Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất ngờ với kim ngạch thương mại giữa Nga và quốc gia BRICS

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kim ngạch thương mại giữa Nga và Brazil đã tăng gấp đôi trong tháng 12/2023, đạt giá trị 1,6 tỷ USD khi quốc gia Nam Mỹ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Moscow.

Nga đã trở thành nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho Brazil trong năm 2023. Ảnh: RT
Nga đã trở thành nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho Brazil trong năm 2023. Ảnh: RT

Theo tờ RIA Novosti, giao dịch thương mại giữa Nga và Brazil ghi nhận mức tăng kỷ lục trong tháng cuối cùng năm ngoái dù Moscow đang chịu sức ép trước hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Kim ngạch thương mại giữa Nga và Brazil đã tăng gấp đôi trong tháng 12/2023, đạt giá trị 1,6 tỷ USD khi quốc gia Nam Mỹ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Moscow. Trong đó, khoảng 1,5 tỷ USD là hàng nhập khẩu của Brazil từ Nga, chủ yếu bao gồm các sản phẩm dầu mỏ.

Mặc dù giao dịch thương mại Nga-Brazil đạt kết quả ấn tượng trong năm ngoái, nhưng kết quả hiện còn khiêm tốn so với kim ngạch giữa Moscow và các thành viên BRICS khác. Theo số liệu mới nhất, kim ngạch thương mại giữa Nga và Ấn Độ đã đạt 55 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023, tương đương khoảng 5,5 tỷ USD mỗi tháng.

Trong năm 2022, Nga đã trở thành đối tác thương mại nước ngoài lớn thứ năm của Brazil, tăng từ vị trí thứ 11 vào năm 2021.

Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dầu sang Brazil trong bối cảnh ngành năng lượng bị các nước phương Tây áp lệnh cấm vận và biện pháp trần giá dầu. Với sản lượng xuất khẩu dầu mỏ đạt kỷ lục 1,5 triệu tấn (trị giá 1,14 tỷ USD), Nga đã trở thành nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho quốc gia Nam Mỹ trong năm ngoái, vượt xa Mỹ và Hà Lan.

Cùng với Brazil, hai quốc gia BRICS khác là Ấn Độ và Trung Quốc đã đẩy mạnh mua dầu thô của Nga sau khi Liên minh châu Âu (EU) và G7 áp đặt lệnh cấm vận và trần giá với dầu mỏ Nga từ tháng 2/2023.

Các nhà phân tích cho rằng việc Moscow chiết khấu giá dầu ở mức cao là lợi thế hấp dẫn với Brazil khi chính phủ nước này đang nỗ lực giảm chi phí nhiên liệu vận tải.

Brazil chỉ công nhận các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành, do đó nước này không tuân thủ các biện pháp hạn chế do một số nước phương Tây áp đặt chống Nga liên quan đến chiến sự tại Ukraine.

Quốc gia Mỹ Latinh này cũng đang tăng cường mở rộng quan hệ thương mại với Moscow trong nhiều lĩnh vực. Số liệu thống kê cho thấy vào tháng 12, Brazil đã nhập khẩu hơn 300 triệu USD phân bón và 10 triệu USD uranium từ Nga.

Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, Moscow đã chuyển hướng xuất khẩu dầu từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ, gần hai năm sau khi Nga bị phương Tây trừng phạt.

Ông Novak cũng khẳng định, Nga đã phá vỡ thành công các lệnh trừng phạt đối với dầu của phương Tây và chuyển hướng dòng chảy từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ, cùng chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu dầu thô của nước này.

Mạng tin Oilprice dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga trong năm 2023 giảm gần 24%. Cụ thể, doanh thu hai mặt hàng này đạt 99,3 tỷ USD (8.822 tỷ rúp) trong năm 2023, giảm 23,9% so với năm 2022.

Giá dầu giảm hơn 10% trong năm 2023, dầu Urals của Nga rơi xuống mức thấp trong năm ngoái cùng với giá khí đốt xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính khiến doanh thu năng lượng của Nga suy yếu. Ngành dầu khí chiếm 27% tổng sản phẩm quốc nội của Nga, mang lại 57% doanh thu xuất khẩu của Nga.

Theo Bộ Tài chính Nga, mức giá trung bình đối với dầu Urals trong năm 2023 là 62,99 USD/thùng, giảm so với mức trung bình 76,09 USD/thùng của năm 2022.

Mức giá này cũng cao hơn giá trần mà G7 và EU áp trừng phạt đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga sang bên thứ ba sử dụng dịch vụ bảo hiểm, vận tải do các hãng phương Tây cung cấp.