Bằng mọi giá, Trung Quốc phải có được Taliban!

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi ích khổng lồ từ Afghanistan buộc Trung Quốc phải chấp nhận rủi ro để hợp tác.

Vào tháng 8/2023, quan chức Bộ Nội vụ Afghanistan đã gặp giám đốc Huawei Technologies tại lễ kỷ niệm hai năm ngày Taliban tiếp quản Kabul.

Theo một số nguồn tin, công ty công nghệ Trung Quốc này đang lắp đặt mạng lưới 62.000 camera an ninh quanh thủ đô Kabul, Afghanistan.

Zhao Sheng, đại sứ mới của Trung Quốc tại Afghanistan, vàThủ tướng Taliban Mohammad Hasan Akhund, tại Kabul. Nguồn: Nikkei Asia
Zhao Sheng, đại sứ mới của Trung Quốc tại Afghanistan, vàThủ tướng Taliban Mohammad Hasan Akhund, tại Kabul. Nguồn: Nikkei Asia

Kể từ khi Taliban tiếp quản Kabul, Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ với Afghanistan bất chấp những quan ngại về bất ổn chính trị.

Vào ngày 13/9, với việc là quốc gia đầu tiên bổ nhiệm đại sứ mới tại Afghanistan, Trung Quốc một lần nữa tỏ thiện chí hợp tác sâu rộng với Taliban. Về phần mình, Taliban sẵn sàng chào đón nhà đầu tư Trung Quốc.

Tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Dầu khí Shahabuddin Delawar đã gặp lãnh đạo công ty Trung Quốc Gochin trao đổi về khai thác trữ lượng lớn lithium tại Afghanistan. Nhiều nguồn tin cho biết công ty này đang lên kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD, tạo ra khoảng 120.000 việc làm và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng tại đây.

Hai tuần trước, ông Delawar cũng tham dự buổi lễ ký hợp đồng khai thác với một công ty Trung Quốc khác và vài công ty từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, với tổng số vốn đầu tư lên đến 6,5 tỷ USD.

Hiện Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) là nhà đầu tư lớn nhất ở Afghanistan. Vào năm 2007, công ty này đã ký thỏa thuận đầu tư ít nhất 3 tỷ USD vào một mỏ đồng tại Mes Aynak, phía Đông Nam Kabul.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn luôn dành sự ủng hộ cho Taliban trên nhiều diễn đàn chính trị, mong muốn các quốc gia khác công nhận vị thế của tổ chức này tại Afghanistan. Tương tự, quan chức Taliban công khai ủng hộ chính sách ưu tiên của Trung Quốc, chẳng hạn như nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Bất chấp bất ổn chính trị tại Mes Aynak, một số dự án của Trung Quốc vẫn được thực hiện. Vào tháng 7/2023, công ty Dầu khí Trung Á Tân Cương của Trung Quốc khởi động dự án khai thác dầu có vốn đầu tư 540 triệu USD ở phía bắc tỉnh Sar-e Pul.

Đầu năm nay, Công ty đường sắt Pakistan và Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc Eryuan thuộc sở hữu nhà nước đã tiến hành gói thầu xây dựng tuyến đường sắt giữa Karachi và Mazar-e-Sharif, trung tâm kinh tế của miền Bắc Afghanistan.

Trung Quốc phấn khởi khi các công ty tư nhân tăng cường đầu tư vào Afghanistan bất chấp lo ngại về tình hình an ninh ở đây. Bắc Kinh kỳ vọng nhiều dự án do Chính phủ hậu thuẫn sẽ được thực hiện nếu các nhà đầu tư sớm tìm ra lĩnh vực tiềm năng để hợp tác với Taliban, như thăm dò và khai thác lithium - một kim loại mềm được dùng trong nhiều thiết bị công nghệ.

Còn nhiều ngờ vực

Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy mặc dù an ninh đã được cải thiện sau nội chiến ở Afghanistan nhưng môi trường đầu tư dưới quyền cai trị của Taliban không hề dễ dàng. 

Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh chắc chắn lo ngại Afghanistan khó có thể mang lại môi trường đầu tư tốt. Do đó, rất có thể các dự án của Trung Quốc sẽ được tiến hành chậm rãi ở quốc gia Trung Á này, ngay cả khi mọi việc đang diễn ra khá tốt đẹp.

Trong hai năm gần đây, Trung Quốc chỉ xếp thứ 10 trong số các quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Afghanistan, với tổng giá trị các khoản vào khoảng 50 triệu USD.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang lưỡng lự với mong muốn tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Taliban do những bất ổn như vụ ném bom của Nhà nước Hồi giáo Khorasan vào một khách sạn do người Trung Quốc sở hữu ở Kabul hồi tháng 12/2022.

Mối quan hệ này vẫn chìm trong ngờ vực, nhưng nó đã phát triển thành một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Kabul trên trường quốc tế.

Liệu Bắc Kinh có chuẩn bị cho những trách nhiệm tiềm tàng có thể đi kèm với các khoản đầu tư trong dài hạn hay không thì vẫn còn phải chờ.