Lithuania cho biết sẽ ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga và trở thành quốc gia tiên trong số 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có động thái này.
Ý nghĩa của động thái
“Để độc lập về năng lượng khí đối với Nga, đối phó nguy cơ do phụ thuộc năng lượng của Nga ở châu Âu và cuộc chiến ở Ukraine, Lithuania quyết định ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga,” Bộ năng lượng nước này cho biết trong một tuyên bố vào cuối tuần trước và khẳng định biện pháp này có hiệu lực ngay từ tháng 4.
Lithuania, quốc gia từng bị chiếm đóng bởi Nga, Đức, Thụy Điển và thậm chí cả Ottoman trong nhiều thế kỷ trước, đã hơn một lần chứng tỏ tinh thần chiến đấu. Khi Liên Xô tiếp quản đất nước từ tay Đức Quốc xã vào cuối Thế chiến II, một cuộc nổi dậy của các chiến binh tự do đã diễn ra trong 8 năm tại các khu rừng phía nam của đất nước. Năm 1990, Lithuania là nước cộng hòa thuộc Liên Xô đầu tiên tuyên bố độc lập.
“Đây là một bước đi mang tính biểu tượng, Lithuania từ lâu đã cố gắng tiên phong trong việc giảm thiểu và tiến tới loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga,” Katja Yafimava, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói với New York Times.
Lithuania là một quốc gia nhỏ bé với khoảng 2,8 triệu dân và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại hơn là công nghiệp. Đây cũng là nền kinh tế lớn nhất trong các nước Baltic và cũng là một thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Việc để mất Lithuania với tư cách là khách hàng không có khả năng gây tổn hại đáng kể đến Gazprom, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga, nhưng động thái này có ý nghĩa địa chính trị trong việc tạo tiền lệ cho EU.
Tuần trước, Tổng thống Vladimir V. Putin đã đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho “các quốc gia không thân thiện”, trừ khi các quốc gia này bắt đầu thanh toán cho các nguồn cung cấp bằng đồng rúp. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bác bỏ ý tưởng này, nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào để giải quyết bế tắc. Đặc biệt là Đức và Italia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, mặc dù Đức gần đây đã đảm bảo quan hệ đối tác với Mỹ và các nước giàu năng lượng khác.
Chiến lược dài hạn
Đầu năm nay, bộ trưởng năng lượng của Lithuania cho biết nước này có thể đặt hàng cung cấp đủ LNG để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Nếu cần, nước này cũng có thể nhận khí đốt thông qua đường ống với Latvia.
Lithuania có biên giới giáp vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và từng phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu khí đốt của Nga. Từ một quốc gia phụ thuộc 82% vào nguồn khí đốt Nga năm 2010, Lithuania đã thành công thoát khỏi sự ràng buộc này.
Những nỗ lực của Lithuania được tiến hành theo nhiều lộ trình khác nhau, và mất nhiều thập kỷ để hoàn thành. Quốc gia này tập trung theo cả hai hướng: Phát triển đơn lẻ và khu vực hóa.
Xét về khía cạnh đơn lẻ, Lithuania đã tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong sinh hoạt và công nghiệp để tiết kiệm tài nguyên, chẳng hạn bằng cách cải tạo các tòa nhà chung cư.
Lithuania đã xây dựng một trạm khí hóa lỏng Klaipeda vào năm 2014 - được xem là bước khởi đầu nước này thoát khỏi sự phụ thuộc khí đốt vào Nga. Trạm này chính là “đỉnh cao” trong nhiều thập kỷ hoạch định chiến lược của Lithuania.
Trạm khí hóa lỏng Klaipeda đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực. Với công suất lên tới 4 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, cơ sở này đảm bảo cả 3 quốc gia vùng Baltic, bao gồm Lithuania, Latvia và Estonia, có thể tránh khỏi sự gián đoạn nguồn cung do động cơ chính trị.
Ngoài Baltic, Lithuania cũng hợp tác chặt chẽ với Ba Lan để tiếp cận thị trường năng lượng nước này. Hai quốc gia đã xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động trạm liên kết khí đốt hai chiều (GIPL) trong tháng 5, để vận chuyển khí đốt qua biên giới một cách linh hoạt.
Bên cạnh đó, cả hai trạm LNG ở Klaipeda, Lithuania và Swinoujscie, Ba Lan cũng sẽ được sử dụng để phục vụ thị trường khí đốt của hai nước.
Với các liên kết khí đốt quan trọng dự kiến đi vào hoạt động trong hai năm tới, chẳng hạn như Đường ống Baltic và Đường ống dẫn khí Ba Lan - Slovakia, mối quan hệ hợp tác an ninh năng lượng trong khu vực này đang dần được củng cố.
Yếu tố cơ cấu khu vực
Lithuania cũng đã liên tục nhắc đến vấn đề an ninh năng lượng trong khu vực với các quốc gia thành viên EU, thúc đẩy việc xây dựng Kế hoạch Hội nhập Thị trường Năng lượng Baltic (BEMIP) vào năm 2009.
Kế hoạch này nhằm hỗ trợ các quốc gia vùng Baltic gia nhập mạng lưới năng lượng của EU thông qua các liên kết mới.
Khi giữ chức chủ tịch Hội đồng châu Âu vào năm 2013, bộ trưởng Năng lượng Lithuania tiếp tục thúc đẩy mục tiêu an ninh năng lượng trong khu vực. Theo đó, đến cuối năm 2013, Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã sửa đổi hướng dẫn về cơ sở hạ tầng năng lượng xuyên châu Âu, được gọi là các dự án vì lợi ích chung (PCI), phù hợp với chính sách năng lượng và khí hậu của EU.