Tass ngày 14/3 cho biết, báo Rossiyskaya Gazeta (Nga) lưu ý rằng cho đến gần đây, khả năng Nga dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine dường như là điều không thể xảy ra vì hợp đồng giữa hai quốc gia này có hiệu lực đến cuối năm 2024. Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng ở thời điểm hiện tại, một sự cố nhỏ cũng có thể làm gián đoạn quá trình vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine.
Phó Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Alexei Grivach nói rằng nếu việc trung chuyển năng lượng qua Ukraine bị gián đoạn, các nước châu Âu hầu như không thể bù đắp được nguồn cung khí đốt mà không khởi động dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Nếu tình trạng gián đoạn và nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu vẫn ở mức năm ngoái thì khu vực này sẽ bị thiếu hụt từ 25-30 tỷ mét khối khí đốt của Nga. Đặc biệt, các nước châu Âu rất có thể sẽ cần nhiều khí đốt hơn trong năm nay do phải lấp đầy những cơ sở lưu trữ dưới lòng đất, vốn đã cạn kiệt trong mùa Đông vừa qua. Để thực hiện mục tiêu này, châu Âu có thể cần khoảng 60 tỷ mét khối khí.
Mặc dù vậy, nhà phân tích Sergey Kaufman tại công ty Finam nhận định rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 khó có thể được khởi động, ngay cả trong tình huống khẩn cấp, do tuyến đường ống khí đốt này chưa được cấp giấy chứng nhận, cùng với những tuyên bố mạnh mẽ của giới chức Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Tình hình địa chính trị trên thế giới đang tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu trong những tuần gần đây. Chỉ 18 tháng trước, không ai dự đoán được rằng giá dầu, khí đốt và than đá lại đạt mức cao kỷ lục như hiện nay. Giới chuyên gia đang đặt câu hỏi rằng liệu biến động mạnh trên thị trường nhiên liệu có thể khiến EU cấp tốc khởi động dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hay không.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, đã hoàn thành vào tháng 9/2021, song hiện chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước EU. Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230km có tổng trị giá đầu tư hơn 11 tỷ USD. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm.
Mỹ và các đồng minh châu Âu từ lâu đã phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 do lo ngại Nga sẽ sử dụng dự án này như một vũ khí địa chính trị và làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Moscow. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án thương mại và được thực hiện cùng với các đối tác châu Âu.
Ngày 22/2, Chính phủ Đức đã quyết định đóng băng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Dự án này sẽ không thể vận hành nếu bị chặn lại ở bước được phê duyệt và cấp phép.