Bất chấp thất bại, Nga kiên định về cuộc đua mới bắt đầu

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp thất bại của sứ mệnh lên mặt trăng đầu tiên sau 47 năm, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos hôm 21/8 khẳng định Moscow phải là một bên trong cuộc đua khám phá và khai thác tài nguyên trên mặt trăng.

Một bức ảnh chụp từ camera của tàu vũ trụ Luna-25 trong chuyến bay tới mặt trăng, ngày 15/8/2023. Ảnh: Roscosmos
Một bức ảnh chụp từ camera của tàu vũ trụ Luna-25 trong chuyến bay tới mặt trăng, ngày 15/8/2023. Ảnh: Roscosmos

Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga đã mất kiểm soát và đâm vào mặt trăng hôm 19/8 vừa qua, sau khi gặp sự cố trong giai đoạn chuẩn bị cho quỹ đạo trước khi hạ cánh.

Giám đốc Roskosmos Yury Borisov, tỏ ra lạc quan trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Russia-24, cho biết việc tiếp tục cam kết thám hiểm mặt trăng là vì lợi ích quốc gia của Nga.

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên sau khi sứ mệnh bị hủy bỏ, ông Borisov nói: "Đây không chỉ là về uy tín của đất nước và việc đạt được một số mục tiêu địa chính trị. Đây là việc đảm bảo khả năng phòng thủ và đạt được chủ quyền về công nghệ".

"Ngày nay nó cũng có giá trị thực tế vì tất nhiên, cuộc chạy đua khai thác tài nguyên thiên nhiên của mặt trăng đã bắt đầu. Và trong tương lai, mặt trăng sẽ trở thành nền tảng cho việc khám phá không gian sâu, một nền tảng lý tưởng".

Nga cho biết họ sẽ triển khai thêm các sứ mệnh mặt trăng và sau đó khám phá khả năng thực hiện sứ mệnh chung giữa Nga và Trung Quốc, thậm chí là xây dựng căn cứ trên mặt trăng. NASA cũng từng đề cập đến "cơn sốt vàng mặt trăng" và khám phá tiềm năng khai thác mặt trăng.

Mỹ vào năm 2020 đã công bố Hiệp định Artemis, được đặt tên theo chương trình mặt trăng Artemis của NASA, nhằm tìm cách xây dựng dựa trên luật vũ trụ quốc tế hiện có bằng cách thiết lập các "vùng an toàn" trên mặt trăng. Nga và Trung Quốc chưa tham gia hiệp định này.

Luna-25 của Nga được cho đang chạy đua với một tàu vũ trụ Ấn Độ - được phóng hôm 14/7 - để trở thành con tàu đầu tiên tới được cực nam. Cả hai dự kiến ​​sẽ tới mặt trăng trong khoảng thời gian từ ngày 21 - 23/8. Một nỗ lực tương tự của Ấn Độ vào năm 2019 đã bị hủy bỏ khi tàu vũ trụ lúc đó cũng đâm vào bề mặt mặt trăng.

Giới khoa học đặc biệt quan tâm đến cực nam của mặt trăng, những người tin rằng các miệng núi lửa ở cực bị che khuất vĩnh viễn có thể chứa nước đóng băng trong đá - thứ mà các nhà thám hiểm trong tương lai có thể biến thành không khí và nhiên liệu tên lửa.

Luna-25 được phóng từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga vào ngày 10/8. Sân bay vũ trụ này là dự án tâm huyết của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là chìa khóa cho những nỗ lực của ông nhằm biến Nga trở thành "siêu cường không gian".

Các nhà phân tích cho biết, Luna-25 ban đầu được thiết kế để chở một tàu thám hiểm mặt trăng nhỏ, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ nhằm giảm trọng lượng của tàu và cải thiện độ an toàn.

Ông Borisov cho biết động cơ của Luna-25 đã được bật vào cuối tuần qua để đưa con tàu vào "quỹ đạo trước khi hạ cánh" nhưng lại không được tắt đúng cách, khiến tàu đổ bộ lao xuống mặt trăng.

"Thay vì 84 giây như kế hoạch, con tàu hoạt động được 127 giây. Đây là lý do chính dẫn đến tình trạng khẩn cấp" - ông Borisov nói với kênh Russia 24. Roscosmos đã giữ liên lạc với tàu vũ trụ cho đến 2 giờ 57 phút chiều 19/8 (giờ địa phương) - thời điểm con tàu mất liên lạc.

Sứ mệnh lên mặt trăng của Luna-25 là sứ mệnh đầu tiên mà Nga thực hiện kể từ năm 1976, khi nước này còn là một phần của Liên Xô cũ. Đến nay, chỉ có 3 quốc gia thực hiện thành công việc đổ bộ lên mặt trăng: Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.

"Những gián đoạn chương trình mặt trăng trong gần 50 năm là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại lần này" - ông Borisov thừa nhận, gọi việc hủy bỏ chương trình là "quyết định tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay" đối với Nga.

Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine gần 18 tháng trước được cho đã ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình không gian của nước này, khiến việc tiếp cận công nghệ phương Tây trở nên khó khăn hơn.