Báo hiệu sự bắt đầu của kỉ nguyên mới về xung đột kinh tế

Ngọc Diệp
Chia sẻ Zalo

Hệ quả nặng nề của những lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga có thể báo hiệu về khởi đầu của một nền kinh tế toàn cầu chia rẽ và phân cực.

Người dân chờ rút tiền tại một ngân hàng ở Nga. Ảnh: Tass
Người dân chờ rút tiền tại một ngân hàng ở Nga. Ảnh: Tass

Cuộc tiến quân của Nga vào Ukraine có thể là chiến dịch quân sự quy mô lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1945 đến nay, nhưng đồng thời sự kiện này cũng đánh dấu một thời kì mới của các cuộc chiến đầy rủi ro trên mặt trận kinh tế và đẩy kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy bất ổn.

Sự nghiêm trọng của những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga đã tạo nên làn sóng hỗn loạn ở nền kinh tế có quy mô 1,6 nghìn tỷ đô la, và khiến Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin, phải đưa ra cảnh báo hạt nhân.

Những gì đang xảy ra ở một nền kinh tế quy mô lớn là chưa từng có tiền lệ, và sẽ là tiếng chuông cảnh báo cho nhiều nước trên thế giới, mà trong đó là Trung Quốc, vốn sẽ cần tính toán lại giữa lợi và hại trong kế hoạch thống nhất Đài Loan.

Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của phương Tây là phải giành chiến thắng trong cuộc đối đầu về kinh tế với Nga. Nhưng qua đó, sẽ cần phải có cơ chế để hạn chế sự vận dụng của những “vũ khí kinh tế” này và ngăn ngừa xu hướng các nước quay trở lại mô hình kinh tế tự cung tự cấp và kéo lùi nỗ lực toàn cầu hoá.

Việc Nga ban đầu không quá nghiêm túc cân nhắc các biện pháp trừng phạt không khiến nhiều người bất ngờ. Trong quá khứ, điều này đã xảy ra nhiều lần, nhưng đa phần đều không mấy hiệu quả.

Tính đến nay, ước tính có khoảng 10.000 người và doanh nghiệp là đối tượng nằm trong các lệnh trừng phạt của Mỹ, với quy mô trải dài lên đến 50 quốc gia chiếm 27% GDP của toàn cầu. Và đa phần các lệnh trừng phạt này khó có thể tạo ra sự khác biệt thực chất, khi một số nước có thể dễ dàng tránh né chúng. Những lệnh cấm kinh tế toàn diện lên Iran và Venezuela có thể khiến các nền kinh tế gặp khó, nhưng không thể mang đến sự thay đổi về chính trị.

Nhiều quan điểm cho rằng, Mỹ sẽ không bao giờ áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh lên các nền kinh tế lớn.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày 26/2, khi Nga, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, đối diện với lệnh trừng phạt từ phương Tây và Mỹ. Bằng việc cấm các công ty từ Mỹ và châu Âu hợp tác với các ngân hàng lớn của Nga, ngoại trừ trong lĩnh vực năng lượng, và loại bỏ họ khỏi cơ chế thanh toán toàn cầu, Nga gần như bị cắt đứt khỏi dòng tiền từ nước ngoài.

Những biện pháp trừng phạt lên Ngân hàng Trung ương Nga khiến thể chế này không thể tiếp cận khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 630 tỷ đô la. Hệ quả là sự tự tin ban đầu dường như không còn, đồng Rúp đã mất tới 28% giá trị trong năm nay khi dòng vốn bị rút khỏi thị trường Nga, kéo theo đó là nguy cơ lạm phát tăng cao.

Cổ phiếu các công ty lớn của Nga giảm tới 90% giá trị tại các sàn chứng khoán thế giới, trong khi các công ty đa quốc gia cũng dần rút vốn khỏi Nga. Từ thủ đô Matxcova cho tới những thành phố tỉnh lẻ, người dân đang xếp hàng dài để chờ rút tiền.

