Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất an vì nới lỏng tiền tệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy một tuần sau khi Ngân hàng T.Ư Trung Quốc cắt giảm lãi suất, Ngân hàng T.Ư Ukraine (NBU) và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) hôm 4/3 đã có những bước đi tương tự với hy vọng “bào chế” được phương thuốc nhằm điều trị dứt điểm căn bệnh lạm phát và tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế.

Thống đốc RBI Raghuram Rajan đã khiến thị trường bất ngờ khi quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm nay. Theo đó, RBI quyết định hạ lãi suất cơ bản từ 7,75% xuống 7,5% nhằm kìm hãm lạm phát hiện ở mức 5,11% - mức cao nhất trong số 17 nền kinh tế châu Á. Trong một động thái còn gây “sốc” hơn, NBU đã tăng mạnh lãi suất tái cấp vốn từ mức 19,5% lên mức 30% nhằm ổn định thị trường tiền tệ quốc gia. Quyết định này được cho là bước đi mạnh mẽ nhất thể hiện quyết tâm của NBU trong việc ngăn chặn tình trạng lạm phát và đà trượt giá của đồng nội tệ hryvnia hiện đã ở mức không chấp nhận được. Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine hồi tháng 4 năm ngoái, NBU đã buộc phải tăng lãi suất 5 lần do tình trạng lạm phát “phi mã” và đồng hryvnia đã mất một nửa giá trị. Dù chưa rõ hiệu quả của quyết định này tới đâu, nhưng nhiều nhà đầu tư và chuyên gia nhận định, NBU sẽ phải tiến hành các đợt cắt giảm mới bởi tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế Ukraine sẽ trở nên trầm trọng hơn khi xung đột ở miền Đông không được giải quyết triệt để.

 
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã hạ lãi suất cơ bản xuống còn 7,5%. 	Ảnh: AP
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã hạ lãi suất cơ bản xuống còn 7,5%. Ảnh: AP
Theo thống kê từ đầu năm 2015 đến nay, đã có khoảng 20 ngân hàng T.Ư tiến hành các biện pháp nới lỏng chính sách nhằm thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Riêng tại châu Á, ngoài Trung Quốc, đã có Ấn Độ, Indonesia và Singapore gia nhập làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu trong khi Ngân hàng T.Ư Australia đã phát đi tín hiệu tiếp tục nới lỏng chính sách sau khi giữ nguyên lãi suất thấp trong tháng 3. Làn sóng nới lỏng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong những tháng tới và tạo ra nguy cơ của một cuộc chiến tiền tệ mới.

Trước làn sóng nới lỏng tiền tệ đang lan rộng, giới chuyên gia nhận định, giới chức của một số ngân hàng T.Ư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên thận trọng khi sử dụng công cụ lãi suất để xử lý các vấn đề của nền kinh tế. Thống đốc RBI Raghuram Rajan – người vừa đưa ra quyết định bất ngờ tăng lãi suất cũng cho biết, việc tiếp tục nới lỏng chính sách sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế trong những tháng tới. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách của Malaysia, Thái Lan, New Zealand hay Philippines cần cân nhắc kỹ trước khi tiến hành bước đi nới lỏng tiền tệ do giảm lãi suất có thể trở thành “liều thuốc độc” với các nền kinh tế này do rủi ro lạm phát thực phẩm, nợ hộ gia đình và đầu cơ trên thị trường chứng khoán gia tăng.

Dù chưa biết còn bao nhiêu quốc gia cuốn vào làn sóng cắt giảm lãi suất để kiềm chế lạm phát, kích thích tăng trưởng, tăng sức hấp dẫn của đồng nội tệ nhưng các nhà phân tích đã cảnh báo, biện pháp bảo vệ lợi ích của bất kỳ nền kinh tế riêng lẻ cũng phải được cân nhắc trong bối cảnh chung. Bởi việc sử dụng công cụ tiền tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn, biến giới đầu tư thành những tay chơi mạo hiểm để kiếm lời nhiều hơn, qua đó làm tăng khả năng làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu.