Biện pháp đối phó mới này của Belarus chẳng khác gì một đòn hiểm nhằm vào EU, nhưng trong thực chất lại không hề mới lạ bởi trước đó đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc vận dụng, cũng nhằm vào EU.
Để gia tăng áp lực và có thế mặc cả với EU, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần dọa, thậm chí đã từng thực hiện việc mở cửa biên giới để người tỵ nạn và di cư ở các trại tỵ nạn trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào Hy Lạp. Để phản đối việc Tây Ban Nha và EU ủng hộ phong trào Prosalio, Chính phủ Maroc để cho người tỵ nạn và di cư tự do đi qua biên giới tới một hòn đảo của Tây Ban Nha. Bây giờ, phía Belarus để cho người tỵ nạn, di cư qua biên giới sang Luthuania và không nhận lại họ khi họ bị phía Lithuania đẩy trở lại.Cái hiểm hóc của cú đòn này là khuấy động nguy cơ và khả năng bùng phát cuộc khủng hoảng mới về người di cư cũng như tỵ nạn đối với EU, nhằm vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong EU về chính trị đối nội cũng như an ninh và đối ngoại. Động thái này của phía Belarus không có gì là khó hiểu bởi Belarus đã bị EU gia tăng áp lực và đối địch đến mức không còn gì để mất nữa trong quan hệ với EU. Qua đây có thể thấy được rất rõ hai điều. Thứ nhất, mối quan hệ giữa EU và Belarus hiện không còn có thể cứu vãn được nữa. Thứ hai, cú đòn hiểm này rồi đây chắc chắn EU sẽ còn phải nếm trải nhiều lần nữa với các đối tác khác nữa nếu không mau chóng tìm ra được giải pháp ổn thoả lâu bền cho vấn đề người di cử và tị nạn ở châu Âu.