Theo hãng tin DW, sau nhiều năm ổn định, Kazakhstan đã phát triển mạnh ngành công nghiệp khai khoáng khi thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu như Chevron và TotalEnergies của Pháp. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, quốc gia Trung Á này bất ngờ chìm trong làn sóng biểu tình bạo lực tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Các cuộc biểu tình bạo lực là do giá nhiên liệu tăng cao, khiến Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu quân đội từ Nga và các đồng minh hỗ trợ.
Ảnh hưởng đến thị trường uranium thế giới
Các nhà đầu tư lo lắng bất ổn xã hội và chính trị có thể làm suy yếu danh tiếng của Kazakhstan - một điểm đến đầu tư đáng tin cậy.
Kazakhstan là nước xuất khẩu urani lớn nhất thế giới và nằm trong số những nước sản xuất dầu và than đá hàng đầu. Bất ổn chính trị tại Kazakhstan gây tâm lý lo ngại trên các thị trường năng lượng.
Chuyên gia kinh tế Timothy Ash nói với DW rằng nhìn chung lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên sẽ không bị ảnh hưởng và chưa thấy gián đoạn lớn trong quá trình sản xuất năng lượng và nguyên liệu thô.
Kazakhstan sản xuất hơn 40% urani trên thế giới, nguyên liệu chính cho các lò phản ứng hạt nhân, khiến nước này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi toàn cầu về giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tập đoàn quốc gia Kazakhstan Kazatomprom, nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới, cho biết các cuộc biểu tình bạo lực hồi tuần trước hiện chưa ảnh hưởng đến sản xuất hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên, giá urani đã tăng mạnh vào tuần trước do lo ngại rằng bất ổn chính trị tại Kazakhstan có thể khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn.
Ông Jonathan Hinze, Chủ tịch công ty tư vấn thị trường nhiên liệu hạt nhân UxC nhận xét: “Mức độ ảnh hưởng của việc giảm nguồn cung từ Kazakhstan sẽ được cảm nhận rõ ràng trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường nhiên liệu hạt nhân có đặc điểm là thời gian sản xuất rất dài, vì vậy phần lớn các cơ sở sản xuất đều sở hữu các đường ống quan trọng cũng như có nguồn dự trữ chiến lược để tránh bất kỳ tình trạng gián đoạn nguồn cung nào trong ngắn hạn”.
Trong khi đó, Cameco - nhà sản xuất urani lớn của Canada và là đối tác liên doanh của tập đoàn Kazatomprom, cảnh báo rằng gián đoạn nguồn cung ở Kazakhstan có thể tác động lớn đến thị trường urani toàn cầu.
Kazakhstan, quốc gia đáp ứng 20% nhu cầu urani hàng năm của châu Âu, đã đóng vai trò quan trọng trên thị trường urani nhờ chi phí sản xuất thấp. Dù vậy, giá urani đã tăng trở lại trong vài năm qua khi các quốc gia đặt cược vào năng lượng hạt nhân để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Rủi ro lớn đối với thị trường dầu mỏ
Kazakhstan, thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Trung Á, hiện đang khai thác khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Hầu hết dầu mỏ sản xuất được Kazakhstan dành cho xuất khẩu, chủ yếu sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Nước này có trữ lượng dầu cao thứ 12 trên thế giới với khoảng 30 tỷ thùng dầu thô.
Kazakhstan cũng nằm trong số các nhà cung cấp than hàng đầu thế giới khi sản xuất 108 triệu tấn vào năm 2018. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong năm 2018, Kazakhstan là nước xuất khẩu than và dầu thô lớn thứ 9 thế giới và đứng thứ 12 về khí đốt tự nhiên. Khoảng 80% lượng dầu xuất khẩu hàng năm của Kazakhstan được chuyển sang EU.
Lĩnh vực hydrocacbon đã thu hút khoảng 60% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Kazakhstan kể từ năm 1991 và chiếm hơn 50% doanh thu xuất khẩu của nước này. Các tập đoàn dầu khí toàn cầu như ExxonMobil, Chevron, Eni và TotalEnergies đã đầu tư hàng tỷ USD trong những năm gần đây, giúp thúc đẩy tăng trưởng dầu khí của nước này.
Các cuộc biểu tình trong tuần trước hiện tại vẫn chưa ảnh hưởng đến sản xuất tại ba mỏ dầu lớn nhất của Kazakhstan là Tengiz do tập đoàn Chevron điều hành, Kashagan và Karachaganak thuộc sở hữu của tập đoàn Shell.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam tại OANDA nhận định: “Tình trạng bất ổn tại Kazakhstan diễn ra đúng thời điểm liên minh OPEC+ vật lộn để đáp ứng hạn ngạch tăng sản lượng, vốn đang gây áp lực lên giá dầu. Nếu xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung, giá dầu có khả năng sớm thiết lập mức đỉnh ghi nhận hồi tháng 10/2021. Thậm chí, tùy thuộc vào mức độ gián đoạn, thời điểm giá dầu có thể nhảy vọt lên mức ba con số sẽ không còn xa nữa”.