Dư chấn của một loạt những yếu tố này có thể dẫn đến việc thiếu hụt nguồn tiền và từ đó khiến guồng máy chiến tranh bị xô lệch. Nhưng ở khía cạnh khác, ông Putin có thể trã đũa bằng các vũ khí kinh tế của riêng mình, như hạn chế dòng chảy khí đốt.

Sau khi bom hạt nhân được sử dụng vào năm 1945, thế giới đã phải mất nhiều năm để thống nhất về các cơ chế nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến các biện pháp trả đũa.

Nhưng trong bối cảnh hỗn loạn hiện tại, sẽ không có thời gian để Nga có thể đưa ra biện pháp trừng phạt có quy mô tương tự.

Một thế giới phân cực?

Điều rõ ràng là bất cứ lệnh trừng phạt kinh tế nào của Nga sẽ lại khiến phương Tây đáp trả với những thiệt hại nặng nề hơn, khiến điều này ngay từ đầu đã không mấy khả thi.

Với việc ngăn cản xuất khẩu các mặt hàng công nghệ đến Nga và dần loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, phương Tây đang chiếm ưu thế.

Nhưng vấn đề lo ngại là một khi các biện pháp của Mỹ và châu Âu đạt hiệu quả, thì tương lai sẽ là khá u ám. Một khi chúng được sử dụng ngày càng nhiều, sẽ có thêm nhiều quốc gia tìm cách giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính của phương Tây.

Điều này có thể khiến những đe doạ về cô lập tài chính không còn mấy hiệu quả, nhưng cũng sẽ dẫn đến sự chia rẽ của nền kinh tế toàn cầu.

Ở những năm 30 của thế kỉ trước, lo ngại về lệnh cấm thông thương đã kéo theo một làn sóng các nền kinh tế chuyển sang mô hình tự cung tự cấp, và từ đó hình thành các cực kinh tế có ảnh hưởng khác nhau.

Những nước có nguồn dự trữ đô la và ngoại tệ lớn sẽ là đối tượng đầu tiên phải cân nhắc. Với Trung Quốc, nước này có thể gây ra những tổn thương lớn về kinh tế với phương Tây bằng việc gây đứt gẫy chuỗi cung ứng, nhưng rõ ràng trong trường hợp một cuộc chiến với Đài Loan nổ ra, Mỹ và đồng minh có thể đóng băng nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 3,3 nghìn tỷ đô la của Bắc Kinh.

Một số nước khác như Ấn Độ, vốn cũng không tỏ thái độ chỉ trích Nga với cuộc chiến quân sự tại Ukraine, cũng có thể lo ngại về sức ép kinh tế từ phương Tây.

Trong thập kỉ tới, những thay đổi về công nghệ có thể dẫn tới sự hình thành các mạng lưới thanh toán mới vượt ra ngoài khuôn khổ kiểm soát của hệ thống ngân hàng phương Tây. Chương trình thử nghiệm đồng tiền số của Trung Quốc hiện đang có hơn 261 triệu người sử dụng.  

Vào lúc này, có lẽ sẽ không mấy khả thi khi tìm cách lưu trữ hàng nghìn tỷ đô la bên ngoài các hệ thống tài chính phương Tây, nhưng khi nhiều nước cùng tìm hướng đa dạng hoá cách thức lưu trữ tài sản, họ có thể sẽ sớm tìm ra một phương án phù hợp.

Những sự chia rẽ và phân tán sẽ là khó tránh khỏi trong một thế giới còn nhiều bất đồng. Nhưng bằng việc liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt lên ngày càng nhiều quốc gia trong hơn hai thập kỉ qua, và hiện tại là nâng mức độ nghiêm trọng của các biện pháp này, phương Tây đang đứng trước rủi ro sẽ có xu hướng các nước tìm cách rời bỏ các thể chế tài chính mà Mỹ hay châu Âu đang nắm giữ.

Đó là điều mà tại sao khi cuộc chiến tại Ukraine qua đi, phương Tây cần phải thiết lập một cơ chế rõ ràng cách thức kiểm soát các biện pháp này và sử dụng chúng một cách khôn ngoan.