Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bầu cử Tân Giáo hoàng bước vào giai đoạn quyết định

Kinhtedothi - Giáo hội Công giáo bước vào thời khắc quan trọng khi chuẩn bị bầu Tân Giáo hoàng kế nhiệm Đức Francis. Giữa những chia rẽ nội bộ và thách thức toàn cầu, tín hữu khắp thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào một nhà lãnh đạo mới đủ sức dẫn dắt và thúc đẩy đức tin.

Vào ngày 7/5/2025, mật nghị Hồng y (Conclave) sẽ chính thức bắt đầu tại Nhà nguyện Sistine, Vatican, với sự tham gia của 133 Hồng y cử tri đến từ 71 quốc gia - con số cao kỷ lục trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Sự kiện được mong chờ này không chỉ nhằm tìm ra người kế nhiệm Đức Giáo hoàng Francis, khi ông vừa qua đời ở tuổi 88 sau 12 năm lãnh đạo, mà còn mang theo kỳ vọng về hướng đi tương lai của một Giáo hội có hơn 1,4 tỷ tín đồ trên toàn thế giới.

An ninh tuyệt đối bao trùm mật nghị tại Vatican

Vatican đang tiến hành các biện pháp an ninh và kiểm soát thông tin nghiêm ngặt bậc nhất thế giới hiện nay. Theo hãng thông tấn Ý ANSA và Đài RAI, mọi tín hiệu điện thoại di động tại Vatican sẽ bị vô hiệu hóa từ chiều 7/5, trước giờ các Hồng y bước vào Nhà nguyện Sistine. Thiết bị gây nhiễu tín hiệu được triển khai quanh khu vực này nhằm ngăn chặn hoàn toàn mọi hình thức giám sát điện tử hay truyền tin ra ngoài.

Kể từ ngày 6/5, các Hồng y buộc phải giao nộp toàn bộ điện thoại và thiết bị điện tử, chính thức bước vào trạng thái cách ly hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài cho đến khi quá trình bỏ phiếu kết thúc. Ngay cả những người phục vụ như kỹ thuật viên, thợ điện hay đầu bếp cũng phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối và bị cấm liên lạc với bên ngoài trong suốt thời gian diễn ra mật nghị. Bên trong Nhà nguyện Sistine, nơi các lá phiếu được đốt sau mỗi vòng bỏ phiếu, hệ thống tạo khói đặc biệt đã được thử nghiệm kỹ lưỡng: khói trắng sẽ là dấu hiệu thiêng liêng báo cho thế giới biết rằng Giáo hội đã chọn được vị tân giáo hoàng.

Từ trước khi mật nghị chính thức bắt đầu, các cuộc họp “tiền mật nghị”, gọi là Congregation, đã được tiến hành tại Vatican, nơi các Hồng y thảo luận về những thách thức lớn của Giáo hội. Theo ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã có 26 lượt phát biểu trong buổi sáng ngày 5/5, xoay quanh nhiều chủ đề then chốt: vai trò của giáo luật, truyền giáo, sự chia rẽ trong Giáo hội, vai trò của phụ nữ, bảo vệ môi trường, chiến tranh, và cách Giáo hội thích ứng với thế giới toàn cầu hóa.

Các Hồng y đã cử hành Thánh lễ trong tuần cửu nhật cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng Francis. Ảnh: VATICAN MEDIA Divisione Foto

Một trong những kỳ vọng nổi bật là vị tân giáo hoàng sẽ là “người mục tử gần gũi với dân chúng” - biết lắng nghe, thấu cảm và kiến tạo sự hiệp thông trong Giáo hội. Trong bối cảnh thế giới đang bị bao trùm bởi xung đột địa chính trị, khủng hoảng môi trường và những thách thức về đức tin, vai trò lãnh đạo tinh thần chưa bao giờ trở nên cấp thiết như lúc này.

Giáo hội Công giáo trước ngã ba cải cách và truyền thống

Cuộc bầu chọn giáo hoàng lần này được giới quan sát đánh giá là khó đoán nhất trong nhiều thập kỷ qua, do Hồng y đoàn ngày càng đa dạng về văn hóa, địa lý và tư tưởng thần học. Trong suốt triều đại của mình, Đức Giáo hoàng Francis đã phá bỏ truyền thống lấy châu Âu làm trung tâm bằng cách phong Hồng y đến từ nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin - một bước đi thể hiện rõ tầm nhìn mở rộng Giáo hội theo hướng toàn cầu hóa.

Một số Hồng y có xu hướng cải cách, ủng hộ hướng đi của Đức Francis như Hồng y người Thụy Điển Anders Arborelius - người lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quyền người nhập cư và vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo hội, dù vẫn khẳng định lập trường không tấn phong nữ linh mục. Ông cho rằng phụ nữ có thể đóng vai trò chủ chốt trong nhiều lĩnh vực, như kinh tế, giáo dục, điều hành và góp phần làm trong sạch nội bộ Vatican.

Ở chiều ngược lại, các nhân vật bảo thủ như Hồng y Gerhard Müller của Đức kịch liệt phản đối những chính sách mềm mỏng với người đồng tính mà Đức Francis từng thông qua. Ông cho rằng hôn nhân đồng giới hoàn toàn trái với lời Chúa và yêu cầu tân giáo hoàng cần có lập trường rõ ràng để củng cố giáo lý.

Hiện chưa có ứng cử viên nào thực sự nổi trội, dù truyền thông và các nhà cái quốc tế đã nhắc đến những cái tên như Hồng y Luis Antonio Tagle (Philippines), Hồng y Jean-Claude Hollerich (Luxembourg), hay một số gương mặt mới đến từ châu Phi. Tuy nhiên, giới quan sát đều nhận định mọi Hồng y đều có cơ hội ngang nhau, bởi mật nghị là kết tinh của quá trình suy xét nghiêm cẩn, chứ không phải một cuộc chạy đua quyền lực theo nghĩa thông thường.

Sự phân hóa tư tưởng có thể khiến mật nghị kéo dài hơn bình thường. Mặc dù các mật nghị gần đây chỉ kéo dài hai đến ba ngày, nhưng lịch sử cho thấy sự bế tắc có thể khiến quá trình này kéo dài tới nhiều tháng, như trường hợp mật nghị thế kỷ 13 tại Viterbo.

Đọc thêm: Châu Âu trở thành điểm đến mới của giới học thuật quốc tế

Việc chọn ra người kế nhiệm Thánh Phêrô không chỉ là chọn một vị lãnh đạo tinh thần, mà là đặt định hướng cho tương lai của một trong những tổ chức tôn giáo lớn nhất thế giới. Trong thời đại công nghệ, biến đổi xã hội nhanh chóng và khủng hoảng niềm tin, Giáo hội Công giáo đang đứng trước ngã ba đường giữa giữ gìn truyền thống và thích nghi với thời cuộc.

Dù ai được chọn, vị tân giáo hoàng sẽ đối mặt với một nhiệm vụ không dễ dàng: giữ vững đức tin, làm cầu nối giữa các thế hệ tín đồ, và khôi phục sự thống nhất trong một Giáo hội đang chuyển mình.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Các bang của Mỹ chủ động kết nối thương mại với Canada

Các bang của Mỹ chủ động kết nối thương mại với Canada

06 May, 02:16 PM

Kinhtedothi – Sáu thống đốc bang miền Đông Bắc nước Mỹ đã gửi lời mời lãnh đạo sáu bang Canada tới Boston, nhằm tổ chức cuộc họp liên chính quyền cấp địa phương trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy quan hệ thương mại song phương vào vòng căng thẳng.

Châu Âu lo ngại khi Mỹ tính cắt giảm ngân sách cho NASA

Châu Âu lo ngại khi Mỹ tính cắt giảm ngân sách cho NASA

06 May, 08:14 AM

Kinhtedothi - Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang đánh giá tác động từ đề xuất ngân sách mới của Mỹ, trong đó cắt giảm đáng kể khoản tài trợ dành cho chương trình Mặt trăng Artemis mà ESA là một đối tác quan trọng.

Châu Âu trở thành điểm đến mới của giới học thuật quốc tế

Châu Âu trở thành điểm đến mới của giới học thuật quốc tế

06 May, 07:28 AM

Kinhtedothi - Giữa lúc nhiều thay đổi chính sách tại Mỹ đang gây lo ngại trong cộng đồng khoa học, các quốc gia châu Âu đã chủ động triển khai loạt sáng kiến nhằm thu hút nhân tài toàn cầu, khẳng định vai trò trung tâm học thuật cởi mở và ổn định.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