Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tường thuật đêm siêu bão] Bão đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam gây mưa to diện rộng

Nhóm Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rạng sáng 28/9, tâm bão số 4 đổ bộ vào khu vực giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam. Lúc 4 giờ sáng cùng ngày sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.

Chưa ghi nhận thiệt hại về người

Sáng 28/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng chưa có thiệt hại về người. Hệ thống thông tin liên lạc cơ bản thông suốt.

Tại huyện Lý Sơn và Bình Sơn, bão số 4 làm nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà bị tốc mái. Có trên 216,5 nghìn khách hàng sử dụng điện tại 6 huyện gồm: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi bị mất điện. Theo Điện lực Quảng Ngãi, việc khắc phục sẽ được tiến hành ngay sau khi thời tiết ổn định

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lớn tại một số địa phương, đặc biệt là tại huyện Trà Bồng và Bình Sơn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng liên quan tiếp tục theo dõi, bám sát thông tin diễn biến để kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, núi và ven sông, suối. Đồng thời, khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện tổ chức khắc phục những thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Ngổn ngang sau bão ở Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải
Ngổn ngang sau bão ở Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải

Bão số 4 vào Đà Nẵng lúc rạng sáng với sức gió không mạnh như dự kiến. TP chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên tại nhiều tuyến phố, cây ngã la liệt.

Tại những tuyến đường ven biển, ven sông như Nguyễn Tất Thành, Như Nguyệt, Võ Nguyên Giáp..., khá nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ. Một số hàng quán của người dân bị tốc mái...

Bão số 4 tại Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam lúc 2 giờ sáng 28/9. Nguồn: Tấn Sỹ

Tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam, gió lớn do bão Noru gây tốc mái nhà dân. Theo ông Cần (chủ nhà), sự việc xảy ra lúc khuya. Trong nhà ông khi đó có hai người và may mắn không ai bị thương tích.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đến 5 giờ ngày 28/9, bão Noru đã gây tốc mái hoàn toàn một nhà dân ở xã Tam Phú, TP Tam Kỳ.

Tại Đồn Biên phòng 276 (đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An) có nhà chỉ huy, nhà ở cán bộ, chiến sĩ bị tốc mái hơn 50%, cây cối ngã đổ hơn 70%, sập hệ thống chuồng trại, vỡ kính sãnh trước nhà chỉ huy. Tại Đồn biên phòng 260 (phường Cửa Đại, TP Hội An) cũng bị vỡ kính sảnh trước nhà chỉ huy.

Mưa trắng trời trên đường phố ở Quảng Nam lúc 3 giờ 30 sáng 28/9. Ảnh: Công Sáng
Mưa trắng trời trên đường phố ở Quảng Nam lúc 3 giờ 30 sáng 28/9. Ảnh: Công Sáng

Bão giảm cấp khi vào đất liền

Lúc 5 giờ sáng 28/9, tại Đà Nẵng ghi nhận trời mưa rất to, gió giật liên tục, đã có thiệt hại nhà bị tốc mái do bão, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), rất nhiều cây xanh ngã đổ, biển hiệu bị thổi bay. Mưa lớn kéo dài làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố như: Hàm Nghi, Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh...

Tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), mưa nặng hạt từng cơn, gió thổi mạnh. Sóng biển cao từ 3 - 4m, đập đến các kè chắn sóng. Còn tại đảo Cù Lao Chàm - xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An), gió rất mạnh, tuy nhiên chưa có thiệt hại về người cũng như tài sản. Tỉnh Quảng Nam có 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục). Toàn tỉnh có nhiều nhà tốc mái, cây đổ nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể. Tỉnh Bình Định cũng đang bị mất điện tại một số khu vực.

Cây đổ ở Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nghiêm Hà
Cây đổ ở Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nghiêm Hà

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia), cho biết toàn bộ tâm bão đã đi vào khu vực đất liền giữa Đà Nẵng - Quảng Nam. Trong hôm nay, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum sẽ có mưa với lượng phổ biến 120 - 200 mm, có nơi trên 250 mm, khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai mưa với lượng phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm.

Sau hôm nay, mưa sẽ giảm dần ở khu vực trên, tuy nhiên do hoàn lưu của bão kết hợp với một rãnh thấp hình thành trong bão nên diện mưa sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình, thời gian mưa sẽ kéo dài đến ngày 30/9. Lượng mưa phổ biến ở Bắc Trung Bộ là 100 - 250 mm, có nơi trên 300 mm, vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hoà Bình mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm. 

Không thể chủ quan

Vào 0 giờ ngày 28/9, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành triệu tập các điểm cầu, cùng các thành viên Ban chỉ đạo nghe báo cáo diễn biễn tình hình từ các địa phương để có chỉ đạo phù hợp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp với các địa phương lúc 0 giờ ngày 28/9. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp với các địa phương lúc 0 giờ ngày 28/9. Ảnh: VGP

Đánh giá cao các địa phương đã chuẩn bị rất tích cực, trách nhiệm, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, tới thời điểm này, các địa phương, lực lượng đều ứng trực nghiêm túc.

Hiện tâm bão chỉ cách đất liền khoảng 60km, cường độ rất mạnh. Trong tình hình vừa có mưa, sóng lớn, triều cường dâng trong đêm, nhiệm vụ của các lực lượng phòng chống bão hết sức nặng nề để bảo đảm an toàn cho người dân.

Phó Thủ tướng đề nghị sau khoảng 2 giờ, các địa phương báo cáo, cập nhật qua số đường dây nóng về tình hình, diễn biến, thiệt hại, những vấn đề phát sinh đột xuất, khó khăn. Từ đó, ban chỉ huy tiền phương sẽ điều động lực lượng hỗ trợ.

"Thiên tai diễn biến bất thường, khó lường trước, không thể chủ quan. Đề nghị các đồng chí khi diễn biến phức tạp thì báo cáo ngay lập tức", Phó Thủ tướng nói cũng đề nghị các lực lượng tiếp tục tập trung cao độ khi chỉ còn mấy tiếng nữa là bão vào, "làm hết sức để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản".

Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng chủ động, khi có tình huống xấu, cần huy động tối đa thiết bị, vật tư, nhân lực. Rà soát đầy đủ khu vực ven biển để hạn chế thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, an toàn công trình (hồ đập, đê điều, cầu).

Trước đó, tối 27/9, nhận định về diễn biến bão số 4, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đến thời điểm này, bão đang trong tình trạng mạnh nhất và không thể xảy ra khả năng bão mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão).

Sau 22 giờ ngày 27/9 là khoảng thời gian tác động của bão đến đất liền rõ ràng nhất. Cụ thể, khu vực đất liền và khu vực biển Trung Bộ có gió mạnh từ vùng tâm bão vào sẽ kéo dài đến sáng 28/9. Khoảng thời gian tâm bão di chuyển vào đất liền (vùng mắt bão) là thời gian lặng gió, nên người dân phải hết sức lưu ý, không chủ quan và không đi ra ngoài vì chỉ khoảng 5 - 10 phút sau đó, gió sau bão di chuyển vào sẽ mạnh hơn, gây nguy hiểm rất lớn. Người dân chỉ có thể an toàn ra ngoài khi theo dõi các bản tin về bão đã ra khỏi khu vực hoặc suy yếu.

Bão số 4 không chỉ tác động đến khu vực Trung Bộ mà còn tác động đến khu vực các tỉnh Gia Lai, Kom Tum (nơi ít khi có tác động của bão mạnh) gây gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 9 - 10. Đây là cấp gió hiếm gặp ở 2 tỉnh này nên người dân hết sức đề phòng.

Quảng Trị: 300 ngôi nhà, hàng quán bị hư hại, tốc mái

Tại cuộc họp trực tuyến vào lúc 0 giờ ngày 28/9 với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, tỉnh Quảng Trị đã báo cáo nhanh tình hình thiệt hại trên địa bàn thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khi hứng chịu trận lốc xoáy vào chiều 27/9.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp lúc 0 giờ ngày 28/9.  
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp lúc 0 giờ ngày 28/9.  

Theo đó, tính đến 23 giờ ngày 27/9, tại 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị đã tiến hành di dời trên 4.124 hộ dân với 12.926 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn, kiên cố.

 

Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang lan truyền các thông tin: 3 giờ ngày 28/9, Dawaco (Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng), EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) sẽ chính thức cắt nước, điện để an toàn phòng tránh bão Noru.

Công ty Điện lực Đà Nẵng khẳng định thông tin trên chưa hoàn toàn chính xác. Vì theo phương án cung cấp điện trước, trong và sau bão, Công ty Điện lực Đà Nẵng sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão và tình hình mưa lũ để có thể chủ động cắt điện một số đường dây và trạm biến áp để đảm bảo an toàn cho nhân dân và hệ thống điện, nhằm hạn chế thấp nhất hư hỏng lưới điện do mưa bão, ngập lụt gây nên. (Xem thêm)

Bước đầu, Quảng Trị đã ghi nhận thiệt hại khi trận lốc xoáy xảy ra tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) vào chiều ngày 27/9 gây hậu quả nghiêm trọng. Thông tin thống kê ban đầu xác định, lốc xoáy đã làm 180 hàng quán ven biển hư hỏng, 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó, có 2 ngôi nhà sập hoàn toàn) và khiến 4 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

 1 giờ ngày 28/9: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, vị trí bão số 4 ở khoảng 15.8oN; 108.9oE, cách Đà Nẵng khoảng 65km, cách Quảng Nam khoảng 53km về phía Đông, cách Quảng Ngãi khoảng 78km về phía Đông Đông Nam. Cường độ cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới có gió giật cấp 7; A Lưới có gió giật cấp 9; Đà Nẵng có gió giật cấp 7; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Quảng Ngãi có giật cấp 7; Quy Nhơn có gió giật cấp 6; Tuy Hoà có gió giật cấp 6.

Lượng mưa tính từ 7 giờ đến 23 giờ ngày 27/9 có nơi trên 230mm như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 299.6mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 233.8mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 332.2mm.

Clip do phóng viên Quang Hải - báo Kinh tế & Đô thị ghi lại lúc 23 giờ 40 phút đêm 27/9/2022, tại đường biển Nguyễn Tất Thành thuộc quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Ghi nhận lúc 23 giờ 40 tại Đà Nẵng, gió giật càng lúc càng mạnh. Tiếng gầm rít của gió bão mỗi lúc một nhiều. Kèm theo đó là những đợt mưa xối xả.

Bão số 4 đổ vào lúc 23 giờ 40 phút đêm 27/9/2022, clip do phóng viên Quang Hải ghi lại trên đường biển Nguyễn Tất Thành thuộc quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng chuẩn bị phương án cứu hộ 60 người đang ở dưới thuyền

Theo cập nhật mới nhất lúc 24h ngày 27/9 của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 – Noru: Vị trí tâm bão lúc 23h ngày 27/9 cách Đà Nẵng 108 km, cách Quảng Nam 95 km, cách Quảng Ngãi 95 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13, giật cấp 15.

Tối 27/9, hàng nghìn suất cơm, cháo miễn phí được công ty Hòa Phát - Dung Quất giao tận tay cho những người dân đang trú bão số 4 ở ký túc xá của công ty. Nơi đây đang có khoảng 1.200 người già, phụ nữ, người khuyết tật, gia đình chính sách… ở các vùng ngập sâu, nhà ở thiếu kiên cố đang tạm trú để chờ bão qua đi. Ảnh: Nghiêm Hà
Tối 27/9, hàng nghìn suất cơm, cháo miễn phí được công ty Hòa Phát - Dung Quất giao tận tay cho những người dân đang trú bão số 4 ở ký túc xá của công ty. Nơi đây đang có khoảng 1.200 người già, phụ nữ, người khuyết tật, gia đình chính sách… ở các vùng ngập sâu, nhà ở thiếu kiên cố đang tạm trú để chờ bão qua đi. Ảnh: Nghiêm Hà

Gió thực đo tại một số trạm lúc 23h00: Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới (Quảng Bình) giật cấp 7; Thừa Thiên Huế giật cấp 7; Đà Nẵng giật cấp 7; Quảng Ngãi giật cấp 6; Quy Nhơn (Bình Định) giật cấp 6; Tuy Hoà (Phú Yên) giật cấp 6. 

Một số biển quảng cáo tại Đà Nẵng bị gió quật tơi tả trong đêm 27/9/2022.
Một số biển quảng cáo tại Đà Nẵng bị gió quật tơi tả trong đêm 27/9/2022.

Theo cập nhật mới nhất của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 – bão Noru: Vị trí tâm bão lúc 23 giờ ngày 27/9 cách Đà Nẵng 108 km, cách Quảng Nam 95 km, cách Quảng Ngãi 95 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13, giật cấp 15.

Gió thực đo tại một số trạm lúc 23h00: Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới (Quảng Bình) giật cấp 7; Thừa Thiên Huế giật cấp 7; Đà Nẵng giật cấp 7; Quảng Ngãi giật cấp 6; Quy Nhơn (Bình Định) giật cấp 6; Tuy Hoà (Phú Yên) giật cấp 6. 

Cây xanh tại Đà Nẵng bị đổ do gió mạnh tối 27/9/2022.
Cây xanh tại Đà Nẵng bị đổ do gió mạnh tối 27/9/2022.

Lượng mưa tính từ 7 giờ đến 23 giờ ngày 27/9: Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, có nơi trên 200mm, trong đó: Quảng Trị 142-183mm; Thừa Thiên Huế 190-276mm, Đà Nẵng 145-234mm, Quảng Nam 140-191mm; Quảng Ngãi 155-214mm.

Nhiều đường phố Đà Nẵng ngập do mưa bão. Ảnh: Quang Hải
Nhiều đường phố Đà Nẵng ngập do mưa bão. Ảnh: Quang Hải

Tại Quảng Trị, hiện đã có mưa vừa, gió khoảng cấp 4. Thiệt hại do lốc xoáy tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh hồi 15 giờ 30/27/9: Nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn), đang tiếp tục cập nhật; 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Chia sẻ khó khăn với bà con, trong ngày 27/9, nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở Quảng Ngãi cũng đã rộng cửa đón người dân chạy bão vào ở miễn phí. Ảnh: Nghiêm Hà
Chia sẻ khó khăn với bà con, trong ngày 27/9, nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở Quảng Ngãi cũng đã rộng cửa đón người dân chạy bão vào ở miễn phí. Ảnh: Nghiêm Hà

Tại Thừa Thiên Huế đã có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 6.

CSGT phát sữa cho người dân ở Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên/zingnews.vn 
CSGT phát sữa cho người dân ở Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên/zingnews.vn 

Tại TP Đà Nẵng, có nơi mưa to, gió lớn. Qua rà soát, di dân tại âu thuyền Thọ Quang còn khoảng 60 người vẫn đang ở dưới thuyền nổ máy. Hiện nay gió lớn Biên phòng không tiếp cận được. TP Đà Nẵng đang chuẩn bị phương án cứu hộ khi cần.

Lúc 21 giờ 30, sau nhiều giờ mưa lớn liên tục, nhiều tuyến đường tại TP Hội An bị ngập. Đường Trần Hưng Đạo có đoạn ngập hơn nửa mét, phương tiện di chuyển khó khăn.Ảnh: Duy Hiệu/zingnews.vn
Lúc 21 giờ 30, sau nhiều giờ mưa lớn liên tục, nhiều tuyến đường tại TP Hội An bị ngập. Đường Trần Hưng Đạo có đoạn ngập hơn nửa mét, phương tiện di chuyển khó khăn.Ảnh: Duy Hiệu/zingnews.vn

Tại Quảng Nam, có nơi mưa to, gió lớn. Tại Quảng Ngãi có mưa vừa, gió khoảng cấp 5. Một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh (huyện Lý Sơn).

Tại Đà Nẵng, trước giờ bão Noru đổ bộ vào đất liền, lực lượng Quân đội huy động xe thiết giáp xuyên đêm tuần tra trên các tuyến phố. Ảnh: Quang Hải
Tại Đà Nẵng, trước giờ bão Noru đổ bộ vào đất liền, lực lượng Quân đội huy động xe thiết giáp xuyên đêm tuần tra trên các tuyến phố. Ảnh: Quang Hải

Trong khi đó, tại Bình Định đã có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5. 

Gió to, mưa lớn tại Đà Nẵng từ trước 22 giờ đêm 27/9/2022.
Gió to, mưa lớn tại Đà Nẵng từ trước 22 giờ đêm 27/9/2022.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa thông tin, do ảnh hưởng của bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 9; Huế có gió giật cấp 6; Đà Nẵng có gió giật cấp 7; Quy Nhơn, Tuy Hoà có gió giật cấp 6. Lượng mưa tính từ 07h đến 22h ngày 27/9 có nơi trên 220mm như: Hồ Thuỷ Yên (Thừa Thiên Huế) 276.4mm, Hoà Bắc (Đà Nẵng) 230.6mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 243.6mm,…

Ảnh mây vệ tinh lúc 22 giờ 30 phút ngày 27/9/2022 cho thấy vùng mây bão đã quét sâu vào ven biển miền Trung. Ảnh: Zoom.earth.
Ảnh mây vệ tinh lúc 22 giờ 30 phút ngày 27/9/2022 cho thấy vùng mây bão đã quét sâu vào ven biển miền Trung. Ảnh: Zoom.earth.

Hồi 22 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 70km tính từ tâm bão.

Đà Nẵng mưa to, gió rít, đường phố không một bóng người. Ảnh:  FB
Đà Nẵng mưa to, gió rít, đường phố không một bóng người. Ảnh:  FB

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 10 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11

[Tường thuật đêm siêu bão] Bão đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam gây mưa to diện rộng - Ảnh 1

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 7

 
Vùng biển Độ cao sóng biển (m) Hướng
Bắc vịnh Bắc Bộ 2,0 – 4,0 Đông Bắc
Nam vịnh Bắc Bộ 3,0 – 5,0 Đông Bắc
Quảng Trị đến Quảng Ngãi 4,0 – 6,0 vùng gần tâm
7,0 – 9,0
Nhiều hướng
Bình Định đến Ninh Thuận 4,0 – 6,0 Nhiều hướng
Bình Thuận đến Cà Mau 2,0 – 4,0 Tây đến Tây Nam
Cà Mau đến Kiên Giang 1,5 – 2,5 Tây đến Tây Nam
Vịnh Thái Lan 2,0 – 3,0 Tây đến Tây Nam
Bắc Biển Đông 4,0 – 6,0 Đông đến Đông Bắc
Giữa Biển Đông 4,0 – 6,0 Nhiều hướng
Nam Biển Đông 3,0 – 5,0 Tây đến Tây Nam
Quần đảo Hoàng Sa 4,0 – 6,0 Nhiều hướng
Quần đảo Trường Sa 3,0 – 4,0 Tây đến Tây Nam

 

Quảng Ngãi mất điện cục bộ

Tối 27/9, ngay trước giờ bão số 4 đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đi kiểm tra các điểm bố trí cho người dân tránh, trú bão trên địa bàn các xã Nghĩa Phú và Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thăm các điểm trú, tránh bão tập trung trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Nghiêm Hà
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thăm các điểm trú, tránh bão tập trung trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Nghiêm Hà

Tại các điểm đến thăm, Chủ tịch UBND tỉnh ân cần thăm hỏi, động viên bà con Nhân dân đang tránh trú bão an tâm nghỉ ngơi tại các điểm đã được chính quyền địa phương bố trí.

Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương quan tâm, chăm sóc sức khỏe, cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống; đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh, an toàn cho các hộ dân trong thời gian trú bão. Các lực lượng chức năng cắt cử người giám sát, bảo vệ tài sản cho bà con.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thăm các điểm trú, tránh bão tập trung, động viên bà con, nhân dân trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Nghiêm Hà
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thăm các điểm trú, tránh bão tập trung, động viên bà con, nhân dân trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Nghiêm Hà

Hiện tại, trên địa bàn huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 kèm mưa to. Đã có một số nhà dân bị tốc mái. Theo chính quyền địa phương, có một số ngôi nhà bị tốc mái, cây xanh ngã đổ. Tại TP Quảng Ngãi, một vài nơi xảy ra tình trạng mất điện cục bộ.

Nhiều tuyến đường lớn bị cấm 

Trao đổi với Zingnews.vn lúc 22h30, lãnh đạo Cục CSGT cho biết lực lượng CSGT từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã sẵn sàng vào vị trí. Cảnh sát sẽ yêu cầu phương tiện giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ tại hai đầu Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn, trừ phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe phòng chống lụt bão, xe công vụ…

Dự kiến, các tuyến đường sẽ bị cấm là: quốc lộ 1, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… từ 22h đêm nay theo dọc tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và từ các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.

Ảnh: Cục CSGT. 
Ảnh: Cục CSGT. 

Đảo Lý Sơn hứng gió giật cấp 11 liên tục nhiều giờ

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hứng gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 liên tục 5 giờ qua. Đây là khu vực được nhận định chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão Noru khi sức gió mạnh nhất có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15 ở thời điểm bão đổ bộ.

Hình ảnh ghi nhận tại huyện đảo Lý Sơn lúc 21 giờ 30 tối 27/9. Ảnh: Địa phương cung cấp. 
Hình ảnh ghi nhận tại huyện đảo Lý Sơn lúc 21 giờ 30 tối 27/9. Ảnh: Địa phương cung cấp. 

Bão cách Đà Nẵng 140km, Quảng Nam 127km, Quảng Ngãi 117km

Ảnh hưởng của bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió cấp 6, giật cấp 8; Huế có gió giật cấp 6; Đà Nẵng có gió giật cấp 7; Quy Nhơn có gió giật cấp 6; Tuy Hoà có gió giật cấp 6. Lượng mưa tính từ 07 giờ đến 20 giờ ngày 27/9 có nơi trên 180mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 197mm, Thọ Quang (Đà Nẵng) 200.4mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 201.2mm, Núi Thành (Quảng Nam) 185mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 188.6mm.

Lúc 21 giờ 45 phút, gió giật mạnh tại huyện Núi Thành. Clip: báo Quảng Nam

Vị trí tâm bão lúc 21 giờ ngày 27/9 khoảng 15.8oN; 109.6oE, cách Đà Nẵng khoảng 140km, cách Quảng Nam khoảng 127km, cách Quảng Ngãi khoảng 117km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất: cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 16.

Trung tâm dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.

Mặc dù rìa phía tây của cơn bão đã lấn sâu vào đất liền, khu vực phố cổ Hội An vẫn yên ắng. Trời mưa lớn nhưng không có gió. Người dân vẫn ra đường lúc 21 giờ.

Dù vậy, chuyên gia cảnh báo từ đêm nay (27/9) đến sáng 28/9 là thời điểm bão ảnh hưởng mạnh nhất tới đất liền. Người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà, tìm nơi an toàn để tránh trú. 

Từ 21 giờ ngày 27/9, tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn đang mưa to. Theo số liệu của Trạm khí tượng Trà My, lượng mưa đo được tại xã Trà Kót là 77,2 mm, Trà Kót là 76,2 mm và tại thị trấn Trà My là 68,6 mm.Toàn huyện đã thực hiện sơ tán tập trung trên 1.500 người và sơ tán ghép trên 10.500 người về nơi trú ẩn an toàn. Toàn huyện đã huy động trên 700 cán bộ, dân quân tự về, lực lượng xung kích tham gia trực hỗ trợ, ứng cứu khi cần thiết.

Bà con nhân dân Trà Nú, tỉnh Quảng Nam trú ẩn an toàn tại hội trường UBND xã. Ảnh: Báo Quảng Nam
Bà con nhân dân Trà Nú, tỉnh Quảng Nam trú ẩn an toàn tại hội trường UBND xã. Ảnh: Báo Quảng Nam

Bão số 4 có thể làm đắm tàu trọng tải lớn, có sức tàn phá lớn

Chuyên gia khí tượng cho rằng Noru là cơn bão lịch sử, có thể làm đắm tàu trọng tải lớn. Khi bão vào đất liền, dự báo gió ở cấp 12-14, giật cấp 15, có sức tàn phá lớn.

Trao đổi với báo chí chiều nay 27/9, ông Trần Quang Năng - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nhận định khi áp sát vào vùng biển nước ta, cường độ bão Noru duy trì cấp 14, giật cấp 16. Tới khi bão vào đất liền, dự báo bão ở cấp 12-14, giật cấp 15.

Dự báo đường đi của bão Noru chuẩn bị đổ bộ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Ảnh: NCHMF.
Dự báo đường đi của bão Noru chuẩn bị đổ bộ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Ảnh: NCHMF.

"Đây là con số lịch sử mà từ trước đến nay, bản tin dự báo của chúng ta chưa từng đề cập tới. Với cấp gió như vậy, sức tàn phá của bão rất lớn", ông Năng nói.

TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bắt đầu mưa lớn. Gió đã thổi mạnh, rít giật từng cơn liên tục. Hiện tại, một số khu vực đã mất điện cục bộ.Ảnh: Báo Quảng Nam
TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bắt đầu mưa lớn. Gió đã thổi mạnh, rít giật từng cơn liên tục. Hiện tại, một số khu vực đã mất điện cục bộ.Ảnh: Báo Quảng Nam

Theo vị chuyên gia, với cấp gió như vậy, tàu trọng tải lớn nằm trong vùng biển có bão đi qua có thể bị đánh đắm. Khi vào ven bờ, toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Cột sóng cao có thể gây đắm nhiều tàu, thuyền, kể cả khi neo đậu ở cầu cảng kín.

Tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, lúc này đang mưa nặng hạt, gió giật nhẹ. Ngoài đường vắng tanh, không bóng người. Ảnh: Báo Quảng Nam
Tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, lúc này đang mưa nặng hạt, gió giật nhẹ. Ngoài đường vắng tanh, không bóng người. Ảnh: Báo Quảng Nam

Trên đất liền, cấp bão có sức gió 12-14, giật cấp 15. Bão có thể tàn phá nhiều công trình, nhà cửa không kiên cố và ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động giao thông.

Hiện trường lốc xoáy ở Quảng Trị. Ảnh: Minh Thuận/Vietnamnet.vn
Hiện trường lốc xoáy ở Quảng Trị. Ảnh: Minh Thuận/Vietnamnet.vn

Dự kiến, bão đổ bộ vào đất liền 21-22 giờ hôm nay đến 5-7 giờ ngày mai. Ông Năng khuyến cáo toàn bộ người dân ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và phía bắc Bình Định tìm nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không ra khỏi nhà để hạn chế thiệt hại do cơn bão lịch sử gây ra.

Mặc dù suy yếu khi càn quét qua Philippines, Noru sẽ trở thành một cơn bão cấp 3 khi đi qua vùng nước ấm ở Biển Đông, theo Yale Climate Connections. Bão Noru trở thành một trong những cơn bão có tốc độ gió tăng nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Trái Đất hiện đại. Theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp của Mỹ (JTWC), khi ở ngoài khơi Thái Bình Dương, sức gió cực đại của Noru tăng từ 80 km/h (cấp 9) vào ngày 24/9 lên 249 km/h (cấp 19) chỉ trong 24 giờ sau đó.

Sức gió của bão Noru chạm mốc cấp 5, cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir-Simpson. Các nhà khí tượng học chỉ ghi nhận một số ít cơn bão mạnh lên rất nhanh như Noru, theo NASA.

Yale Climate Connections cho biết mức tăng 169 km/h trong vòng 24 giờ của Noru xếp thứ 5 trong bảng kỷ lục toàn cầu. Xếp trên Noru là bão Patricia vào năm 2015 (193 km/h), Hagibis năm 2019 (193 km/h), Ambali năm 2017 (193 km/h) và Ernie năm 2017 (185 km/h).

CSGT điều tiết, yêu cầu phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1 vào tránh trú bão an toàn. Clip: Báo Quảng Nam

Yale Climate Connections là chương trình của Trung tâm Truyền thông Môi trường Yale (YCEC), do tiến sĩ Anthony Leiserowitz thuộc Viện Môi trường, Đại học Yale, điều hành.

Theo đó, điều đáng chú ý là tất cả các cơn bão nhiệt đới này đã xảy ra trong bảy năm qua. Các đại dương ấm hơn do biến đổi khí hậu làm tăng đáng kể tỷ lệ xảy ra những cơn bão mạnh bất ngờ.

Trên hình ảnh vệ tinh, mắt bão Noru rất rõ và sắc nét, hoàn lưu hẹp với mây bão xoắn mạnh. Đây là cấu trúc điển hình của những cơn siêu bão.

Thông tin trên báo Quảng Nam, trên địa bàn huyện Thăng Bình, có gió giật nhẹ và mưa lớn nhiều nơi. Tại xã Bình Dương, lượng mưa đo được là 146mm. Các xã Bình Quế, Bình Chánh và Bình Phú đã bị mất điện.

Huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đảm bảo lương thực cho người dân trong những ngày tránh trú bão. Ảnh: Báo Quảng Nam
Huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đảm bảo lương thực cho người dân trong những ngày tránh trú bão. Ảnh: Báo Quảng Nam

Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch UBND xã Bình Minh, hiện nay các lực lượng của xã và Đồn Biên phòng Bình Minh đã hoàn thành việc rà soát và chằng chống nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão. Đồng thời di dời khoảng 90 hộ với gần 290 nhân khẩu đến những nhà kiên cố tránh trú; vận động gần 50 người dân đến trú bão tại trụ sở UBND xã.

Người dân đi tránh bão được hỗ trợ các bữa ăn tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Quảng Nam
Người dân đi tránh bão được hỗ trợ các bữa ăn tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Quảng Nam

UBND huyện Thăng Bình cho hay huyện đã di dời những trường hợp tàn tật, neo đơn, già yếu đến trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Lực lượng xung kích các xã vẫn đang tiếp tục vận động, di dời những người dân vùng ven biển, trũng thấp đến nơi tránh trú an toàn và đảm bảo chỗ ở, lương thực cho mọi người.

Clip người dân tránh bão tại Quảng Nam. Nguồn: Báo Quảng Nam

Lúc 20 giờ 20 phút, tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, ông Võ Ngọc Phương - Bí thư Đảng ủy xã Phước Gia cho biết trên địa bàn xã đang có mưa khá lớn, lực lượng thường trực phòng chống lụt bão xã đang tổ chức kiểm tra tại các thôn. Trước đó, xã sơ tán tập trung 263 hộ dân với 915 nhân khẩu đến trụ sở UBND xã, trường học để tránh trú bão.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Tất cả vì tính mạng và tài sản của người dân”

Chiều tối 27/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì buổi họp khẩn trực tuyến với 8 tỉnh, TP và các bộ, ban ngành có liên quan về công tác phòng, chống bão số 4 (Noru).

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã lắng nghe các tỉnh, thành nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum) báo cáo về tình hình ứng phó với cơn bão số 4.

[Tường thuật đêm siêu bão] Bão đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam gây mưa to diện rộng - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành họp khẩn trực tuyến với các tỉnh, TP tại đầu cầu Quảng Trị.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 4 với tổng số trên 118.000 hộ/gần 403.000 người.

Tính đến 17 giờ ngày 27/9, các tỉnh, TP đã sơ tán hơn 81.100 hộ/253.000 người. 10 tỉnh, TP từ Quảng Trị đến Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao...

Hiện còn hơn 4.780 khách du lịch tại các tỉnh, TP từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Một số du khách trên các đảo đã được thông báo và di chuyển vào đất liền đến nơi tránh trú an toàn.

Tại các tỉnh ven biển, hiện không còn tàu cá hoạt động trong khu vực nguy hiểm và đã vào khu vực neo đậu tránh bão. Các địa phương và lực lượng chức năng đã hướng dẫn cho trên 57.800 tàu với hơn 299.700 lao động di chuyển đến khu vực an toàn. Các tỉnh, TP từ Quảng Bình - Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm biển.

[Tường thuật đêm siêu bão] Bão đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam gây mưa to diện rộng - Ảnh 3
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tại khu vực thiệt hại do lốc xoáy xảy ra chiều 27/9 tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tại các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku đã tạm dừng khai thác từ 12 giờ ngày 27/9 đến 12 giờ ngày 28/9. Lực lượng chức năng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Bình Định đã tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A từ 18 giờ đến 21 giờ ngày 27/9.

Tại các địa phương, lực lượng chức năng đã triển khai công tác ứng trực, duy trì lực lượng tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng với trên 244.700 cán bộ, chiến sĩ và hơn 2.900 phương tiện.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ

Độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) tính đến thời điểm 19 giờ ngày 27 tháng 9 năm 2022: Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định, Kon Tum đã bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa, trên 90%

Ảnh mây vệ tinh lúc 20 giờ 30 ngày 27/9/2022 cho thấy vùng mây bão đã quét sâu vào ven biển miền Trung. Ảnh: Zoom.earth
Ảnh mây vệ tinh lúc 20 giờ 30 ngày 27/9/2022 cho thấy vùng mây bão đã quét sâu vào ven biển miền Trung. Ảnh: Zoom.earth

Trong 06 giờ qua (từ 13 giờ đến 19 giờ ngày 27/9), ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như: Vĩnh Kim 157,8 mm (Quảng Trị), Cù Lao Chàm 152,6 mm (Quảng Nam), Bạch Mã 144,2 mm (Thừa Thiên Huế), Trà Phú 130,8 mm (Quảng Ngãi)…

Trung tâm dự báo trong 6 giờ tới, một số khu vực thuộc các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định, Kon Tum tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 60-100mm, cục bộ có nơi trên 180mm.

Trung tâm cảnh báo, nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc đối với một số huyện.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8,...

Dọc hai bên đường Quốc lộ 9, đoạn đi qua thị trấn Cửa Việt có nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây cối gãy đổ, bảng quảng cáo bị sập ngổn ngang. Nghiêm trọng nhất là tại chợ Cửa Việt. Lốc xoáy đã làm sập mái, tốc mái, vỡ cửa kính nhiều quầy hàng, ki ốt trong chợ. Khu vực bán mặt hàng tươi sống bị sập mái toàn bộ. Ảnh: Báo Quảng Trị
Dọc hai bên đường Quốc lộ 9, đoạn đi qua thị trấn Cửa Việt có nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây cối gãy đổ, bảng quảng cáo bị sập ngổn ngang. Nghiêm trọng nhất là tại chợ Cửa Việt. Lốc xoáy đã làm sập mái, tốc mái, vỡ cửa kính nhiều quầy hàng, ki ốt trong chợ. Khu vực bán mặt hàng tươi sống bị sập mái toàn bộ. Ảnh: Báo Quảng Trị

Hồi 19 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

19 giờ ngày 27/9, tâm bão Noru cách Đà Nẵng khoảng 186 km, Quảng Nam khoảng 170 km, Quảng Ngãi khoảng 147 km về phía đông. Bão duy trì sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166 km/h).
19 giờ ngày 27/9, tâm bão Noru cách Đà Nẵng khoảng 186 km, Quảng Nam khoảng 170 km, Quảng Ngãi khoảng 147 km về phía đông. Bão duy trì sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166 km/h).

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 07 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13. 

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, di chuyển sang Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8. 

 Nhiều cửa hàng bán vàng bạc, đá quý thiệt hại nặng nề vì lốc xoáy cuốn phăng các tủ đựng vàng bạc hất ra sát hàng rào chợ. Đến tối cùng ngày, người dân và lực lượng chức năng vẫn đang dọn dẹp chợ, thu dọn những gì còn dùng được để mang về. Ảnh: Báo Quảng Trị
 Nhiều cửa hàng bán vàng bạc, đá quý thiệt hại nặng nề vì lốc xoáy cuốn phăng các tủ đựng vàng bạc hất ra sát hàng rào chợ. Đến tối cùng ngày, người dân và lực lượng chức năng vẫn đang dọn dẹp chợ, thu dọn những gì còn dùng được để mang về. Ảnh: Báo Quảng Trị

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.  

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, thống kê sơ bộ, lốc xoáy khiến 180 quầy hàng, ki ốt và 120 nhà dân bị sập, tốc mái; 3 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương tương đối nặng, những người này đang điều trị tại bệnh viện. Huyện đã huy động lực lượng tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng ổn định sinh hoạt, khắc phục thiệt hại. Hiện, lực lượng chức năng vẫn đang thống kê thiệt hại do lốc xoáy gây ra. Ảnh: Báo Quảng Trị
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, thống kê sơ bộ, lốc xoáy khiến 180 quầy hàng, ki ốt và 120 nhà dân bị sập, tốc mái; 3 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương tương đối nặng, những người này đang điều trị tại bệnh viện. Huyện đã huy động lực lượng tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng ổn định sinh hoạt, khắc phục thiệt hại. Hiện, lực lượng chức năng vẫn đang thống kê thiệt hại do lốc xoáy gây ra. Ảnh: Báo Quảng Trị

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội.

Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,2-1,7m (Quảng Bình: 1,2m; Quảng Trị: 1,3m; Huế: 1,5m; Đà Nẵng: 1,7m; Quảng Nam: 1,5m; Quảng Ngãi: 1,0m), mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 1,5-2,5m (Quảng Bình: 1,6m; Quảng Trị: 2,0m; Huế: 1,8m; Đà Nẵng: 2,5m; Quảng Nam: 2,5m; Quảng Ngãi: 1,5m), nguy cơ cao ngập tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng bão kết hợp sóng lớn.

Thông tin từ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường chiều nay 27/9 cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 325 người vào trú ẩn ở 2 hầm Đồi A37 và Đồi A63 để tránh bão số Noru. Người dân, công nhân, lao động  ở huyện đảo Cồn Cỏ được sơ tán xuống các hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ - Ảnh: HĐCC/baoquangtri
Thông tin từ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường chiều nay 27/9 cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 325 người vào trú ẩn ở 2 hầm Đồi A37 và Đồi A63 để tránh bão số Noru. Người dân, công nhân, lao động  ở huyện đảo Cồn Cỏ được sơ tán xuống các hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ - Ảnh: HĐCC/baoquangtri

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: từ đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Lực lượng xung kích xã vùng biển Duy Hải, tỉnh Quảng Nam  đưa thức ăn và nước uống đến từng phòng phục vụ người dân. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi bão Noru sắp đổ bộ, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) đã mở cửa đón những người dân trong khu vực nguy hiểm đến tránh bão. Ảnh: Báo Quảng Nam
Lực lượng xung kích xã vùng biển Duy Hải, tỉnh Quảng Nam  đưa thức ăn và nước uống đến từng phòng phục vụ người dân. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi bão Noru sắp đổ bộ, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) đã mở cửa đón những người dân trong khu vực nguy hiểm đến tránh bão. Ảnh: Báo Quảng Nam

Cảnh báo mưa lớn: từ đêm 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Cấp độ rủi ro thiên tai:
Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Quảng Ngãi: cấp 4.
Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: cấp 3.   

253.000 người dân đã được sơ tán an toàn

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến tối 27/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định đã sơ tán hơn 81.000 hộ dân tương ứng trên 253.000 người đến nơi an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam huy động khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ việc ăn uống, sinh hoạt được đảm bảo cho người dân. Ngoài ra, một tổ quân y được cử thường trực nhằm thăm khám khi người dân cần giúp đỡ. Ảnh: Thanh Đức/Zingnews.vn
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam huy động khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ việc ăn uống, sinh hoạt được đảm bảo cho người dân. Ngoài ra, một tổ quân y được cử thường trực nhằm thăm khám khi người dân cần giúp đỡ. Ảnh: Thanh Đức/Zingnews.vn

8 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Một số địa phương cũng cho cán bộ, công nhân viên nghỉ làm ngày 27-28/9.

Hiện, gần 4.800 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú.

Đà Nẵng mưa xối xả, vận động ngư dân lên bờ tránh bão

Đến 20 giờ 30, tại Đà Nẵng những cơn gió thổi mạnh, mưa xối xả. Trong khi đó, TP Đà Nẵng cũng đã đóng cầu Thuận Phước (vì gần cửa biển) để không cho người và phương tiện lưu thông. Ở dưới sông Hàn, nhiều ngư dân vẫn ở lại trên thuyền, chưa chịu lên bờ.

Công an Đà Nẵng vận động ngư dân dưới tàu lên bờ trú bão. Ảnh: Đoàn Nguyên/ Zingnews.vn
Công an Đà Nẵng vận động ngư dân dưới tàu lên bờ trú bão. Ảnh: Đoàn Nguyên/ Zingnews.vn

Trước tình hình đó, Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Thủy đoàn, Bộ đội biên phòng, Công an quận Ngũ Hành Sơn tổ chức xuống từng tàu, thuyền vận động đưa người dân lên bờ trú tránh. Trên các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng rất ít người di chuyển. Tại một số tuyến đường đã xuất hiện cây xanh ngã đổ.

Một máy bay của Pacific Airlines gặp sự cố kỹ thuật, kẹt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho hay, ngày 29/7, một máy bay của hãng hàng không Pacific Airlines bị sự cố kỹ thuật, kẹt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sắp đến giờ sân bay này đóng cửa, dừng khai thác, chiếc máy bay này vẫn chưa khắc phục được sự cố.

