“Bão giá” càn quét, cao tốc Bắc – Nam đứng trước nhiều thách thức

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng, dầu tăng phi mã kéo theo nhiều dịch vụ và mặt hàng cũng tăng chóng mặt. “Bão giá” càn quét khiến “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam đang đứng trước nhiều thách thức.

Vật liệu xây dựng tăng khiến nhiều nhà thầu tại cao tốc Bắc - Nam gặp khó. (Ảnh: Hòa Thắng).
Vật liệu xây dựng tăng khiến nhiều nhà thầu tại cao tốc Bắc - Nam gặp khó. (Ảnh: Hòa Thắng).

Hoa mắt vì “bão giá”

Chỉ trong một thời gian ngắn, giá xăng, dầu đã liên tục “phá kỉ lục” và đang neo giữ ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Và như một hệ quả tất yếu, hàng loạt mặt hàng thiết yếu cho công tác thi công cao tốc Bắc – Nam phía Đông như: vật liệu xây dựng, vật liệu nền, dịch vụ vận tải...  tăng theo giá xăng, dầu.

Đầu tiên là giá vật liệu xây dựng. Nhiều nhà thầu tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng vì giá vật liệu xây dựng tăng gấp nhiều lần so với thời điểm bỏ thầu.

Đơn cử, tại đoạn tuyến Mai Sơn – QL45, đại diện nhà thầu cho biết, vào cuối năm 2020, giá thép xây dựng khoảng 11.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng gấp đôi, vào khoảng hơn 20.000 đồng/kg. Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều lỗ nặng, càng thi công càng lỗ. Nếu tính theo giá hiện tại nhà thầu sẽ lỗ khoảng 30 - 40 tỷ đồng

Đại diện nhà thầu nhận định, giá thép như hiện nay đã vượt quá 50% so với dự toán. Dù dự án được phép điều chỉnh giá nhưng mức điều chỉnh giá phải theo chỉ số của tỉnh, chủ yếu dao động bù giá khoảng 5 - 8%. Bởi thế, dù có được điều chỉnh cũng không thể giúp nhà thầu bù được giá thực tế.

Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đại diện nhà thầu cho hay, vào thời điểm ký hợp đồng gói thầu số 4 dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, giá thép chỉ 11.531 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay, giá thép đã tăng lên tới hơn 20.000 đồng/kg.

Hay như tại gói thầu số 3 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, tại thời điểm ký hợp đồng, giá thép chỉ 12.121 đồng/kg, vật liệu đất 85.500 đồng/m3, cát 330.000 đồng/m3, nhựa đường 10 triệu đồng/tấn.

Sau khi xăng, dầu tăng giá, hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng đều tăng theo. Hiện, giá thép nhà thầu phải mua là 19.100 đồng/kg; đất 158.175 đồng/m3, cát 410.000 đồng/m3; nhựa đường 14,4 triệu đồng/tấn.

Theo tính toán, giá vật liệu xây dựng từ đầu năm 2021 tới nay tăng quá nhanh, ước tính đội giá thêm 20 - 30% so với đơn giá ban đầu trong hợp đồng ký kết. Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang lỗ nặng.

Giám đốc Ban QLDA Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, dù các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông có áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, trong hợp đồng cũng đã cộng dự trù trượt giá song do giá nguyên vật liệu các loại tăng quá nhanh, nên phần dự phòng không đủ bù đắp.

“Một số loại nhiên vật liệu có mức tăng đột biến, chỉ số giá địa phương công bố chưa phản ánh đúng giá thực tế thị trường nên các nhà thầu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án” – ông Dương Viết Roãn cho hay.

"Bão giá" kéo dài có thể ảnh hưởng đến tiến độ cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: Mạnh Thắng).
"Bão giá" kéo dài có thể ảnh hưởng đến tiến độ cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: Mạnh Thắng).

Không để “bão giá” kéo dài

Trên thực tế, từ tháng 2/2022, nắm bắt được tình hình giá vật liệu sẽ gia tăng, gây khó cho các dự án giao thông trọng điểm, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị địa phương rà soát, thống kê những mỏ vật liệu xây dựng đang khai thác và đã có trong quy hoạch nhằm kiểm tra trữ lượng, chất lượng theo yêu cầu của dự án.

Đặc biệt, để phòng ngừa tình trạng nâng giá vật liệu xây dựng, gây khó khăn cho dự án đường cao tốc, Bộ GTVT đề nghị các địa phương công bố giá loại vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi...) đến chân công trình cho từng gói thầu.

Bộ GTVT nhấn mạnh, việc công bố giá vật liệu xây dựng phải phù hợp yêu cầu thiết kế, kỹ thuật, mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá trên thị trường khu vực xây dựng.

Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của giá xăng, dầu trong thời gian qua nên giá các loại vật liệu xây dựng đã liên tục leo thang khiến cho nhiều nhà thầu tại cao tốc Bắc – Nam gặp khó.

Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các DN làm cao tốc càng sớm càng tốt bởi nếu “bão giá” tiếp tục kéo dài, không loại trừ sẽ có DN nghĩ tới giải pháp đối phó, thi công cầm chừng, kéo dài thời gian nhằm chờ giá vật liệu hạ nhiệt.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, vật liệu xây dựng là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn tại các dự án đường cao tốc. Trong đó, sắt, thép, xi măng là những vật liệu quan trọng hàng đầu. Chính bởi thế, việc giá vật liệu xây dựng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án.

“Với mức tăng giá vật liệu xây dựng như hiện nay, các DN làm cao tốc sẽ không có lãi. Thậm chí họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ nếu bão giá tiếp tục kéo dài” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có ba nguyên nhân khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua. Đầu tiên do hiệu ứng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, từ đó khiến giá thành sản phẩm tăng cao.

Nguyên nhân thứ hai do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong nước tăng cao trong thời gian qua. Đặc biệt, thời gian qua nhiều dự án xây dựng hạ tầng sử dụng ngân sách Nhà nước liên tục được triển khai. “Khi nhiều dự án cùng thực hiện, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cũng sẽ cao hơn” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.

Một nguyên nhân nữa khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao do giá xăng, dầu tăng đột biến trong thời gian ngắn trở lại đây. PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, xăng, dầu là mặt hàng có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường. Khi xăng, dầu tăng giá sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo. Trong đó, giá vật liệu xây dựng cũng không phải là ngoại lệ.

 

Tổng cục Thống kê cho biết, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng, dầu thế giới tăng đã khiến giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, nguyên vật liệu trong nước cũng tăng bởi ảnh hưởng giá dịch vụ vận tải, logistics tăng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần