Lan tỏa dịch vụ, định hướng thị trường
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết, sau cuộc khủng hoảng bởi dịch Covid-19, thời điểm này, ngành du lịch đã bước đầu lấy lại đà tăng trưởng. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông.
Đóng góp vào kết quả đó, có công không nhỏ của báo chí. Không chỉ giới thiệu, báo chí, truyền thông còn tư vấn và định hướng cho du khách qua các thông tin chân thực, khách quan, rõ ràng và đầy đủ về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ…
Thông qua báo chí, truyền thông, nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước được quảng bá đến du khách quốc tế, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu của đất nước với bạn bè thế giới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, lãnh đạo huyện xác định báo chí là một trong những kênh quảng bá chính thống và hiệu quả, giúp đưa hình ảnh du lịch huyện nhà đến với du khách trong và ngoài nước.
Trong vài năm gần đây, nhờ có những bài báo, những thước phim… mà du khách đến với Quốc Oai ngày càng nhiều. Để rồi từ đó, tiếng lành đồn xa, Quốc Oai đã có được dấu ấn trên bản đồ du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Cũng ghi nhận những đóng góp của báo chí đối với ngành du lịch, Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) Nguyễn Thị Vân khẳng định, thực tế đang ngày càng chứng minh, báo chí là người bạn đồng hành đáng tin cậy của ngành du lịch địa phương trên con đường phát triển... Hiệu quả của các thông tin đăng tải trên báo chí đã góp phần tăng trưởng doanh thu du lịch, tạo việc làm cho người dân, DN, tăng thu nhập xã hội.
Mặt khác, một số bài báo đã mạnh dạn nêu ra những khuyết điểm, yếu kém của các điểm du lịch và gợi mở một số giải pháp khắc phục. Ví dụ như phản ánh tình trạng quá tải, chặt chém giá cả tại một số điểm du lịch… Báo chí cũng nêu lên rất nhiều mặt trái của lễ hội, như mê tín dị đoan, cúng lễ xô bồ, chèo kéo du khách, vệ sinh môi trường không đảm bảo…
Đây không phải “vạch áo cho người xem lưng”, mà là nhìn thẳng vào sự thật để cùng với các địa phương và ngành du lịch xây dựng điểm đến hoàn thiện, lịch sự, văn minh, có sức cuốn hút du khách trở lại nhiều lần. Báo chí đã và đang góp sức tích cực vào mục tiêu đó.
Đẩy mạnh báo chí đa phương tiện, đa nền tảng
Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, việc thông tin quảng bá của thương hiệu nào truyền tải đến khách hàng nhanh nhất, nhiều nhất, thì sản phẩm của thương hiệu đó sẽ gây được ảnh hưởng đối với người tiêu dùng và đảm bảo 50% thành công.
Vì vậy, báo chí là một trong những cầu nối quan trọng giữa DN và khách hàng, truyền tải thông điệp của DN đến với công chúng, góp phần quyết định một phần thành công hoạt động kinh doanh của DN.
Để báo chí phát huy vai trò chắp cánh cho ngành du lịch, Tổng Giám đốc Hanoitourist Nguyễn Thị Vân cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, báo chí nên chú trọng phát triển báo điện tử. DN rất mong các cơ quan báo chí hỗ trợ quảng bá thương hiệu trên báo điện tử theo cách thức đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Vân, trong quá trình phán ánh các sự kiện, ý kiến DN, báo chí nên chắt lọc thông tin, xử lý và lựa chọn những thông tin nào nên đăng và không nên đăng. Nhà báo cần có tinh thần dám nhìn thẳng, nhìn đúng sự thật, cung cấp những vấn đề cần thiết cho các cấp lãnh đạo.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan, ngành du lịch Việt Nam muốn phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng thì cần phải có sự truyền thông đúng mực. Nếu truyền thông một vấn đề quá mức, quá tốt hay quá xấu, đều làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam.
Vì thế, trước khi đưa thông tin về du lịch, các cơ quan truyền thông cần dựa trên tính tổng thể, cũng như cần phải chú trọng giải quyết những mâu thuẫn giữa lợi ích mà ngành du lịch mang lại gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.