[Tường thuật đêm siêu bão] Bão đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam gây mưa to diện rộng - Ảnh 4
Chiếc máy bay bị mắc kẹt tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Trước tình hình đó, các hành khách trên chuyến bay này được chuyển qua chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines để tiếp tục hành trình.

Ngay sau đó, nhân viên phục vụ tại mặt đất đã neo máy bay gặp sự cố tại sân bay Đà Nẵng để tránh nguy cơ hư hỏng khi bão đổ bộ.

Ông Hoàng Hữu Cương, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cho biết đến chiều nay, không còn hành khách kẹt ở sân bay Đà Nẵng.

Người dân ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam, được đưa đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tránh trú trước khi bão Noru đổ bộ. Ảnh: Thanh Đức/Zingnews.vn
Người dân ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam, được đưa đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tránh trú trước khi bão Noru đổ bộ. Ảnh: Thanh Đức/Zingnews.vn

Bình Định: Nghỉ làm việc ngày 28/9 để tránh bão

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang vừa ký Thông báo số 235/TB-UBND ngày 27/9 về việc nghỉ làm việc để ứng phó bão Noru (bão số 4).

Theo Thông báo, bão số 4 dự kiến đổ bộ vào đất liền trên địa bàn tỉnh từ khoảng 21 giờ ngày 27/9 đến 6 giờ ngày 28/9.

Người dân được di chuyển đến nơi an toàn tránh bão Noru. Ảnh: Trung Vũ
Người dân được di chuyển đến nơi an toàn tránh bão Noru. Ảnh: Trung Vũ

Để đảm bảo an toàn trong công tác ứng phó với bão số 4, UBND tỉnh Bình Định thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Chính quyền và Đoàn thể trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc ngày 28/9 (trừ các bộ phận được phân công tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 4 và các lực lượng khác do thủ trưởng cơ quan quyết định).

Đối với các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh chủ động phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đàm bảo an yêu cầu phòng, chống bão số 4.

UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà kể từ 21 giờ ngày 27/9 cho đến khi hết bão, ngoại trừ các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 4 và các tình huống khẩn cấp.

Đến 15 giờ ngày 27/9, Bình Định đã di dời được 3.228 hộ với 11.244 người ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Trong đó, thị xã Hoài Nhơn đã di dời được 1.723 hộ/5.842 nhân khẩu; Phù Mỹ 280 hộ/1.025 nhân khẩu; Phù Cát 150 hộ/603 nhân khẩu; Tuy Phước 382 hộ/1.328 nhân khẩu; TP Quy Nhơn 9 hộ/70 nhân khẩu; thị xã An Nhơn 262 hộ/1.050 nhân khẩu (sơ tán xen ghép); An Lão 211 hộ /641 nhân khẩu; Hoài Ân: 64 hộ /127 nhân khẩu; Tây Sơn: 140 hộ/558 nhân khẩu.

Theo kế hoạch, Bình Định có 18.995 hộ/65.404 người dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm cần phải di dời đến nơi an toàn. Hiện công tác sơ tán dân đã và đang được các địa phương thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Dừng hoạt động 10 sân bay

Để bảo đảm an toàn hàng không, 10 sân bay đã tạm dừng hoạt động và có kế hoạch tạm dừng hoạt động. Cụ thể, đã tạm thời dừng hoạt động bay đối với 8 cảng hàng không gồm: Pleiku, Phú Bài, Phù Cát, Chu Lai, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Liên Khương; Có kế hoạch tạm thời dừng hoạt động 2 cảng hàng không gồm: Đồng Hới (22 giờ ngày 27/9); Vinh (từ 3 giờ ngày 28/9).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thăm hỏi, động viên người dân tại tỉnh Quảng Trị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thăm hỏi, động viên người dân tại tỉnh Quảng Trị.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì, phối hợp gửi tin nhắn cảnh báo bão số 4 và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh. Đến 17 giờ ngày 27/9, đã nhắn cho 11,27 triệu thuê bao, trong đó 4,8 triệu người qua Zalo và 6,47 triệu thuê bao qua SMS biết về diễn biến của bão số 4.

 

Ngày 27/9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình Đặng Ngọc Tuấn đã ký ban hành Công điện số 1879/SGDĐT-VP, yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh thông báo cho học sinh nghỉ học từ 28/9 cho đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên.

Các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Căn cứ tình hình của bão số 4, các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định dự kiến cấm đường Quốc lộ 1 bắt đầu từ 19 giờ - 21 giờ ngày 27/9.

Lúc 18 giờ, theo ghi nhận của PV Kinh tế & Đô thị tại Đà Nẵng có mưa to và gió rít mạnh.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho hay, vị trí tâm bão lúc 18 giờ ngày 27/9 khoảng 15.70N; 110.30E, cách Đà Nẵng khoảng 220km, cách Quảng Nam khoảng 201km, cách Quảng Ngãi khoảng 174km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 17. Dự báo: trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.

Cây ngã đổ ở đường biển Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải
Cây ngã đổ ở đường biển Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải

Bãi biển Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng

Quảng Trị: Lốc xoáy làm 4 người bị thương

Vào khoảng 15 giờ 15 phút ngày 27/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, một trận lốc xoáy bất ngờ quét qua khu vực chợ Cửa Việt và khu dân cư khu phố 3 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh). Theo những người dân chứng kiến, chỉ trong vòng 10 - 15 phút, trận lốc xoáy với tốc độ gió kinh hoàng đã khiến không người nào kịp trở tay.

Mái tôn, bị xé nát hoặc thổi bay khi trận lốc đi qua. Ảnh: Minh Tân
Mái tôn, bị xé nát hoặc thổi bay khi trận lốc đi qua. Ảnh: Minh Tân

Ghi nhận tại hiện trường, trận lốc xoáy đã khiến đổ rạp nhiều bảng hiệu, cây xanh, nhiều mái tôn hàng quán, nhà cửa bị thổi bay hoặc ngã đổ. Đặc biệt, tại khu vực chợ Cửa Việt, toàn bộ phần mái tôn phía trên bị lốc cuốn đi, nhiều gian hàng bị tốc mái, bảng hiệu, tường rào bị ngã đổ.

 

Theo Hải đoàn 129, đến sáng 27/9, tình hình thời tiết tại quần đảo Trường Sa tiếp tục diễn biến phức tạp, độ cao sóng 3,5-5 m, gió giật cấp 8, cấp 9. Các âu tàu, làng chài tiếp tục đón các tàu cá ngư dân vào tránh trú bão. 2 âu tàu (đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn) và 2 làng chài (đảo Núi Le, đảo Tốc Tan) đã sắp xếp cho 55 lượt tàu cá ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Võ Đắc Hóa - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, theo thông tin ban đầu, trận lốc đã làm đổ sập khá nhiều căn nhà khiến 4 người bị thương. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang thống kê.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo UBND thị trấn Cửa Việt, các lực lượng chức năng khẩn trương ứng cứu, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do trận lốc xoáy. Đồng thời, tiến hành đưa người bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện.

