Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bên cạnh ông lớn Trung Quốc, Ấn Độ phải xoay xở thế nào?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước này là một trong số ít cường quốc cân bằng được lợi ích chiến lược thông qua hợp tác đa phương hiệu quả.

Với đường biên giới gần 3,500km với Trung Quốc, Ấn Độ buộc phải hợp tác với nhiều bên để tối đa hóa lợi ích, cho thấy tư duy địa chính trị mang hơi thở thời đại của siêu cường này. 

Tăng cường hợp tác với Trung Đông

Trong số các quốc gia vùng vịnh, Ấn Độ có mối quan hệ với Israel nồng ấm hơn cả. Hai nước thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ cao và quốc phòng. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Israel là một trong ba nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ vào năm 2021 và hai nước đang cùng sản xuất nhiều hệ thống vũ khí. Năm 2022, Tập đoàn Adani Ấn Độ đã hoàn thành thương vụ thâu tóm cảng Haifa - cảng chiến lược lớn nhất Israel - với giá 1,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, New Delhi cũng mở rộng quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi. Sở dĩ hai quốc gia Trung Đông này bắt đầu xem trọng Ấn Độ là do lợi ích kinh tế mà quốc gia 1,4 tỷ dân mang lại. Kết quả đã được chứng minh khi trong 11 tháng đầu tiên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện UAE-Ấn Độ năm 2022, thương mại phi dầu mỏ giữa hai nước đạt 45 tỷ USD, tăng gần 7% so với năm trước.

Thông qua Bộ Tứ Tây Á (I2U2) - gồm Israel, Ấn Độ, UAE và Mỹ - Ấn Độ và UAE đã hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn đề năng lượng thay thế, nông nghiệp, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng.

Gần đây, Ả Rập Saudi và Ấn Độ cũng thảo luận kế hoạch liên kết mạng lưới năng lượng thông qua các tuyến cáp ngầm dưới biển, khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi  trong buổi tiệc chiêu đãi tại dinh tổng thống ở New Delhi vào ngày 20/2 /2019. Nguồn: Foreign Policy
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi  trong buổi tiệc chiêu đãi tại dinh tổng thống ở New Delhi vào ngày 20/2 /2019. Nguồn: Foreign Policy

Bất chấp mọi giá hợp tác với Nga

Bất chấp mọi lệnh trừng phạt mà phương Tây dành cho Moscow, New Delhi vẫn luôn xem trọng đối tác quan trọng bậc nhất này.

Hai nước vẫn luôn duy trì quan hệ thương mại, chính trị. Đặc biệt, hai bên sẽ thắt chặt hợp tác kinh tế khi một phái đoàn 50 doanh nghiệp hàng đầu Ấn Độ rục rịch thăm Nga.

“Chúng tôi thành lập phái đoàn này vì nhìn thấy những cơ hội ở Nga, đặc biệt là thị trường thực phẩm và nông sản” - Ajay Sahai, Tổng Giám đốc Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ, cho biết.

Theo ông Sahai, mục tiêu là tăng gấp đôi xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga lên khoảng 5 tỷ USD trong 2023. Ấn Độ cố gắng thúc đẩy xuất khẩu sang Nga nhằm bù đắp thâm hụt thương mại do nhập khẩu dầu thô của New Delhi từ Moscow tăng theo cấp số nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, vào ngày 27/7/2018. Nguồn: Foreign Policy
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, vào ngày 27/7/2018. Nguồn: Foreign Policy

Tận dụng nguồn lợi từ phương Tây

Với Ấn Độ, G7 hay chính xác hơn là phương Tây đang ngày càng quan trọng trên con đường chinh phục vị thế bá chủ Nam bán cầu của mình. Phương Tây đang là đối tác thương mại, đầu tư và công nghệ lớn nhất Ấn Độ, cũng như là điểm đến của phần đông người Ấn Độ. 

Về phía Mỹ và các đồng minh, Ấn Độ là đối tác không thể tuyệt vời hơn trong đối trọng với Nga cũng như cạnh tranh tầm ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế và quân sự với Trung Quốc. Minh chứng rõ ràng nhất là gần đây Washington cung cấp một loạt công nghệ, gồm cả động cơ phản lực cho New Delhi.

Ngoài ra, Ấn Độ cho thấy tham vọng dẫn đầu về công nghệ trong khu vực, nhất là trong cuộc đua với Trung Quốc. Do vậy, Mỹ là đối tác quan trọng nhất của New Delhi. Thỏa thuận gần đây về chip bán dẫn với ông lớn công nghệ Mỹ, Micron sẽ là bước đệm giúp khẳng định tham vọng công nghệ của siêu cường hàng đầu châu Á này.

Cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản, Ấn Độ cũng ngày càng khẳng định vai trò của mình tại Bộ tứ Kim cương (Quad) cũng như tăng cường hợp tác hơn nữa với Nhật Bản - đồng minh thân cận của phương Tây.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden  tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia, vào ngày 15/11/2022. Nguồn: Foreign Policy
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden  tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia, vào ngày 15/11/2022. Nguồn: Foreign Policy

Vẫn luôn dành mối quan tâm cho Đông Nam Á

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, New Delhi đang ngày càng quan tâm hơn đến chính sách "Hành động hướng Đông", thiết lập vào nhăm 1991, tăng cường hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ đứng về phía  Philippines trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông với Trung Quốc, tăng cường liên kết quốc phòng giữa hai bên như tiến hành tập trận song phương với hải quân Philippines năm 2021, cung cấp cho Manila tên lửa BrahMos thông qua thỏa thuận ký kết năm 2022.

Chính phủ ông Modi cũng tăng cường hợp tác an ninh với Indonesia sau khi thiết lập quan hệ quốc phòng vào năm 2018. Hải quân hai nước cũng thường xuyên tiến hành các đợt tập trận, trong đó ưu tiên cho các hoạt động chống tàu ngầm. Về kinh tế, hai quốc gia đang xem xét một hiệp định thương mại ưu đãi cũng như tăng cường liên kết giữa tỉnh Aceh của Indonesia và quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác với Việt Nam, Malaysia, Brunei, Singapore, Thái Lan, Lào bằng các thỏa thuận song phương trên nhiều lĩnh vực nhằm cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới.