Bảo tồn Di tích bến Vàm Lũng - điểm cuối Đường Hồ Chí Minh trên biển
Kinhtedothi – Trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ riêng điểm cuối Đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã đón nhận 4.400 tấn vũ khí các loại từ miền Bắc chi viện. Số vũ khí quý báu trên đã làm các lực lượng vũ trang của quân dân miền Nam ngày càng lớn mạnh, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Lê Thị Nhung Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch điều hành HĐND tỉnh Cà Mau, nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển (bến Vàm Lũng).
“Đoàn tàu không số” là nỗi ác mộng của Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam cộng hòa trong những năm chiến tranh, nhưng đã tạo nên sức mạnh, làm lay động trái tim của mỗi người dân yêu nước, trở thành niềm tự hào to lớn trong dòng chảy cách mạng của dân tộc.
Với tầm vóc lịch sử, sự đóng góp vĩ đại của Đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau.

Bến cảng của lòng dân
Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, chủ trương của Đảng chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, phong trào cách mạng miền Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, nên nhu cầu chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn.
Thực tế chiến trường cho thấy, các tuyến vận tải trên bộ gặp rất nhiều khó khăn, cần thiết phải có con đường vận tải chiến lươc mới để chi viện cho đồng bào miền Nam. Ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ nghiên cứu, mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam.
Ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên mang tên “đoàn tàu không số”, phiên hiệu Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn (TP Hải Phòng) mở đường vào miền Nam. Đến ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 do thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa (quê Ngọc Hiển, Cà Mau) chỉ huy đã cập bến Vàm Lũng an toàn. Tiếp theo đó, những con tàu: Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4… nối tiếp cập các bến bí mật ở miền Nam, mang theo tấm lòng miền Bắc và hàng nghìn tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Riêng, bến Vàm Lũng đã tiếp đón 68 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, con đường Hồ Chí Minh trên biển đã được xây dựng. “Mỗi lần trước khi rời bến, các chiến sĩ trên “đoàn tàu không số” đều làm lễ truy điệu sống, vì nếu chẳng may bị địch phát hiện, các chiến sĩ sẽ hủy tàu để giữ bí mật con đường vận chuyển này” - ông Ngô Trường Hận, SN 1956, trú tại phường An Xuyên, TP Cà Mau kể.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962.
Nhắc lại những trang sử hào hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 chia sẻ: “Trong hoạt động của Đoàn 962, còn có một nhân tố tác động trực tiếp đến nhiệm vụ của đoàn đó là Nhân dân, vì muốn mở bến phải di dân để xây căn cứ và phải giữ bí mật nhiệm vụ của đơn vị đối với Nhân dân nhưng lại cần sự chở che, đùm bọc của Nhân dân và chính quyền địa phương. Nhờ sự đùm bọc, che chở của Nhân dân thị trấn Rạch Gốc mà tôi và các đồng đội được bảo vệ an toàn. Đó là tấm lòng sắt son, thủy chung, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của người dân nơi đây đã tạo nên một bến cảng vô cùng đặc biệt - bến cảng lòng dân”.
Tầm vóc của con đường đặc biệt mang tên Bác
Trên con đường cách mạng đấu tranh giành, giữ độc lập của dân tộc, đã có những con đường khó khăn, nhiều hy sinh gian khổ nhưng đầy vẻ vang, trong đó có Đường Hồ Chí Minh trên biển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, tầm vóc của Đường Hồ Chí Minh trên biển hết sức lớn lao, đã phát huy tinh thần, sức mạnh dân tộc với một quyết tâm và ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi. Chính từ sự quyết tâm và ý chí kiên cường ấy, những chiến sĩ của các "đoàn tàu không số" đã có được những cách thức đi biển, cũng như cách thức vận chuyển vũ khí cực kỳ sáng tạo, công khai mà bí mật để có thể vận chuyển một cách an toàn, hiệu quả nhất.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn, gian khổ ấy, các lực lượng, đặc biệt là Quân chủng Hải quân đã nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, huấn luyện chu đáo, kể cả các lực lượng hiệp đồng tác chiến, tạo điều kiện thuận lợi để công tác vận tải đảm bảo an toàn, bí mật, trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Từ bến cảng K15 (TP Hải Phòng) trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, đã có 168 chuyến tàu đi, 60 đội tàu không số vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. “Đã có rất nhiều cán bộ chiến sĩ, những người con của đất nước mãi mãi nằm lại biển khơi vì sự an toàn tuyệt đối của tuyến đường – ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.

Các chiến sĩ dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sĩ tại bến Vàm Lùng những ngày tháng 4 lịch sử.
Năm 1976, Đoàn 962 được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 8 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Năm 2011, có 4 bến bãi gồm: Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đối với Lữ Đoàn 962 là đơn vị kế thừa truyền thống vẻ vang của Đoàn 962 trong kháng chiến chống Mỹ đã được Nhà nước phong danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ đổi mới vào năm 2020. Trong khuôn khổ tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển, tại Bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau cũng tổ chức nghi thức dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại cửa biển Vàm Lũng và dâng hương tại tượng đài di tích bến Vàm Lũng; đồng thời tặng quà cho các hộ gia đình có công mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trích dẫn
Tối 24/4/2025, tại bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển), tỉnh Cà Mau đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là sự kiện đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Bến Vàm Lũng gắn liền với Ðoàn 962, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển đến quân giải phóng.

Sôi động, tự hào với Cà Mau - Ðiểm đến 2025
uKinhtedothi - Tháng 4/2025, tại Cà Mau sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hoá chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc (30/4/1975 - 30/4/2025). Những hoạt động này không chỉ khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phục vụ phát triển kinh tế.

Cà Mau long trọng tổ chức lễ tri ân Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân
Kinhtedothi - Được thực hiện theo nghi thức truyền thống của địa phương, Lễ tri ân Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân diễn ra tại Cà Mau với tinh thần trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc, tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng, hướng về cội nguồn dân tộc.

Triển khai đầu tư tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 166/TB-VPCP ngày 08/4/2025 kết luận của Thường trực Chính phủ về triển khai đầu tư tuyến cao tốc từ TP Cà Mau đến Đất Mũi.