Cơn lốc quét qua khu dân cư, khu phố 3, thị trấn Cửa Việt khiến nhiều nhà cửa bị hư hại, đổ sập. Ảnh: Minh Tân
Cơn lốc quét qua khu dân cư, khu phố 3, thị trấn Cửa Việt khiến nhiều nhà cửa bị hư hại, đổ sập. Ảnh: Minh Tân

Bão số 4  cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Hồi 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-16km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Trung tâm dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 04 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. 

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó tiếp tục di chuyển sang Lào và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. 

Khi cách đất liền 300 km, bão Noru đã gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Hình ảnh lúc 13h cho thấy khu vực có mưa bão mạnh khiến cây cối nghiêng ngả.
Khi cách đất liền 300 km, bão Noru đã gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Hình ảnh lúc 13h cho thấy khu vực có mưa bão mạnh khiến cây cối nghiêng ngả.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.  

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.    

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ

Vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội.

Đường đi của bão số 4. Ảnh: nchmf.gov.vn
Đường đi của bão số 4. Ảnh: nchmf.gov.vn

Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,2-1,7m (Quảng Bình: 1,2m; Quảng Trị: 1,3m; Huế: 1,5m; Đà Nẵng:1,7m; Quảng Nam: 1,5m; Quảng Ngãi: 1,0m) mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 1,5-2,5m (Quảng Bình: 1,6m; Quảng Trị: 2,0m; Huế: 1,8m; Đà Nẵng: 2,5m; Quảng Nam: 2,5m; Quảng Ngãi: 1,5m), nguy cơ cao ngập tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền

Từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Cảnh báo mưa lớn

Từ đêm 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất, ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Cấp độ rủi ro thiên tai

Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: cấp 4

Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: cấp 3.   

Dự báo sóng biển trong vòng 24 giờ tới

Vùng biển Độ cao (m) Hướng
Bắc vịnh Bắc Bộ 2,0 – 4,0 Đông Bắc
Nam vịnh Bắc Bộ 3,0 – 5,0 Nhiều hướng
Quảng Trị đến Quảng Ngãi 4,0 – 6,0 vùng gần tâm
7,0 – 9,0
Nhiều hướng
Bình Định đến Ninh Thuận 4,0 – 6,0 vùng gần tâm
6,0 – 8,0
Nhiều hướng
Bình Thuận đến Cà Mau 3,0 – 4,0 Tây đến Tây Nam
Cà Mau đến Kiên Giang 1,5 – 2,5 Tây đến Tây Nam
Vịnh Thái Lan 2,0 – 3,0 Tây đến Tây Nam
Bắc Biển Đông 4,0 – 6,0 Đông đến Đông Bắc
Giữa Biển Đông 4,0 – 6,0 vùng gần tâm
7,0 – 9,0
Nhiều hướng
Nam Biển Đông 3,0 – 5,0 Tây đến Tây Nam
Quần đảo Hoàng Sa 5,0 – 7,0 vùng gần tâm
7,0 – 9,0
Nhiều hướng
Quần đảo Trường Sa 3,0 – 4,0 Tây đến Tây Nam

 

Quảng Ngãi: Từ 20 giờ, người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà

Nếu không có việc cấp thiết thì tuyệt đối không ra khỏi nhà, cũng như không được rời khỏi nơi trú tránh bão để quay về nhà kể từ 20 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới. 

Đây là một trong những chỉ đạo mới nhất trong Công văn hỏa tốc về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 4- bão Noru, được tỉnh Quảng Ngãi phát đi vào chiều 27/9.

Người dân xã Bình Đông (Bình Sơn) ở nơi trú tránh bão tập trung. Ảnh: Ngọc Hà
Người dân xã Bình Đông (Bình Sơn) ở nơi trú tránh bão tập trung. Ảnh: Ngọc Hà

Công văn này cũng yêu cầu các địa phương sử dụng tất cả phương tiện truyền thông hiện có và thực hiện ngay phương án “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện.

Đà Nẵng đã có mưa to, gió rít

Theo ghi nhận của PV Kinh tế & Đô thị, từ đầu giờ chiều 27/9, tại TP Đà Nẵng có mưa to đến rất to. Nhiều thời điểm mưa trắng trời. Kèm với đó, người dân cảm nhận được gió bắt đầu rít nhẹ.

Di chuyển bằng xe máy dọc các tuyến đường ven biển Đà Nẵng lúc 14 giờ 30 chiều nay, PV gặp nhiều khó khăn vì mưa rất nặng hạt kèm với gió thổi mạnh. Đặc biệt tại những khu vực trống hoặc có nhà cao tầng, gió xoáy khá mạnh.

Tại biển Nguyễn Tất Thành, sóng biển dâng cao khoảng 2m, liên tục đánh vào bờ.

Từ chiều 27/9, tại Đà Nẵng đã có mưa to, gió bắt đầu rít. Ảnh: Quang Hải
Từ chiều 27/9, tại Đà Nẵng đã có mưa to, gió bắt đầu rít. Ảnh: Quang Hải

Trên hầu hết tuyến đường ở Đà Nẵng từ chiều nay đều đã ít phương tiện lưu thông qua lại. Người dân khẩn trương chèn chống, neo cột lại nhà cửa để sẵn sàng ứng phó với cơn bão mạnh Noru dự báo sắp đổ bộ vào đất liền miền Trung.

Sóng cao khoảng 2m tại biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng lúc 15 giờ ngày 27/9. Ảnh: Quang Hải
Sóng cao khoảng 2m tại biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng lúc 15 giờ ngày 27/9. Ảnh: Quang Hải

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành công văn yêu cầu người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ ngày 27/9 để bảo đảm an toàn. 

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên tàu cá, lán trại tạm công trình đang xây dựng từ 14 giờ ngày 27/9, cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4. 

21 đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giảm nhẹ rủi ro bão số 4

Cuối giờ chiều 27/9, các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm lên phương án đánh giá, làm cơ sở kích hoạt cứu trợ chủ động với ảnh hưởng của bão số 4 đối với một số địa phương miền Trung Việt Nam.

Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại bến cảng TP Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại bến cảng TP Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải

Cuộc họp có sự tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến của 21 đối tác quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó có một số tổ chức, đơn vị thuộc Liên Hợp quốc như Quỹ Nhi đồng (UNICEF), Chương trình Phát triển (UNDP), Quỹ Dân số (UNFPA), Tổ chức Nông lương (FAO); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế (JICA); các đại sứ quán: Australia, Canada, Hàn Quốc…

Cuộc họp các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai chiều 27/9. Ảnh: Lâm Nguyễn
Cuộc họp các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai chiều 27/9. Ảnh: Lâm Nguyễn

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT) đã thông tin đến các đối tác về diễn biến bão số 4. Đây là cơn bão được cơ quan khí tượng nhận định là mạnh nhất trong vòng 20 năm. Dự kiến, bão đổ bộ Thừa Thiên Huế - Bình Định vào rạng sáng 28/9.