Bầu cử giữa nhiệm kỳ - Giai đoạn gay cấn của chính trường Mỹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một loạt cuộc bỏ phiếu vội vã nhằm thông qua các dự luật, trong đó có kế hoạch...

Kinhtedothi - Sau một loạt cuộc bỏ phiếu vội vã nhằm thông qua các dự luật, trong đó có kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2015 để chính phủ không bị ngừng hoạt động thêm một lần nữa, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã lập tức trở về các địa hạt bang quê hương, bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được xác định là đầy cam go vào ngày 4/11 tới.

Tính chất cam go của cuộc bầu cử được phản ánh rõ qua phát biểu của một số nghị sỹ khi họ thừa nhận vẫn còn không ít câu hỏi xung quanh một số dự luật mà họ vừa vội vã thông qua.

Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là vì sao Quốc hội khóa 113 lại bị người dân đánh giá là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử? Vì sao chính trường Mỹ, trong gần 6 năm ông Barack Obama làm Tổng thống, lại rơi vào bế tắc tới mức hầu hết các vấn đề đối nội cấp bách từ chi tiêu ngân sách, cải cách luật nhập cư đến hạn chế buôn bán súng đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe đều không tìm ra được lối thoát?
Một phiên họp của Thượng viện Mỹ. Ảnh: AP
Một phiên họp của Thượng viện Mỹ. Ảnh: AP
Về đối ngoại, không ít nghị sỹ băn khoăn liệu dự luật cung cấp vũ khí và huấn luyện cho phe đối lập tại Syria sẽ mang lại hiệu quả tới đâu bởi lẽ họ thừa biết một bộ phận không nhỏ trong nhóm vũ trang “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng mà nước Mỹ đang phải đối mặt đã từng nhận tiền và thiết bị của Mỹ.

Xa hơn nữa, sự can dự trở lại của Mỹ vào Iraq sau hơn một thập kỷ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và sau hơn 3 năm rút quân khỏi quốc gia vùng Vịnh này sẽ dẫn tới kịch bản nào? Liệu có phải sử dụng tới bộ binh để rồi lại bị sa lầy hay không?

Việc không kích vào lãnh thổ Syria có đúng là nhằm tiêu diệt các tay súng nhóm IS hay chỉ trên danh nghĩa? Thực tế, sự lo ngại của chính quyền Tổng thống Syria Basha al-Assad là chính đáng và có cơ sở bởi tấn công IS là một mục tiêu của Washington, nhưng việc chi thêm 500 triệu USD tài trợ cho phe nổi dậy cũng không phải không có mục đích. Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân, cuộc khủng hoảng Ukraine và nhiều vấn đề đối ngoại khác cũng đều chưa có lời giải.

Việc các “ông nghị” lo ngại về những quyết sách trên là điều dễ hiểu, song điều đó không quan trọng bằng việc họ phải giành được lá phiếu của cử tri trong ngày 4/11 tới để có thể tiếp tục tại vị.

Kết quả thăm dò mới đây đều đáng báo động đối với tương lai của không ít các nghị sỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Theo kết quả thăm dò chung mới nhất của kênh truyền hình NBC News/Wall Street Journal, cử tri Mỹ đánh giá hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa 113 hiện nay là kém nhất trong lịch sử đương đại.

Trong số gần 700 người được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại, có tới 74% cử tri đăng ký được hỏi cho rằng Quốc hội hoạt động "rất kém", 19% nói rằng "có hiệu quả đôi chút" và 3% cho là "có hiệu quả."

Theo một cuộc thăm dò của Gallup, chỉ có 15% người dân Mỹ ủng hộ hoạt động Quốc hội khóa 113, hơn 80% còn lại phản đối. Các “ông nghị” của cả hai đảng đều có mối lo như nhau. Kết quả thăm dò dư luận của Fox News cách đây không lâu cũng cho thấy trong số hơn 1.000 cử tri trên khắp nước Mỹ được phỏng vấn, 43% nói rằng nếu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được tổ chức vào thời điểm đó, họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng Cộng hòa so với 39% cam kết lựa chọn các ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, theo một thăm dò khác, các ứng cử viên của đảng Dân chủ lại tạm dẫn với tỷ lệ chênh lệch 3%. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 4/11 tới “đụng chạm” tới toàn bộ 435 ghế Hạ viện, đảng nào giành được 218 ghế sẽ nắm quyền kiểm soát đa số.

Vào dịp bầu cử sẽ có 40 Hạ nghị sỹ, trong đó có 16 nghị sỹ của đảng Dân chủ và 24 nghị sỹ của đảng Cộng hòa, sẽ nghỉ hưu. Tại Hạ viện khóa 113, đảng Cộng hòa nắm đa số với 233 ghế và đảng Dân chủ nắm giữ 199 ghế.

Với Thượng viện, trong ngày 4/11 tới sẽ có 33 trong tổng số 100 ghế phải bầu lại, đảng nào chiếm được 51 ghế sẽ nắm quyền chi phối Thượng viện. Hiện tại, đảng Dân chủ đang nắm giữ 53 ghế, đảng Cộng hòa 45 ghế và 2 ghế độc lập. Trong cuộc bầu cử sắp tới, trong số 33 ghế Thượng viện phải bầu lại có 21 ghế của đảng Dân chủ và 15 ghế của đảng Cộng hòa.

Hiện đảng Cộng hòa đang rất hy vọng giành được quyền kiểm soát đa số tại Thượng viện để biến chính trường Mỹ thành một mặt trận rõ ràng, trong đó đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối lưỡng viện Quốc hội và chính quyền của đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng. Điều đó sẽ giúp cho đảng Cộng hòa có ưu thế để gây khó khăn cho hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Ngoài các ghế tại lưỡng viện Quốc hội còn có 36/50 ghế Thống đốc bang phải bầu lại. Đảng Cộng hòa hiện nắm giữ 29 ghế Thống đốc bang so với 21 ghế của đảng Dân chủ. Đảng nào giành được càng nhiều ghế thống đốc bang trong ngày 4/11 tới sẽ càng thuận lời cho cuộc tổng tuyển cử năm 2016 bầu chọn tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Rõ ràng, bầu không khí trên chính trường Mỹ đang “nóng” lên từng ngày. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang tìm mọi cách, tận dụng mọi cơ hội để có thể thay đổi tương quan lực lượng sau cuộc bầu cử sắp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần