Nhiều ý kiến khen, chê
Bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" của tác giả Tô Hà (in trong sách Tiếng Việt lớp 5 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) được chia sẻ trên các diễn đàn đang nhận được nhiều bình luận trái chiều và gay gắt.
“Con tôi không thể học thuộc tác phẩm vì cách gieo vần khó nhớ, như: "Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi/Các bé vẫn lặng chăm/Nhìn theo cô mấp máy", bạn đọc Minh Huyền nêu cảm nhận.
Trong khi đó, độc giả Đặng Tuấn Hùng cho rằng: “Có thể bài thơ sẽ hay với những người lớn tuổi, có năng khiếu thơ văn nhưng dạy đại trà với học sinh tiểu học sẽ gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh. Nếu để dạy học sinh tiểu học cảm thụ thơ, ví von, hình tượng thì không thiếu những bài thơ vừa vần, vừa gần gũi với và dễ để học sinh cảm nhận (chẳng hạn những bài thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa) sao phải chọn bài phức tạp như trên vậy?”.
Không chỉ dừng lại ở những lời nhận xét tế nhị, nhiều ý kiến chê bai, phê phán thẳng thừng với bài thơ, như câu từ trúc trắc, lủng củng, phản cảm, không phù hợp... cũng được đưa ra. Đặc biệt là ý kiến: "Ôi giời ơi, cứu tôi. Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?" của một tài khoản đã được nhiều người chia sẻ lại trên trang cá nhân.
Ngược lại, với vai trò là một phụ huynh, bạn đọc Hoàng Hòa chia sẻ: “Con mình học lớp 5, từ đầu năm đến giờ về nhà đọc thuộc lòng cho mẹ nghe mỗi bài này. Mình nghe con đọc mới lấy quyển sách ra đọc lại, cảm nhận rất hay. Trẻ em nhạy cảm và đầy tình thương người. Bài thơ giúp các con, các cháu cảm thông với hoàn cảnh của những bạn nhỏ khác, nuôi dưỡng tâm hồn các con…”.
"Sau ngón tay cô đấy/Là tiếng hạt nảy mầm ...". Đây là câu thơ thực sự xúc động. Hai ngón tay giống như lá mầm. Hai ngón tay ấy tạo ra "âm thanh" cho các em, gieo vào tâm hồn các em hạt giống của kiến thức và niềm tin”, bạn đọc Hà Minh giành lời khen cho bài thơ.
Xúc động với hình ảnh và ý nghĩa bài thơ
Là giáo viên có nhiều năm gắn bó trực tiếp với học sinh khiếm thính, cô giáo Phạm Chung Thủy, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Hà Nội cho biết, cô rất xúc động khi đọc bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" của tác giả Tô Hà.
“Từ khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm năm 1999 đến nay, chưa bao giờ tôi thấy có một tác phẩm thơ hoặc văn xuôi nào đưa vào chương trình sách giáo khoa viết về chủ đề học sinh khiếm thính hay thầy cô dạy học sinh đặc biệt. Do đó, khi đọc bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" của tác giả Tô Hà, tôi và các đồng nghiệp rất ngạc nhiên, thích thú và xúc động bởi thấy công việc của mình được tôn vinh, đồng cảm”, cô Phạm Chung Thủy chia sẻ.
Là giáo viên hàng ngày dạy và tiếp xúc với học sinh khiếm thính, cô Thủy thấy giá trị nhân văn toát lên từ từng hình ảnh, từng câu từ của bài thơ. Cô đánh giá cao giá trị nghệ thuật và ý nghĩa bài thơ mang lại.
Ngay khổ thơ đầu tiên, tác giả đã đưa người đọc đến không gian lớp học của học sinh đặc biệt. Tại đó, cô giáo đang dùng ngôn ngữ kí hiệu qua ánh mắt, bàn tay để truyền dạy cho học sinh.
“Một trong những từ rất đắt của bài thơ là từ “ánh ỏi”. Đây là hình ảnh tu từ khéo léo của tác giả. Tác giả mô tả thanh âm cao vút, ngân vang của tiếng chim giữa sự trong trẻo của không gian. Trong hoàn cảnh đó, chỉ từ “ánh ỏi” mới diễn tả được dụng ý của tác giả và ở đây, từ “óng ả” có ý nghĩa đơn thuần, không phù hợp. Thực sự phải là người có khả năng “làm xiếc” với ngôn từ mới có thể có lựa chọn hay đến vậy"- cô Thủy nói.
Một số ý kiến không đồng tình với thanh điệu của bài thơ như cách gieo “ăm, ay” vì cho rằng không vần. Cô giáo Nguyễn Chung Thủy cho hay, “ăm, ay” là vần biến thể, không phải vần thông thường. Với thể thơ 5 chữ, tác giả có quyền thể hiện sự sáng tạo, sự phá cách của mình. Trong câu: “Các bé vẫn lặng chăm/Nhìn theo cô mấp máy”, qua cách dùng từ đã diễn ta hình ảnh các học sinh nhìn đôi bàn tay và khẩu hình của cô để mấp máy theo mà không thể bật ra âm thanh được. Hình ảnh phản ánh chân thực khung cảnh lớp học của học sinh đặc biệt.
“Phải thật sự có chuyên môn, thấu hiểu và trực tiếp dạy trẻ khiếm thính mới có thể viết nên những câu thơ hay và ý nghĩa như thế. Đây thực sự là một bài thơ có giá trị, hoàn toàn phù hợp, vừa sức với học sinh lớp 5. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để cảm nhận rõ hơn cái hay cũng như thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ”, cô giáo Nguyễn Chung Thủy bày tỏ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, bất cứ một ngữ liệu nào đưa vào sách giáo khoa cũng có thể gặp những bình luận trái chiều. Tuy nhiên, với đội ngũ biên soạn giàu kinh nghiệm, việc lựa chọn tác phẩm nào luôn có sự cân nhắc kỹ lưỡng và mọi ý kiến góp ý mang tính chất xây dựng sẽ được tiếp thu đầy đủ để xem xét, thảo luận, cân nhắc trong những lần tái bản/xuất bản tiếp theo.