Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, thực phẩm chức năng (TPCN) đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người tiêu dùng để chăm sóc sức khỏe. Các mặt hàng này không chỉ được bán ở các nhà thuốc, hệ thống cửa hàng, qua hệ thống bán hàng đa cấp mà còn được bán tràn lan trên mạng.

Tuy nhiên, các sản phẩm này đang bị “thổi phồng” về công dụng, trong khi chất lượng thì rất khó đoán.

Quảng cáo thổi phồng

Trong thời gian qua, thị trường thực phẩm chức năng trở nên “bát nháo”. Hàng loạt thực phẩm chức năng được tung hô như “thần dược” trên các phương tiện truyền thông. Cách thức vi phạm quảng cáo phần lớn là thổi phồng công dụng, liệt kê các thành phần; dùng nhận xét của khách hàng; nghệ sĩ nổi tiếng tâng bốc sản phẩm; dùng hình ảnh của người làm trong ngành y dược để tăng thêm sự uy tín cho sản phẩm.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Vừa qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp tịch thu nhiều loại thực phẩm chức năng với công dụng được quảng cáo “thổi phồng” là giúp giảm cân “thần tốc”, tăng chiều cao “siêu nhanh”.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải đăng cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Height đang được quảng cáo với nội dung vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng trên các website: www.greatheight.vn; www.greatheight.online; www.greatheight.org; www.tangchieucaogreatheight.com; www.greatheights.vn; www.greatheight-chinhhangvn.online.

Phía quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Height đã vi phạm quy định về nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm là có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, tên, thư tín của bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Sản phẩm Great Height nêu rõ các chức năng như hỗ trợ bổ sung canxi, vitamin D3 và vitamin K2 cho cơ thể; hỗ trợ xương răng chắc khỏe; hỗ trợ phát triển chiều cao và hỗ trợ tình trạng còi xương ở trẻ, nhưng có khá nhiều video quảng cáo thổi phồng công dụng tăng chiều cao như thần dược.

Tương tự, các sản phẩm Mộc Mao và Mộc Tâm Đường cũng vi phạm nghiêm trọng về quy định quảng cáo, được Cục An toàn thực phẩm đưa ra cảnh báo. Gần đây nhất, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Giáp Vương quảng cáo không đúng bản chất, vi phạm quy định của pháp luật về Luật Quảng cáo tại nhiều website cùng các trang mạng xã hội. Các trang web bán hàng còn ngang nhiên gọi An Giáp Vương là “thuốc”…

Sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về thực phẩm chức năng

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, pháp luật cũng có các quy định xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý xử lý, ngăn chặn, cảnh báo đối với các hành vi vi phạm quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng có các quy định liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Liên quan đến vấn đề quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng, hiện nay đã có các quy định xử phạt tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quy định quản lý khá chặt chẽ, tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất, cá nhân kinh doanh vì lợi nhuận mà sản xuất sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm có hại, không đúng với tiêu chuẩn đã công bố. Đặc biệt về quảng cáo thực phẩm chức năng, mặc dù đã có quy định rất chặt chẽ nhưng nhiều DN cá nhân, lợi dụng các nền tảng chưa được quản lý chặt trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, sản phẩm chưa được công bố, chưa được kiểm tra, kiểm nghiệm.

Nhiều cá nhân sử dụng hình ảnh dược sĩ, bác sĩ, bộ đội, công an gây niềm tin với người dùng để tuồn bán sản phẩm kém chất lượng với mức giá cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mức xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh thực phẩm chức năng mặc dù đã rõ ràng, cụ thể nhưng mức răn đe chưa cao. Vì lợi nhuận cao từ các sản phẩm thực phẩm chức năng, nhiều DN, cá nhân vẫn cố tình làm trái, bán các sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, quảng cáo sai nội dung theo quy định, quảng cáo thực phẩm chức năng như sản phẩm thuốc để lôi kéo người tiêu dùng.

Do đó, cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về thực phẩm chức năng; điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe, mức tiền phạt cao và biện pháp khắc phục hậu quả; đồng thời, xem xét truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, biện pháp buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp do thực hiện hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm, thông tin, truyền thông về thực phẩm chức năng không chính xác, không đúng sự thật…

“Về phía người tiêu dùng, khi phát hiện ra những sai phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng như ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân này, người tiêu dùng cần thông tin kịp thời đến những cơ quan nhà nước có thẩm quyền” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.