Phó Chủ tịch điều hành Kobe Steel, Naoto Umehara (bên phải), xin lỗi tại một cuộc họp báo ở Tokyo sau khi vụ bê bối nổ ra. |
Bê bối của Kobe Steel đã khiến dư luận Nhật Bản rúng động sau khi thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong máy bay, xe hơi, và thậm chí cả tên lửa vũ trụ. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi 6 nhà sản xuất ô tô nổi tiếng gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda thừa nhận đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe Steel. Vụ bê bối khiến giá cổ phiếu của Kobe Steel đã giảm 22%, dẫn đến giá trị thị trường của tập đoàn này “bốc hơi” gần 1 tỷ USD. Kobe Steel công bố đã thành lập ban điều tra riêng làm việc nghiêm túc, tuy nhiên vụ bê bối tác động vô cùng tồi tệ đến Tập đoàn. Kobe Steel nhiều khả năng phải tiến hành các đợt thu hồi sản phẩm, theo khẳng định của chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Tachibana ở Tokyo Takeshi Irisawa.
Từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã đẩy mạnh áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện hoạt động quản trị DN. Hoạt động mua lại cổ phiếu trở nên sôi động, cổ tức DN tăng cao. Nhưng cho đến nay, các DN chủ yếu quan tâm đến cải thiện lợi nhuận chứ chưa chú trọng trừng phạt các hành vi quản trị xấu. Số lượng các vụ bê bối tăng nhanh. Chỉ trong vòng 5 năm kể từ khi vụ bê bối kế toán tại hãng sản xuất thiết bị y tế Olympus nổ ra, số lượng các vụ gian lận sổ sách kế toán bị phát hiện tăng nhanh lên mức gần gấp đôi. Trong tháng 12/2015, Toshiba đã phải nộp 7,4 tỷ Yên tiền phạt sau khi cơ quan điều tra Nhật Bản tìm thấy những bằng chứng cho thấy DN đã làm giả báo cáo tài chính để lừa các cổ đông. Trước Kobe Steel, Takata - hãng sản xuất túi khí có liên quan tới vụ thiệt mạng của ít nhất 17 người sử dụng xe ô tô trên toàn thế giới, đã phải tiến hành đợt thu hồi sản phẩm lớn chưa từng có. Takata sau đó đã phải tuyên bố phá sản.
Vụ việc của Kobe Steel như “đổ thêm dầu vào lửa” khi nhiều DN Nhật Bản đang khiến người dân thất vọng bởi hàng loạt bê bối, gây tổn hại đến giá trị cổ phiếu, khiến người tiêu dùng mất niềm tin và các cơ quan quản lý tức giận.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, tuy vụ bê bối của các DN Nhật Bản nổ ra ngày một nhiều khiến người tiêu dùng thất vọng, song điều đó cũng có thể coi như dấu hiệu cho thấy DN Nhật Bản đang ngày một làm tốt hơn việc phát hiện ra các vụ lạm dụng. Bên cạnh đó, những lùm xùm của Kobe Steel chủ yếu tác động đến uy tín của hãng. Nhưng về dài hạn, thị trường sẽ nhận được thông điệp, sản phẩm của hãng cũng không hoàn hảo, đồng thời mở đường cho sản phẩm của các nước khác bước vào thị trường của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.