Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Bình:

Bất cập trong quản lý kinh doanh gỗ keo nguyên liệu

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình mùa thu hoạch gỗ keo nguyên liệu diễn ra rầm rộ, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, việc kiểm soát kinh doanh và vận chuyển gỗ còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận.

Xe chở gỗ keo tràm có dấu hiệu quá khổ, quá tải trọng lưu thông trên tuyến đường tỉnh ĐT558C đoạn qua xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa
Xe chở gỗ keo tràm có dấu hiệu quá khổ, quá tải trọng lưu thông trên tuyến đường tỉnh ĐT558C đoạn qua xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa

Gần đây, trên tuyến đường tỉnh (ĐT558C) nối Quốc lộ 12A vào trung tâm xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa xe ô tô chở gỗ keo nguyên liệu hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm. Điều đáng nói là tuyến đường độc đạo này, nhiều cầu cống bắc qua khe suối được cắm biển giới hạn tải trọng là 13 tấn, nhưng lại có rất nhiều xe tải cỡ lớn, chất đầy gỗ keo đi qua.

Xe chở gỗ keo hoạt động nườm nượp trên tuyến đường tỉnh ĐT558C đoạn qua xã Ngư Hóa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Xe chở gỗ keo hoạt động nườm nượp trên tuyến đường tỉnh ĐT558C đoạn qua xã Ngư Hóa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Ghi nhận tại hiện trường, hầu hết các xe tải chỡ gỗ keo đều cồng kềnh, nhiều xe có dấu hiệu chở quá khổ, vượt quá tải trọng cho phép. Do vậy, mỗi lần xe tải đi qua các cầu phải “oằn mình” gánh chịu tải trọng lớn và bị rung lắc bất thường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.

“Mùa cao điểm thu hoạch gỗ keo, xe tải chạy nườm nượp trên đường từ xã Ngư Hóa ra xã Mai Hóa rồi đi về phía Quốc lộ 12A. Xe chở gỗ cồng kềnh, tải trọng nặng, phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện qua lại, nhất là trong đêm tối”, anh Lê Xuân H ở xã Mai Hóa phản ánh.

Rất nhiều xe chở gỗ keo cồng kềnh lợi dụng đêm tối để đưa đi tiêu thụ
Rất nhiều xe chở gỗ keo cồng kềnh lợi dụng đêm tối để đưa đi tiêu thụ

Được biết, gần đây tại vị trí cách trung tâm hành chính xã Ngư Hóa khoảng 300m xuất hiện điểm thu mua gỗ keo tràm với quy mô lớn. Toàn bộ gỗ keo tràm của người dân thu hoạch được đưa về đây tập kết, bán cho chủ cơ sở thu mua rồi bốc lên xe tải cỡ lớn vận chuyển đi tiêu thụ.

“Chúng tôi xây dựng cơ sở thu mua gỗ keo được gần 1 năm. Hiện nay mới chỉ lắp đặt nhà xưởng, trạm cân để thu mua gỗ keo, nhưng chưa có biển bảng, giấy phép kinh doanh và các hồ sơ thủ tục liên quan đến bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy”, anh Nguyễn Xuân Thủy- Chủ cơ sở thu mua gỗ keo tràm ở xã Ngư Hóa cho biết.

Cơ sở thu mua gỗ keo của anh Nguyễn Xuân Thủy ở xã Ngư Hóa không hề có biển bảng, và hồ sơ thủ tục kinh doanh theo quy định
Cơ sở thu mua gỗ keo của anh Nguyễn Xuân Thủy ở xã Ngư Hóa không hề có biển bảng, và hồ sơ thủ tục kinh doanh theo quy định
Tại đây có rất nhiều xe ô tô tự chế, hết niên hạn sử dụng dùng để vận chuyển gỗ keo tràm
Tại đây có rất nhiều xe ô tô tự chế, hết niên hạn sử dụng dùng để vận chuyển gỗ keo tràm

Thực tế cho thấy, xây dựng cơ sở thu mua gỗ keo tràm tự phát tuy mang lại lợi ích kinh tế cho một bộ phận người dân nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác động đến môi trường, mất an toàn giao thông, an toàn lao động và nguy cơ xảy ra cháy nổ khó lường. Tuy nhiên, do địa bàn vùng sâu, vùng xa, công tác quản lý nhà nước chưa thực hiện đồng bộ, hiệu quả dẫn đến các cơ sở thu mua gỗ keo vẫn mọc lên không đúng quy định hiện hành.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong cho biết, điểm thu mua gỗ keo tràm của anh Nguyễn Xuân Thủy được xây dựng trên đất của gia đình. Địa phương đã từng lập biên bản hiện trạng, yêu cầu chủ cơ sở phải hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định mới tiếp tục kinh doanh, tuy nhiên chủ cơ sở này vẫn chưa chấp hành.

"Xe chở gỗ keo tải trọng nặng, phá hỏng hạ tầng giao thông, chính quyền địa phương và người dân cũng đã phản ánh lên các cấp có thẩm quyền vào cuộc, xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể”, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm.

Chính quyền xã Ngư Hóa đã từng lập biên bản hiện trạng, yêu cầu anh Nguyễn Xuân Thủy hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý mới được tiếp tục kinh doanh
Chính quyền xã Ngư Hóa đã từng lập biên bản hiện trạng, yêu cầu anh Nguyễn Xuân Thủy hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý mới được tiếp tục kinh doanh

Tuyến đường tỉnh (ĐT558C) từ xã Mai Hóa (Quốc lộ 12A) đi trung tâm xã Ngư Hóa dài 16km. Đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, dọc tuyến có rất nhiều khúc cua che khuất tầm nhìn, trong khi đó xe tải chở gỗ keo cồng kềnh, hoạt động với tần suất lớn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Đó là chưa kể đến xe tải trọng nặng sẽ gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông nếu không được các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời.

Nhiều vị trí trên truyến đường tỉnh ĐT558C đoạn qua xã Ngư Hoá bị hư hỏng, xuống cấp nhanh 
Nhiều vị trí trên truyến đường tỉnh ĐT558C đoạn qua xã Ngư Hoá bị hư hỏng, xuống cấp nhanh 

Tại buổi làm việc với phóng viên, thượng úy Trương Doãn Cảnh- Phó đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Tuyên Hóa cho biết, qua theo dõi, nắm tình hình thì xe tải chở gỗ keo trên tuyến đường ĐT558C từ xã Ngư Hóa ra Quốc lộ 12A có dấu hiệu vượt quá tải trọng, nhiều xe và hàng (gỗ keo) hơn 30 tấn. Trước đó, đơn vị cũng đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các chủ phương tiện và xử lý một số trường hợp vi phạm.

“Trước phản ánh của dư luận về tình trạng xe chở gỗ keo tràm cồng kềnh, vượt tải trọng trong mùa cao điểm thu hoạch, chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên để triển khai lực lượng, phương tiện kiểm tra, xác minh cụ thể. Nếu phát hiện vi phạm thì sẽ tiếp tục xử lý, góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông”, thượng úy Trương Doãn Cảnh thông tin.