Bầu cử Mỹ: Căng thẳng và kịch tính

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ năm nay được cử tri Mỹ quan tâm đặc biệt. Điều này thể hiện ở tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử được xác định là cao nhất kể từ năm 1908 đến nay; đạt mức kỷ lục về cử tri đi bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu bằng cách gửi qua bưu điện. Cả thế giới cũng quan tâm theo dõi cuộc bầu cử này, đơn giản vì mọi chuyện của nước Mỹ về đối nội cũng như đối ngoại đều ảnh hưởng rất mạnh mẽ và sâu sắc tới diễn biến bên ngoài nước Mỹ.

Chưa đến hồi ngã ngũ
Một lý do không kém phần quyết định nữa là những quyết sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên đã làm cho cả nước Mỹ và thế giới bên ngoài nước Mỹ bối rối. Nước Mỹ bị phân hoá thêm sâu sắc trên chính trường cũng như trong nội bộ xã hội. Còn thế giới bên ngoài nước Mỹ bị đẩy vào tình trạng không biết đâu mà lường với nước Mỹ. Những ai không thích ông Trump kỳ vọng cựu Phó Tổng thống Joe Biden trên cương vị ứng cử viên Tổng thống của phía Đảng Dân chủ sẽ chấm dứt cái gọi là "Cơn ác mộng có tên gọi Donald Trump". Còn những ai ủng hộ ông Trump lại muốn người này tiếp tục tại vị để hoàn tất việc "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Trước khi quyết định bỏ phiếu bầu cho ai trong số hai người ấy, cử tri ở Mỹ đều ý thức được rất đầy đủ và rõ ràng rằng họ không có sự lựa chọn cái dung hòa giữa hai thái cực trên nhiều phương diện và ai trong số hai người ấy đắc cử thì cuộc bầu cử này cũng vẫn đẩy nước Mỹ vào một lối đi khác. Đơn giản ở chỗ nếu ông Biden đắc cử thì người này sẽ cầm quyền khác ông Trump còn nếu ông Trump tái đắc cử thì sẽ chẳng có gì ngăn cản ông Trump tiếp tục cầm quyền theo ngẫu hứng của mình, tiếp tục khác người hơn, thậm chí còn có thể cả quyết liệt và thái quá hơn.

Cùng với bầu cử tổng thống, cử tri Mỹ còn bầu lại toàn bộ hạ viện và 35 trong tổng số 100 dân biểu của thượng viện. Cuộc bầu cử quốc hội này không kém phần quan trọng vì phe cánh chính trị nào kiểm soát được thượng viện hoặc hạ viện hay thậm chí cả lưỡng viện lập pháp đều có trong tay một tác nhân quyền lực vô cùng quan trọng, đều có thể trợ giúp người thuộc phe mình cầm quyền hoặc gây khó dễ cho người thuộc phe cánh chính trị khác trong chuyện cầm quyền của người ấy, tức là có thể làm cho tổng thống như hổ mọc thêm cánh hoặc biến tổng thống thành "con vịt què" như được hình tượng hoá trong chính trị.

