Hạt Rutherford, một trong những nơi bị bão Helene tàn phá nặng nề nhất ở bang Bắc Carolina (Mỹ), hôm 2/10 đã mở cuộc họp công khai để thảo luận về mức độ thiệt hại do bão gây ra và lên phương án tìm kiếm cứu nạn.
Nhưng chỉ trong vài giờ, một số thuyết âm mưu trên mạng xã hội khẳng định cuộc họp thực chất là một “cuộc thảo luận bí mật” về việc san ủi, tịch thu đất để bán kiếm lời hoặc khai thác lithium. Các thông tin trên lan tràn tới mức Bryan King, Chủ tịch Ủy ban hạt Rutherford, phải lên tiếng cải chính. "Nguồn lithium duy nhất ở đây nằm trong các cục pin 9 volt được bán ở những cửa hàng địa phương", vị chủ tịch nói rõ.
Nguy hiểm như ... bão thật
Theo báo New York Times, sau khi bão Helene tàn phá miền Đông Nam nước Mỹ, đặc biệt là các bang Georgia và Bắc Carolina, một làn sóng thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu đang gây trở ngại nghiêm trọng cho công tác cứu trợ. Tình trạng này không chỉ làm chậm quá trình phục hồi mà còn đe dọa sự an toàn của cả nạn nhân lẫn nhân viên cứu hộ.
"Trong gần 20 năm làm việc, tôi chưa từng thấy một thảm họa nào có nhiều thông tin sai lệch đến vậy", Samantha Montano, Phó giáo sư quản lý tình trạng khẩn cấp tại Học viện Hàng hải bang Massachusetts (Mỹ) cho hay.
Aaron Ellenburg, cảnh sát trưởng của quận Rutherford, đã dành nhiều ngày để bác bỏ những tuyên bố vô căn cứ về việc các khu dân cư bị san phẳng để khai thác lithium hay thậm chí che đậy những thi thể còn sót lại sau cơn bão. "Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy", ông Ellenburg bộc bạch. "Tôi phát ngán với thứ vớ vẩn này".
Các thông tin thất thiệt không chỉ lan truyền trong cộng đồng địa phương mà còn được khuếch đại bởi những nhân vật có ảnh hưởng. Tỷ phú Elon Musk gần đây đã chia sẻ nhiều tin chưa được kiểm chứng về bão Helene cho hàng triệu người theo dõi của ông trên nền tảng X (trước đây là Twitter) do ông sở hữu. Cựu Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về việc một số lượng lớn tiền cứu trợ bị chuyển cho người nhập cư bất hợp pháp thay vì tới tay người dân các vùng bị ảnh hưởng bởi bão Helene.
Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) trở thành mục tiêu chính của các thông tin sai lệch. Cơ quan này bị cáo buộc đánh cắp tiền quyên góp, chuyển viện trợ sang Ukraine, hoặc từ chối sự giúp đỡ từ bên ngoài. Thực tế, tính đến ngày 6/10, FEMA đã triển khai hơn 700 nhân viên tại Bắc Carolina, phê duyệt 30 triệu USD viện trợ và bố trí chỗ ở cho gần 1.700 người tại các khách sạn.
Deanne Criswell, Giám đốc FEMA, xem những thông tin “sai sự thật" trên là "mối nguy hiểm". "Thật đáng xấu hổ khi mọi người đang ngồi thoải mái ở nhà trong khi hàng nghìn nhân viên của chúng tôi phải rời gia đình, đến thực địa để nỗ lực giúp đỡ những người gặp khó khăn", bà nói trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC News sáng 6/10.
Nhiều nhà lập pháp và quan chức Mỹ cũng phải lên tiếng trước thực trạng trên. Thống đốc bang Bắc Carolina Roy Cooper gọi những thông tin sai lệch là mối đe dọa nghiêm trọng sau các cơn bão như Helene, thậm chí có thể “gây tử vong". Kevin Corbin, hạ nghị sĩ của tiểu bang, cũng viết trên Facebook cầu xin mọi người ngăn chặn những “thứ rác rưởi” này.
Những hiểu nhầm không đáng có
Thực tế, tình trạng lan truyền tin giả sau các thảm họa thiên nhiên không phải điều mới mẻ. Năm ngoái, sau các đợt nắng nóng, lũ lụt và cháy rừng, nhiều tuyên bố sai lệch cũng xuất hiện, trong đó khẳng định nguyên nhân các hiện tượng này đến từ những "trò lừa bịp toàn cầu" hoặc "vũ khí năng lượng". Chúng thường được thúc đẩy bởi các cảnh quay dàn dựng bởi trí tuệ nhân tạo, hoặc các lập luận vô căn cứ từ nhóm vận động hành lang của những công ty dầu khí, chính trị gia và thậm chí cả những thế lực bên ngoài nước Mỹ.
Theo Giám đốc FEMA Deanne Criswell, việc lan truyền thông tin sai lệch không chỉ cản trở công tác cứu trợ, mà còn tạo ra nỗi sợ hãi trong chính đội ngũ nhân viên cứu hộ, gây khó khăn cho việc cung cấp thông tin chính xác và nguồn lực quan trọng cho nạn nhân. Thậm chí, có những lời kêu gọi cư dân thành lập lực lượng dân quân để "bảo vệ" cộng đồng khỏi các cơ quan chính phủ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bạo lực không đáng có.
Nhiều quan chức và tình nguyện viên cho biết họ cảm thấy đau lòng khi các nỗ lực cứu trợ của mình không chỉ bị hạ uy tín hoặc bị chất vấn bởi những người thậm chí không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ bão lụt, mà còn phải đối mặt với thái độ ngờ vực từ chính những cộng đồng nhỏ ở những khu vực bị hứng bão.
"Thật khó chịu khi đọc và xem những bài đăng như vậy trên mạng xã hội", Aaron Aguirre, một phi công trực thăng thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Tennessee, thổ lộ. “Mọi người đều đến đây vì nguyện vọng cá nhân, chứ không phải bị nghĩa vụ ép buộc”.
Một số ý kiến cho rằng tình trạng nhiều người mất liên lạc với gia đình, bạn bè, hoặc không thể cập nhật tin tức suốt nhiều ngày, cũng góp phần làm gia tăng các "khoảng trống thông tin" trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi sau bão Helene.
Dù vậy, nhiều người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ cho biết họ ý thức rõ sự giúp đỡ không chỉ đến từ những người hàng xóm và các nhóm cứu trợ tự phát, mà còn từ các cơ quan và người dân khắp cả nước.
“Thật tuyệt khi biết rằng mọi người trên toàn quốc có thể kết nối và nhận được tin tức về chúng tôi”, bà Nancy Benedict đến từ khu dân cư Swannanoa thuộc bang Bắc Carolina nói. Cũng như nhiều cư dân khác trong vùng, bà Nancy biết rõ thông tin sai lệch chỉ chiếm phần nhỏ so với những thông tin quan trọng khác.
“Chúng (tin giả) khiến bạn thực sự phẫn nộ”, Sherry Griffith, một cư dân khác ở Swannanoa, cho hay. Khi đến thăm một người bạn bị nước lũ cô lập, bà đã nhanh chóng dập tắt nỗi lo lắng của người bạn đó về nguy cơ viện trợ nhỏ giọt, và khẳng định còn rất nhiều sự hỗ trợ đến từ khắp mọi miền ở Mỹ.