Bầu cử Đức: Thách thức với người thắng cuộc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ước tính hơn 60 triệu người Đức đã đi bỏ phiếu hôm 26/9 để bầu ra Thủ tướng mới, người sẽ mở ra kỷ nguyên “hậu Merkel”.

Các áp phích bầu cử của 3 ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Thủ tướng Đức (từ phải qua trái) Armin Laschet, Annalena Baerbock và Olaf Scholz, trên một con phố ở Gelsenkirchen, ngày 23/9/2021. Ảnh: AP 

Quyết định rời vị trí lãnh đạo quốc gia sau 16 năm của Thủ tướng Angela Merkel đã khiến nền chính trị Đức đảo lộn, dẫn đến cuộc chạy đua khó lường nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong suốt chiến dịch, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU-CSU) của bà Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh (Greens) đều đã dẫn đầu tại các thời điểm khác nhau.

Các cuộc thăm dò ngay trước bầu cử cho thấy, cuộc chạy đua giành vị trí Thủ tướng Đức có thể gay cấn đến phút cuối, khi liên minh CDU-CSU được dự kiến chiếm khoảng 23% phiếu bầu, sau SPD ở mức khoảng 25%. Và đó là đường đua của hai người đàn ông: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, 63 tuổi, của SPD, và Thống đốc bang Armin Laschet, 60 tuổi, của CDU-CSU.

Vài tuần trước, SPD được cho có thể dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần này. Cho đến khi bà Merkel dường như cũng đang bước vào cuộc chiến để ủng hộ đảng nhà. Thủ tướng Merkel đã liên tục cảnh báo cử tri trong 48 giờ trước cuộc bỏ phiếu: “Ai là người nắm quyền lãnh đạo sẽ là điều thực sự quan trọng”. Thông điệp của bà là nước Đức cần sự ổn định và tuổi trẻ của quốc gia cần một tương lai, và ứng viên Armin Laschet của CDU-CSU là người sẽ mang lại điều đó. Nữ Thủ tướng sắp mãn nhiệm cũng đã cùng ông Laschet tham gia một cuộc vận động hôm 25/9 tại quê nhà Aachen của ứng viên này.

Sự ủng hộ công khai này được đánh giá là đặc biệt quan trọng, bởi tầm ảnh hưởng của bà Merkel trong vai trò Thủ tướng Đức suốt 16 năm qua đã vượt mọi kỳ vọng. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, Thủ tướng Merkel nhận được đánh giá tích cực ở hầu hết 16 nền kinh tế tiên tiến được khảo sát gần đây tại Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giới quan sát đã và đang hoài nghi về khả năng người lãnh đạo nước Đức trong nhiệm kỳ sắp tới có thể lấp được khoảng trống của bà Merkel. “Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ thay thế bà Merkel và liệu người đó có đủ sức hút và khả năng như bà đã làm không?” - Ben Schreer, từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nói với CNN - “Các đồng minh tỏ ra hoài nghi và người Đức cũng khá thận trọng trong vấn đề này”.

Theo các nhà phân tích, ngay cả khi các lá phiếu chỉ ra được người chiến thắng ít giờ sau 18 giờ ngày 26/9 (giờ địa phương) - thời điểm chính thức đóng các hòm phiếu, người Đức có thể vẫn phải chờ thêm một thời gian để thấy một Chính phủ mới được thành lập. Thách thức ngay trước mắt với bên chiến thắng là việc thành lập một liên minh, và có vẻ như rất ít khả năng có thể lặp lại liên minh lớn của hai bên hiện đang nắm quyền.

Các liên minh đã là một bộ phận cố định của nền chính trị liên bang Đức trong nhiều thập kỷ qua và cuộc bầu cử này khó có thể làm trái xu hướng này. Các cuộc đàm phán thành lập liên mình có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng, và do đó sẽ yêu cầu bà Merkel tiếp tục lãnh đạo quốc gia cho đến khi thỏa thuận chia sẻ quyền lực được ký kết. CDU-CSU và SPD đã có nhiều thỏa thuận chia sẻ quyền lực với nhau, bao gồm cả trong Chính phủ gần đây nhất. Tuy nhiên lần này, cả hai bên đều hy vọng họ có thể nắm quyền mà không cần bên kia.

Đảng Xanh - được dự kiến sẽ đứng ở vị trí thứ 3 với khoảng 17% phiếu bầu - đã báo hiệu rằng họ sẵn sàng tham gia vào một liên minh thành lâp Chính phủ với SPD. Điều này có thể đưa đảng này trở lại nắm quyền lần đầu tiên kể từ những năm 1950. Tuy nhiên, một liên minh SPD-Greens vẫn sẽ là chưa đủ để đảm bảo đa số trong Hạ viện gồm 785 ghế.