Theo Financial Times, Liên minh châu Âu muốn Pháp thực hiện cắt giảm chi tiêu trung bình 15,4 tỷ euro/mỗi năm (tương đương 0,6% GDP) trong 7 năm tới.
Tuy nhiên, bất ổn chính trị tại Pháp sau cuộc bầu cử quốc hội trong tháng này khiến cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn.
Liên minh Cánh tả, đảng chiếm số ghế lớn nhất trong Quốc hội, mong muốn thành lập chính phủ mới với trọng tâm hướng đến việc tăng chi tiêu, bao gồm việc chi trả tiền lương. Theo ước tính của tổ chức tư vấn Institut Montaigne, những động thái này có thể khiến mức thâm hụt tăng từ 3% GDP lên đến 10% GDP mỗi năm.
Các quan chức EU lo ngại chính phủ mới được thành lập sẽ không tuân theo các cam kết ngân sách đối với khối do Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra, khiến Paris rơi vào tình thế đối đầu trực diện với Brussels về vấn đề tài chính.
EU yêu cầu Paris phải tuân thủ các quy định của EU nhằm hạn chế thâm hụt ở mức 3% GDP.
“Chúng tôi nhận thức được những khó khăn do bối cảnh chính trị phức tạp tại Pháp. Quốc gia này cần phải có những điều chỉnh về tài chính” - Ủy viên kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết vào đầu tuần này. Ông Gentiloni thừa nhận việc kiềm chế chi tiêu không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, các nhà chuyên gia kinh tế tin rằng Pháp sẽ phải nỗ lực để đưa chi tiêu trở lại mức phù hợp.
Thâm hụt ngân sách của EU vào năm ngoái đã lên đến 5,5%, vượt mức 3% EU cho phép. Ông Macron cho biết điều này là do sụt giảm nguồn thu từ thuế, chi tiêu khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Nhận định về khả năng thực hiện yêu cầu cắt giảm chi tiêu của Brussels, một nhà ngoại giao EU nhận định một số nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha và Ý vẫn có thể thực hiện, trong khi Pháp gần như không thể.
Andrew Kenningham, chuyên gia tại Capital Economics, cho biết: “Ngay cả khi không xảy ra bất ổn chính trị, việc giảm thâm hụt tại Pháp vẫn rất khó, nhất là khi quốc hội nước này không nhiệt tình làm điều đó”.
Nhiều chuyên gia cho biết hiện tại, Pháp không có ý định tuân thủ ngưỡng thâm hụt 3% của EU vào năm 2027.
Ngày 15/7, Bộ trưởng tài chính của Pháp Bruno Le Maire, người đang soạn thảo ngân sách cho năm 2025, cho biết chính phủ đã lên kế hoạch cho khoản tiết kiệm 25 tỷ euro kể từ đầu năm. Tuy nhiên, quan chức này nhận định nước này chỉ có thể tiết kiệm khoảng 15 tỷ euro.
Trong tuần này, Pierre Moscovici, chủ tịch kiểm toán quốc gia Pháp, cảnh báo việc thực hiện mục tiêu đạt mức thâm hụt ngân sách 3% vào năm 2027 ngày càng khó thực hiện.
Ngày 15/7, Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết: “Nếu chính phủ Pháp không kịp thời điều chỉnh, việc đạt được mức thâm hút 3% trong 4 năm tới sẽ vô cùng khó khăn”.