Báo New York Times: EU đã sẵn sàng cấm vận dầu mỏ của Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định này của EU có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu về chính trị và kinh tế khi Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của khối.

Theo RT, tờ New York Times hôm 14/4 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang sẵn sàng cấm vận việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Theo New York Times, EU đã sẵn sàng cấm vận dầu mỏ của Nga. Ảnh: RT
Theo New York Times, EU đã sẵn sàng cấm vận dầu mỏ của Nga. Ảnh: RT

Quyết định này nếu được EU thông qua có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu về chính trị và kinh tế khi Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của khối. Do đó, các quan chức EU dự định sẽ công bố quyết định sau khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp kết thúc.

Theo New York Times, giới chức EU nói rằng đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga sẽ được đưa ra thảo luận sau vòng thứ hai bầu cử Pháp vào ngày 24/4 tới. Đồng thời, họ thừa nhận rằng việc giá nhiên liệu tăng cao có thể gây bất lợi cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử.

Ngoài 5 gói trừng phạt kinh tế chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, EU đã lên kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt trong năm nay, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2030. Hiện tại, lệnh cấm khí đốt Nga là điều không còn được cân nhắc vì EU phụ thuộc vào Moscow khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên.

Tại cuộc họp bất thường hồi đầu tuần này, các ngoại trưởng EU đã thảo luận về việc áp lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga, song Đức và một số nước thành viên khác đã phản đối động thái này.

EU hiện đang phụ thuộc nhiều vào “vàng đen” của Nga, chiếm khoảng 1/4 nguồn cung. Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, còn phụ thuộc nhiều hơn khi đang mua một phần ba lượng dầu mỏ của mình từ Nga.

Mặc dù đã dừng phê duyệt tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 và ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, giới chức Berlin cảnh báo việc EU cấm nhập khẩu năng lượng Moscow sẽ làm sụp đổ nền kinh tế và phá hủy ngành công nghiệp của Đức.

“Việc dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga sẽ gây ra một sự gián đoạn lớn và ngay lập tức. Bạn không thể bật tắt các nhà máy công nghiệp hiện đại như một công tắc đèn. Quyết định này sẽ tác động trực tiếp tới Đức - nền kinh tế lớn nhất EU và lớn thứ 4 thế giới,” bà Emily Haber, Đại sứ Đức tại Mỹ, viết trên trang Twitter hôm thứ Tư.

Tuy nhiên, theo New York Times, các quan chức EU sẽ đề xuất lệnh cấm vận theo từng giai đoạn để đảm bảo chắc chắn về sự ủng hộ của Berlin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vừa cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ gây tổn hại cho chính quốc gia của họ nếu ngắt dòng năng lượng của Nga. “Hậu quả của việc này có thể cực kỳ nghiêm trọng, chủ yếu đối với những người đề xuất chính sách,” ông Putin nói sau cuộc họp với các quan chức hôm 14/4.

Trước đó, hôm 11/4, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo cho biết, nếu EU thông qua lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, một thảm họa nguồn cung nhiên liệu toàn cầu sẽ xảy ra. Ông Barkindo cũng cảnh báo châu Âu sẽ không thể ngay lập tức tìm nguồn cung thay thế 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga, đồng thời kêu gọi EU thực hiện cách tiếp cận thực tế hơn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.