỳ tổng thống Mỹ này, ông Trump mới cầm quyền được gần một năm và không thể loại trừ khả năng ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào năm 2020. Vì thế và với tính cách cá nhân như ông Trump vẫn thể hiện, chuyện ông Trump làm khó và gây khó cho LHQ là không thể tránh khỏi và chỉ là chuyện thời gian. LHQ không phải là một quốc gia và đại đa số thành viên LHQ coi trọng quan hệ với Mỹ nhưng không vì thế mà nhất nhất đều nhảy theo nhịp điệu của Mỹ. Mỹ đóng góp nhiều nhất, cụ thể là 22% cho ngân quỹ của LHQ hàng năm. Một khi Mỹ cắt giảm đóng góp tài chính thì LHQ sẽ gặp khó khăn lớn.
Vì hiện tại và tương lai mà LHQ cần phải rút ra cho mình những bài học cần thiết từ khó khăn mới này.
Bài học trước hết là ý thức về sự cần thiết phải tự thay đổi để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào đóng góp tài chính của Mỹ. Một khi tiền của của một hay một nhóm thành viên có khả năng khống chế và chi phối các quyết sách của LHQ thì tổ chức lớn nhất thế giới này không thể hoạt động được theo đúng tôn chỉ mục đích và không thể trung thực được với sứ mệnh lịch sử của nó.  Thái độ của phía Mỹ như thế làm cho việc cải tổ cơ bản LHQ trở nên càng thêm cấp thiết về tổ chức bộ máy, về định hướng và ưu tiên hoạt động, về nghĩa vụ đóng góp tài chính và tham gia hoạt động chung của các thành viên.
Bài học tiếp theo là bài học về nâng cao hiệu quả thiết thực và thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng ngân sách. LHQ không chỉ phải chấp nhận mà còn phải quen và sẵn sàng ứng phó với tình huống bị thành viên này hay thành viên khác làm mình làm mẩy như Mỹ.
Cuối cùng là bài học về trách nhiệm của tất cả các thành viên đối với LHQ. Ở những thời khó khăn đối với LHQ thì các thành viên càng phải có trách nhiệm lớn hơn đối với LHQ, càng phải đóng góp nhiều hơn trong các hoạt động của LHQ và càng phải đoàn kết thống nhất để cô lập những thành viên theo đuổi tham vọng chi phối và thao túng LHQ.