Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20: Còn nhiều bất đồng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại TP Hamburg (Đức) trong 2 ngày 7 - 8/7 đã chính thức khép lại với một tuyên bố chung 19 điểm, đồng thời công nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.

 Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại TP Hamburg, Đức trong 2 ngày 7 - 8/7 đã chính thức khép lại với một tuyên bố chung 19 điểm. 

Thống nhất ngăn tài trợ cho khủng bố

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 “bất đắc dĩ” ghi nhận một thực tế nước Mỹ từ bỏ thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải làm cho Trái đất nóng lên, song lại khẳng định 19 nước thành viên còn lại coi thỏa thuận này là điều không thể đảo ngược. Như vậy chỉ có riêng Mỹ sẽ tiếp tục thực thi chính sách năng lượng dựa vào than đá, dầu mỏ và xuất khẩu khí đốt từ đá phiến - chính sách đi ngược với mục tiêu của Liên Hợp quốc (LHQ) về phát triển kinh tế, đồng thời với giảm dần mức phát thải công nghiệp. Với việc 19 nước thành viên còn lại bảo vệ thỏa thuận Paris, thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khăng khăng ủng hộ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch khiến “ông chủ” Nhà Trắng bị cô lập.

Trong phần liên quan tới thương mại, từ trước tới nay, diễn đàn G20 luôn cổ súy cho thương mại tự do, lần này do phải tính tới quan điểm của Mỹ, thiên về hướng bảo hộ mậu dịch, tuyên bố chung đã phải nhấn mạnh vai trò của các biện pháp tự vệ trong thương mại. Một thực tế cho thấy, Washington giành được một nhượng bộ là việc nhìn nhận quyền sử dụng các công cụ hợp pháp để bảo vệ thương mại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử G20, vấn đề này được nêu ra. Nhưng không chỉ mình Mỹ hài lòng, mà nhiều nước châu Âu khác cũng muốn trong tương lai sẽ tự vệ được trước nạn bán phá giá, chủ yếu là từ Trung Quốc. 

Các điểm còn lại trong tuyên bố chung, thể hiện quan điểm của nhóm 20 nền kinh tế lớn đối với các vấn đề khác nhau của thế giới, bao gồm minh bạch tài chính, đảm bảo an ninh lương thực, hợp tác giải quyết khủng hoảng di cư và chống khủng bố… Trong đó, tuyên bố chung về ngăn chặn tài trợ khủng bố được coi là điểm sáng hiếm hoi đạt được tại Hội nghị năm nay. Cụ thể, nhóm G20 nhất trí tăng gấp đôi các nỗ lực ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm cực đoan. Dù đạt được những kết quả nhất định nhưng qua diễn đàn lần này cho thấy, vẫn còn khoảng cách lớn trong cách tiếp cận các vấn đề nổi cộm của thế giới hiện nay. 

Quốc tế đánh giá vai trò của Việt Nam

Trong ngày cuối cùng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 (8/7), các lãnh đạo nhóm G20 và khách mời thảo luận các vấn đề quan trọng. 

Phát biểu với các lãnh đạo thế giới tại các phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền thông điệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, DN năng động, đổi mới, sáng tạo. Thủ tướng đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về tự do hơn nữa cho phát triển cơ sở hạ tầng mạng và ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số và thành lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo.

Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy quốc tế ngày càng đánh giá cao vai trò cũng như đóng góp của Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới. Nghị sỹ Rolf Mützenich - Phó Chủ nhiệm cơ quan phụ trách các vấn đề quốc tế của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời, bởi Việt Nam có một vị trí đặc biệt tại khu vực ASEAN".

Theo ông Mützenich, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch APEC 2017 đóng vai trò rất quan trọng trong việc chia sẻ những khó khăn, thách thức được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, nhất là trong bối cảnh những quan điểm của khu vực châu Á có ý nghĩa đối với sự phát triển của thế giới, giải quyết các vấn đề xung đột quốc tế cũng như hợp tác cùng có lợi giữa châu Á và châu Âu.

Trong khi đó, TS Rodion Ebbighausen (Kênh truyền hình Deutsche Welle - Đức) nhận định: Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng đối với khu vực ASEAN và với Hội nghị thượng đỉnh G20. Việt Nam có cơ hội để thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ và phát triển hơn nữa với các quốc gia G20 và với tư cách là Chủ tịch APEC 2017, Việt Nam sẽ có những đóp góp quan trọng với Hội nghị thượng đỉnh G20, nhất là trong các vấn đề thương mại tự do và toàn cầu hóa, vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần