Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm nguồn cung nông sản dịp cuối năm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm, đặc biệt dịp gần Tết Nguyên đán, dự báo nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô tăng từ 15% - 20%.

Do vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các hoạt động gia tăng sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường.
Chủ động gia tăng sản xuất

Để đáp ứng nhu cầu về gà thịt tăng vào cuối năm, cách đây hơn 2 tháng, hộ anh Ngô Trọng Hiển, ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) đã tăng 20% tổng đàn so với các thời điểm trước đó. Anh Hiển chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán tới, trại gà của gia đình dự kiến xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 con gà thương phẩm (tương đương 10 tấn).
 Mô hình trồng rau thủy canh tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ánh Ngọc
Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đa Tốn Lê Thanh Phương cho hay, từ cuối tháng 8/2020, HTX đã có kế hoạch gia tăng các chủng loại rau, liên kết các vùng sản xuất vệ tinh để đảm bảo nguồn cung. “Trung bình một tháng, HTX xuất ra thị trường 5 tấn rau các loại (rau muống, rau cải, rau xà lách...), nhưng riêng 2 tháng trước Tết Nguyên đán, trung bình mỗi tháng HTX cung ứng từ 8 - 10 tấn rau. Sản lượng này được tính toán dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của HTX” - ông Lê Thanh Phương thông tin.

Đặc biệt, trước diễn biến của giá thịt lợn trong thời gian qua, để bảo đảm nguồn cung cũng như kiểm soát giá lợn trong dịp cuối năm, nhiều địa phương đã đẩy mạnh tái đàn từ những tháng trước đó. Đơn cử tại huyện Thanh Oai, hiện tổng đàn lợn toàn huyện là 34.800 con, tăng gần 3.000 con so với quý I/2020.

Đánh giá về nguồn cung thị trường cuối năm, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… đáp ứng từ 60% - 90%. Riêng nguồn cung thực phẩm chế biến mới đáp ứng được gần 20% nhu cầu. “Những tháng cuối năm, nhu cầu nông sản sẽ tăng từ 20% - 30%. Do đó ngành nông nghiệp đã tính toán và có kế hoạch bài bản để triển khai các giải pháp sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô” - ông Chu Phú Mỹ cho hay.

Không để thiếu nông sản, thực phẩm

Hiện, ngành nông nghiệp Thủ đô đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất. TP đang tập trung sản xuất vụ Đông với 45.000ha (tăng gần 13.000ha so với kế hoạch dự kiến). Để vụ Đông 2020 thắng lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã yêu cầu các công ty thủy lợi phối hợp chặt chẽ với địa phương chỉ đạo điều tiết nước, bảo đảm độ ẩm đất khi gieo trồng và chống hạn kịp thời. Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, dự báo chính xác, kịp thời tình hình sâu bệnh; khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt là chủ động xây dựng kế hoạch gia tăng sản phẩm gia súc, gia cầm, góp phần bảo đảm ổn định thị trường dịp cuối năm, nhất là trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Sản xuất vụ Đông cũng đang được các địa phương triển khai quyết liệt. Tại huyện Phú Xuyên, vụ Đông năm nay, toàn huyện gieo trồng hơn 3.800ha với đa dạng rau màu các loại. Để khuyến khích nông dân sản xuất, huyện đã hỗ trợ 50% kinh phí mua giống đậu tương, 50% kinh phí mua giống triển khai các mô hình chất lượng cao, diện tích liền vùng, liền thửa.

Về phía DN, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho hay, với 6 cửa hàng cung ứng nông sản an toàn tại Hà Nội, công ty đã ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn TP từ đầu quý III/2020 để nông dân yên tâm sản xuất cũng như bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng. Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Hải (tỉnh Quảng Ninh) Dương Thế Mạnh, là đơn vị tham gia chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho Thủ đô từ nhiều năm nay, Công ty đã ký hợp đồng với các siêu thị Vinmart, Big C, Aeon… để tiêu thụ tại thị trường Hà Nội khoảng 350 tấn nấm tươi/năm.

"Cùng với việc tăng cường liên kết với các tỉnh, TP để tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp Thủ đô và các địa phương đã chủ động, linh hoạt bám sát nhu cầu thị trường để động viên, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã gia tăng sản xuất. Do vậy, nguồn nông sản, thực phẩm cho Hà Nội luôn bảo đảm, kể cả khi nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm." - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