Cuộc bầu cử với nhiều điểm đặc biệt

Điều đặc biệt đầu tiên ở cuộc bầu cử này là nó diễn ra trong bối cảnh tình hình nước Mỹ bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus gây ra làm cho thất điên bát đảo. Dịch bệnh hoành hành ở nước Mỹ với mức độ ghê gớm nhất thế giới. Nếu chuyện dịch bệnh và thành quả ứng phó dịch bệnh, dẫn dắt nước Mỹ ra khỏi dịch bệnh là mối quan tâm hàng đầu của ông Trump thì chắc chắn người này không thể có được cơ may tái đắc cử. Nếu cử tri Mỹ coi cuộc bầu cử này là cuộc trưng cầu dân ý về thành quả cầm quyền của ông Trump trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên thì người này cũng không thể có được cơ may tái đắc cử. Nhưng xem ra cử tri ở Mỹ vẫn coi trọng chủ đề nội dung "kinh tế" hơn và trên phương diện này thì ông Trump được cử tri đánh giá cao hơn hẳn ông Biden. Trong cử tri Mỹ có nhiều người không thích tính cách cá nhân ông Trump, nhưng đa số cử tri Mỹ không thể không khách quan để công nhận là ông Trump không cam kết tranh cử suông mà thực hiện cam kết tranh cử. Dịch bệnh xem ra chỉ tác động quyết định tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống này trên phương diện cử tri Mỹ thấy càng cần gửi gắm lòng tin và bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên mà họ tin tưởng có khả năng nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Điều đặc biệt nữa ở cuộc bầu cử năm nay của nước Mỹ là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, cao chưa từng thấy kể từ năm 1908 trở lại đây. Cũng chưa khi nào kể từ thời điểm nói trên có đông đảo đến như vậy cử tri đi bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu bầu bằng cách gửi qua bưu điện. Thông thường ở Mỹ, người ta cho rằng số lượng cử tri này càng lớn thì phe Đảng Dân chủ càng được lợi. Nhưng năm nay lại có thể khác bởi tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao có nghĩa là sự quan tâm chung của cử tri tới sự lựa chọn giữa hai phe đã tăng lên đáng kể so với những lần bầu cử trước, cử tri ủng hộ phe cánh chính trị này ý thức được rằng phải tích cực tham gia bầu cử thì mới đảm bảo phe của họ giành về phần thắng.

Điều đặc biệt nữa là ở cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay lặp lại tình trạng đã xảy ra cách đây 4 năm trên phương diện kết quả thăm dò dư luận. Năm 2016, kết quả đa số các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ đều dự đoán bà Hillary Clinton đắc cử tổng thống và ông Trump sẽ thất bại. Kết quả cuối cùng là bà Clinton đạt được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn ông Trump nhưng lại ít số đại cử tri hơn ông Trump. Năm nay, ông Biden cũng bỏ rơi ông Trump trong kết quả các cuộc thăm dò dư luận và không chỉ có như thế, mức độ chênh lệch về sự tín nhiệm của cử tri giữa ông Biden và ông Trump còn lớn hơn mức độ chênh lệch về sự tín nhiệm của cử tri hồi năm 2016 giữa bà Clinton và ông Trump. Nhưng kết quả bầu cử mà ông Trump đạt được đến nay trong cuộc ganh đua quyền lực hiện tại với ông Biden đã cho thấy ông Trump đã có cuộc bứt phá đuổi kịp ngoạn mục.

Giống như những lần bầu cử trước, kết quả bầu cử ở những bang thường chao đảo quyết định giữa các phe cánh chính trị lần này cũng sẽ quyết định thắng thua giữa ông Trump và ông Biden. Ở những bang này năm nay cũng lại thấy thực tế là bộ phận cử tri trung thành với phe Đảng Cộng hoà rất đoàn kết thống nhất và rất quyết tâm giành chiến thắng về cho phe mình trong khi ở phía Đảng Dân chủ thì nội bộ vẫn tiếp tục bị rệu rã và phân hoá. Năm 2016, phe này đã bị thất bại chủ yếu bởi nguyên nhân ấy. Năm nay, nhiều khả năng rồi cũng sẽ lại như vậy. Ông Trump đã rất thành công với chiến lược vận động tranh cử nhằm chủ yếu vào bộ phận cử tri trung thành với mình và luôn ủng hộ phe Đảng Dân chủ.

Việc kiểm phiếu ở nhiều bang diễn ra chậm chạp nên kết quả bầu cử cuối cùng chắc phải sau vài ngày tới nữa mới có thể được công bố chính thức. Các bang chao đảo kia bây giờ đóng vai trò con ruồi đậu nặng đồng cân. Bốn năm trước đây, các bang ấy đã giúp ông Trump làm nên chuyện bất ngờ và độc đáo hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần