Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88
Kinhtedothi - Di sản của Giáo hoàng Francis ghi dấu một nhiệm kỳ cải cách đầy nhân văn, đề cao bao dung và lòng nhân ái.
Vào lúc 9:45 sáng cùng ngày, Đức Hồng y Kevin Farrell của Phòng Tông Tòa, xác nhận tin buồn từ chính nơi Ngài trút hơi thở cuối cùng.
“Lúc 7:35 sáng nay, Đức Giám mục Roma, Francis, đã trở về với Chúa,” Hồng y Farrell trang nghiêm thông báo. “Suốt cuộc đời mình, Ngài đã tận hiến cho việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội của Người." Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị Phúc âm với lòng trung thành, lòng can đảm và tình yêu phổ quát, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và bị gạt ra bên lề xã hội.”
Giáo hoàng Francis được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Agostino Gemelli vào ngày 14/2/2025 sau nhiều ngày chống chọi với cơn viêm phế quản kéo dài. Diễn biến bệnh nhanh chóng trở nên nghiêm trọng khi các bác sĩ chẩn đoán ngài mắc viêm phổi hai bên, kèm theo các loại nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm. Sau 38 ngày điều trị tích cực, Ngài trở về tư dinh tại Vatican để tiếp tục quá trình hồi phục, tuy nhiên tình trạng sức khỏe không có dấu hiệu cải thiện.
Ngài từng phải phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi vào năm 1957 do biến chứng nhiễm trùng nặng khi còn trẻ. Các vấn đề về hô hấp kéo dài đã khiến Giáo hoàng Francis nhiều lần hủy các hoạt động công du. Tháng 11/2023, Ngài hoãn chuyến thăm UAE vì bị cúm và viêm phổi. Năm 2021 và 2023, Ngài cũng nhập viện vì viêm phế quản và thoát vị.
Vào tháng 4/2024, Giáo hoàng Francis đã chính thức phê chuẩn phiên bản cập nhật của sách nghi lễ dành cho tang lễ giáo hoàng, bày tỏ mong muốn tang lễ của mình được tổ chức giản dị, tập trung vào niềm tin Kitô giáo vào sự Phục sinh. Theo quy định mới, việc xác nhận cái chết của giáo hoàng được thực hiện tại nhà nguyện thay vì tại phòng riêng, và linh cữu được chuẩn bị ngay sau đó. Đức Tổng giám mục Diego Ravelli, Chủ lễ Tông Tòa, cho biết Giáo hoàng Francis đặc biệt nhấn mạnh tinh thần mục vụ trong nghi thức này, nhằm khẳng định vai trò người chăn dắt của Giáo hội hơn là biểu tượng quyền lực thế tục.

Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88. Ảnh: Vatican Media
Trong hơn một thập kỷ qua, hình ảnh Giáo hoàng Francis được ghi dấu bằng phong cách lãnh đạo gần gũi, khiêm nhường và đầy quyết tâm cải cách. Ngài từ chối sống trong Cung điện Tông Tòa truyền thống, thay vào đó chọn cư trú tại Nhà Santa Marta - biểu tượng cho lối sống giản dị và gắn bó với cộng đồng. Trong suốt thời gian đứng đầu Giáo hội, Ngài kêu gọi xây dựng một Giáo hội “nghèo vì người nghèo”, mạnh mẽ lên án bất công xã hội, bảo vệ quyền lợi của người di cư, và trở thành tiếng nói toàn cầu về trách nhiệm môi trường qua thông điệp Laudato Si’.
Giáo hoàng Francis cũng là người kiên trì thúc đẩy tinh thần bao trùm trong lòng Giáo hội. Ngài thừa nhận vai trò đồng hành của Giáo hội đối với cộng đồng LGBTQ+, và vào cuối năm 2023, ngài cho phép các linh mục ban phép lành mục vụ cho các cặp đồng giới - với điều kiện không bị hiểu là chúc phúc cho một cuộc hôn nhân theo nghĩa truyền thống. Trong một cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Bồ Đào Nha cùng năm, Ngài đã khiến hàng nghìn người xúc động khi dẫn đầu cộng đoàn hô vang “Todos, todos, todos!” - thông điệp khẳng định Giáo hội là mái nhà đón nhận tất cả, không loại trừ một ai.
Đọc thêm: Sầu riêng Malaysia tăng tốc chinh phục thị trường Trung Quốc
Dù cởi mở trong nhiều vấn đề xã hội, Ngài vẫn giữ lập trường truyền thống về phá thai, gọi đây là hành vi “giết người”. Ngài phản đối đề xuất từ chối Thánh Thể cho các chính trị gia ủng hộ quyền phá thai, cho rằng các giám mục nên là mục tử chứ không phải chính trị gia.
Sự ra đi của Giáo hoàng Francis khép lại một chương quan trọng trong lịch sử Giáo hội Công giáo hiện đại. Mật nghị Hồng y sẽ sớm được triệu tập để bầu ra người kế nhiệm. Dù ai lên kế vị, di sản về lòng nhân ái, đối thoại và canh tân mà Ngài để lại chắc chắn sẽ tiếp tục định hình tương lai của Giáo hội toàn cầu.

Hà Nội: tôn giáo hành đạo tiến bộ, đồng hành, gắn bó cùng dân tộc
Kinhtedothi - Sáng 9/4, Sở Dân tộc và Tôn giáo Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2025 đối với các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.

Ninh Bình theo dõi thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Kinhtedothi – Qua theo dõi, kiểm tra, các cơ quan liên quan sẽ có cơ sở để đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Biểu tình lan rộng tại Mỹ
Kinhtedothi - Hàng nghìn người tại nhiều thành phố khác nhau trên khắp nước Mỹ đã xuống đường biểu tình phản đối các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, bao gồm việc trục xuất người nhập cư, sa thải hàng loạt trong bộ máy chính phủ, cũng như hai cuộc xung đột tại Gaza và Ukraine.